Công bố 05 vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023?
- Công bố 05 vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn?
- Thông tư 01/2023/TT-BNNPTNT được áp dụng đối với đối tượng nào?
- Thời hạn chuyển đổi công tác đối với công chức viên chức thuộc đối tượng chuyển đổi vị trí công tác định kỳ là bao lâu?
- Việc chuyển đổi vị trí công tác thực hiện qua phương thức nào?
- Trường hợp nào chưa được thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác?
Công bố 05 vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn?
Ngày 25/5/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 01/2023/TT-BNNPTNT quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại chính quyền địa phương.
Trong đó có quy định 05 vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại chính quyền địa phương bao gồm:
(1) Quản lý động vật thuộc danh mục quý hiếm.
(2) Kiểm dịch động vật.
(3) Kiểm lâm.
(4) Kiểm soát thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, bệnh động vật, gia súc, gia cầm.
(5) Theo dõi, quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản, quản lý chất lượng an toàn vệ sinh, thú y, thủy sản.
Thông tư 01/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực kể từ ngày 17/7/2023 và bãi bỏ Thông tư 32/2015/TT-BNNPTNT.
Công bố 05 vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023? (Hình từ Internet)
Thông tư 01/2023/TT-BNNPTNT được áp dụng đối với đối tượng nào?
Tại Điều 1 Thông tư 01/2023/TT-BNNPTNT có quy định phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như sau:
Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tại chính quyền địa phương.
2. Thông tư này áp dụng đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Như vậy, Thông tư 01/2023/TT-BNNPTNT được áp dụng đối với đối tượng bao gồm:
- Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
- Viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý theo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thời hạn chuyển đổi công tác đối với công chức viên chức thuộc đối tượng chuyển đổi vị trí công tác định kỳ là bao lâu?
Tại Điều 3 Thông tư 01/2023/TT-BNNPTNT có quy định thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác như sau:
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác
1. Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc quy định tại Điều 2 Thông tư này là từ đủ 02 năm đến 05 năm.
2. Thời điểm tính thời hạn chuyển đổi vị trí công tác là thời điểm được phân công làm việc ở vị trí công tác đó của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Như vậy, thời hạn chuyển đổi công tác đối với công chức viên chức thuộc đối tượng chuyển đổi vị trí công tác định kỳ là từ đủ 02 năm đến 05 năm được tính từ thời điểm được phân công làm việc ở vị trí công tác đó của cơ quan có thẩm quyền.
Việc chuyển đổi vị trí công tác thực hiện qua phương thức nào?
Tại Điều 37 Nghị định 59/2019/NĐ-CP có quy định về việc chuyển đổi vị trí công tác thực hiện qua phương thức như sau:
Phương thức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác
1. Chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương.
2. Chuyển đổi vị trí công tác được thực hiện bằng văn bản điều động, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc chuyển đổi vị trí công tác thực hiện qua phương thức là
Chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ từ bộ phận này sang bộ phận khác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
Chuyển đổi vị trí công tác cùng chuyên môn, nghiệp vụ giữa các lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi, phụ trách, quản lý hoặc giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương.
Trường hợp nào chưa được thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác?
Tại Điều 38 Nghị định 59/2019/NĐ-CP có quy định các trường hợp chưa được thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác bao gồm:
- Người đang trong thời gian bị xem xét, xử lý kỷ luật.
- Người đang bị kiểm tra, xác minh, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử.
- Người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận; người đang đi học tập trung từ 12 tháng trở lên, người đang biệt phái.
- Phụ nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi; nam giới đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi do vợ mất hoặc trong trường hợp khách quan khác.
Lưu ý: Thông tư Thông tư 01/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực kể từ ngày 17/7/2023.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Chuyển đổi vị trí công tác có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?