Tội nào là tội nặng nhất theo quy định của Hiến pháp 2013? Phạm tội phản bội Tổ quốc phải gánh chịu hình phạt nào?
Tội nào là tội nặng nhất trong Hiến pháp 2013?
Theo Điều 44 Hiến pháp 2013 có quy định như sau:
Điều 44.
Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc.
Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất.
Như vậy, mặc dù Hiến pháp 2013 không phải văn bản quy định về tội phạm và hình phạt tuy nhiên Hiến pháp 2013 đã khẳng định phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất đối với một công dân Việt Nam.
Tội nào là nặng nhất trong Hiến pháp 2013? Phạm tội phản bội Tổ quốc phải gánh chịu hình phạt nào? (Hình từ Internet)
Phạm tội phản bội Tổ quốc phải gánh chịu hình phạt nào?
Tại Điều 108 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội phản bội Tổ quốc như sau:
Tội phản bội Tổ quốc
1. Công dân Việt Nam nào câu kết với nước ngoài nhằm gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
2. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Theo quy định như trên, công dân Việt Nam thực hiện tội phản bội Tổ quốc có thể phải gánh chịu hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Nếu có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
Người chuẩn bị phạm tội phản bội Tổ quốc cũng bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Người phạm tội phản bội Tổ quốc có được xóa án tích không?
Tại Điều 71 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 10 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 có quy định về xóa án tích theo quyết định của Tòa án như sau:
Xóa án tích theo quyết định của Tòa án
1. Xóa án tích theo quyết định của Tòa án được áp dụng đối với người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này. Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với người bị kết án căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án và các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Người bị kết án được Tòa án quyết định việc xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 07 năm trong trường hợp bị phạt tù trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì Tòa án quyết định việc xóa án tích từ khi người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm kể từ ngày bị Tòa án bác đơn mới được xin xóa án tích.
Như vậy, tội phản bội Tổ quốc là tội thuộc Chương XIII của Bộ luật Hình sự 2015 cho nên người phạm tội phản bội Tổ quốc có được xóa án tích hay không dựa vào quyết định của tòa án.
Tòa án có thể căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án và các điều kiện về thời hạn chấp hành án để quyết định xóa án tích cho người phạm tội phản bội Tổ quốc.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Thời gian sử dụng điện trong ngày được phân loại theo giờ như thế nào?
- AFTA là tên viết tắt của tổ chức nào? Việt Nam tham gia AFTA vào năm nào?
- 05 bước làm sạch dữ liệu để cấp định danh tổ chức cho doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp HTX 2024?
- 01 năm bao nhiêu cái Tết? Tết Nguyên đán có phải là Tết lớn nhất của người Việt không?