Có bắt buộc người gửi phải thanh toán cước dịch vụ phát sinh khi thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận không?
- Có bắt buộc người gửi phải thanh toán cước dịch vụ phát sinh khi thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận không?
- Trường hợp nào bưu gửi được mặc nhiên chuyển hoàn cho người gửi?
- Trường hợp người gửi có yêu cầu thay đổi địa chỉ người nhận nhưng doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính không thực hiện thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Có bắt buộc người gửi phải thanh toán cước dịch vụ phát sinh khi thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận không?
Tại khoản 2 Điều 16 Luật Bưu chính 2010 có quy định quyền định đoạt, thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận, rút lại bưu gửi và chuyển tiếp bưu gửi như sau:
Quyền định đoạt, thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận, rút lại bưu gửi và chuyển tiếp bưu gửi
1. Bưu gửi khi chưa phát cho người nhận vẫn thuộc quyền định đoạt của người gửi, trừ trường hợp bị thu giữ hoặc tiêu huỷ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Người gửi có quyền thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận hoặc rút lại bưu gửi khi bưu gửi chưa phát cho người nhận và khi người gửi có chứng từ chứng minh việc gửi. Người gửi phải thanh toán giá cước dịch vụ bưu chính phát sinh do việc thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận hoặc rút lại bưu gửi, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
3. Khi bưu gửi chưa phát đến địa chỉ của người nhận và khi người sử dụng dịch vụ bưu chính thông báo cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính về việc thay đổi địa chỉ của người nhận thì bưu gửi được chuyển tiếp đến địa chỉ mới. Người yêu cầu chuyển tiếp bưu gửi phải thanh toán giá cước dịch vụ bưu chính, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, khi người gửi thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận thì phải thanh toán giá cước dịch vụ bưu chính phát sinh.
Nếu các bên có thỏa thuận khác thì người gửi có thể không cần thanh toán giá cước dịch vụ bưu chính phát sinh.
Có bắt buộc người gửi phải thanh toán cước dịch vụ phát sinh khi thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận không? (Hình từ Internet)
Trường hợp nào bưu gửi được mặc nhiên chuyển hoàn cho người gửi?
Tại khoản 3 Điều 17 Luật Bưu chính 2010 có quy định bưu gửi không phát được, bưu gửi được chuyển hoàn, bưu gửi không hoàn trả được cho người gửi, bưu gửi không có người nhận như sau:
Bưu gửi không phát được, bưu gửi được chuyển hoàn, bưu gửi không hoàn trả được cho người gửi, bưu gửi không có người nhận
1. Bưu gửi được coi là không phát được trong các trường hợp sau đây:
a) Không có địa chỉ người nhận; địa chỉ người nhận không đầy đủ hoặc không đúng;
b) Người nhận đã thay đổi địa chỉ nhưng không để lại địa chỉ mới;
c) Không tìm được người nhận tại địa chỉ đã ghi;
d) Sau khi không thực hiện được việc phát, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính đã mời tối thiểu hai lần, mỗi lần cách nhau 02 ngày làm việc, nhưng người nhận không đến nhận;
đ) Người nhận từ chối nhận.
2. Bưu gửi được chuyển hoàn để trả lại cho người gửi khi không phát được cho người nhận và người gửi yêu cầu chuyển hoàn. Người gửi phải thanh toán giá cước dịch vụ bưu chính khi chuyển hoàn bưu gửi, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
3. Thư cơ bản đến 500 gam (g) khi không phát được mặc nhiên được chuyển hoàn cho người gửi và được miễn cước dịch vụ bưu chính khi chuyển hoàn.
4. Bưu gửi được coi là không hoàn trả được cho người gửi trong các trường hợp sau đây:
a) Không có địa chỉ người gửi; địa chỉ người gửi không đầy đủ hoặc không đúng;
b) Người gửi đã thay đổi địa chỉ nhưng không để lại địa chỉ mới;
c) Không tìm được người gửi tại địa chỉ đã ghi trên bưu gửi;
d) Sau khi không thực hiện được việc phát, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính đã mời tối thiểu hai lần, mỗi lần cách nhau 02 ngày làm việc, nhưng người gửi không đến nhận;
đ) Người gửi từ chối nhận lại.
5. Bưu gửi bị coi là không có người nhận trong trường hợp không phát được cho người nhận theo quy định tại khoản 1 và không hoàn trả được cho người gửi theo quy định tại khoản 4 điều này sau thời hạn 06 tháng, kể từ ngày bưu gửi được chấp nhận. Thời hạn này không áp dụng đối với bưu gửi mà người nhận từ chối nhận và người gửi cũng từ chối nhận lại.
Như vậy, trường hợp khối lượng thư cơ bản đến 500 gam (g) khi không phát được thì mặc nhiên sẽ được chuyển hoàn cho người gửi và được miễn cước dịch vụ bưu chính khi chuyển hoàn.
Trường hợp người gửi có yêu cầu thay đổi địa chỉ người nhận nhưng doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính không thực hiện thì bị phạt bao nhiêu tiền?
Tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định về hành vi không thực hiện yêu cầu của người gửi về việc chuyển hoàn bưu gửi để trả lại cho người gửi khi không phát được cho người nhận như sau:
Vi phạm các quy định về thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận; chuyển tiếp, chuyển hoàn, rút lại bưu gửi; bưu gửi không có người nhận
1. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện không đúng quy định về việc thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận hoặc rút lại bưu gửi.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện quy định về việc thay đổi họ tên, địa chỉ người nhận hoặc rút lại bưu gửi.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi thu cước chuyển hoàn đối với thư cơ bản có khối lượng đến 500 gram khi không phát được.
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thực hiện không đúng việc chuyển tiếp bưu gửi đến địa chỉ mới khi bưu gửi chưa phát đến địa chỉ của người nhận và khi người sử dụng dịch vụ bưu chính thông báo cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính việc thay đổi địa chỉ của người nhận;
b) Thực hiện không đúng yêu cầu của người gửi về việc chuyển hoàn bưu gửi để trả lại cho người gửi khi không phát được cho người nhận;
c) Xử lý không đúng quy định của pháp luật đối với bưu gửi không có người nhận.
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện việc chuyển tiếp bưu gửi đến địa chỉ mới khi bưu gửi chưa phát đến địa chỉ của người nhận và khi người sử dụng dịch vụ bưu chính thông báo cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính việc thay đổi địa chỉ của người nhận;
b) Không thực hiện yêu cầu của người gửi về việc chuyển hoàn bưu gửi để trả lại cho người gửi khi không phát được cho người nhận;
c) Không xử lý theo quy định của pháp luật đối với bưu gửi không có người nhận.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc hoàn trả cước thu không đúng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.
Tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định mức phạt hành chính đối với cá nhân, tổ chức như sau:
Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
...
3. Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Như vậy, trường hợp người gửi có yêu cầu thay đổi địa chỉ người nhận nhưng doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính không thực hiện thì bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Mức phạt tiền trên được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức. Đối với cá nhân nếu có hành vi vi phạm sẽ có mức phạt bằng 1/2 lần mức phạt cá nhân.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh ở đâu? Nguyên tắc lập quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là gì?
- 24 tiết khí của 4 mùa trong năm 2025? Làm việc vào ngày lễ, tết 2025 được trả lương thế nào?
- 12/11 âm lịch 2024 là ngày bao nhiêu dương? 12 tháng 11 âm 2024 là thứ mấy?
- Mẫu thư gửi chú bộ đội ở đảo xa nhân ngày 22/12 năm 2024?
- Các yếu tố cấu thành tội môi giới mại dâm theo pháp luật Hình sự?