Một luật sư được tham gia thành lập tối đa bao nhiêu tổ chức hành nghề luật sư và có được tham gia nhiều đoàn luật sư cùng một lúc không?
- Một luật sư được tham gia thành lập tối đa bao nhiêu tổ chức hành nghề luật sư và có được tham gia nhiều đoàn luật sư cùng một lúc không?
- Luật sư tham gia thành lập từ hai tổ chức hành nghề luật sư trở lên bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
- Tổ chức hành nghề luật sư phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình?
Một luật sư được tham gia thành lập tối đa bao nhiêu tổ chức hành nghề luật sư và có được tham gia nhiều đoàn luật sư cùng một lúc không?
Căn cứ tại Điều 32 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 có quy định về hình thức tổ chức hành nghề luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư như sau:
Hình thức tổ chức hành nghề luật sư, điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư
1. Tổ chức hành nghề luật sư bao gồm:
a) Văn phòng luật sư;
b) Công ty luật.
2. Tổ chức hành nghề luật sư được tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư:
a) Luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật này;
b) Tổ chức hành nghề luật sư phải có trụ sở làm việc.
4. Một luật sư chỉ được thành lập hoặc tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư. Trong trường hợp luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau cùng tham gia thành lập một công ty luật thì có thể lựa chọn thành lập và đăng ký hoạt động tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà một trong các luật sư đó là thành viên.
...
Tại Điều 11 Luật Luật sư 2006 có quy định về điều kiện hành nghề luật sư như sau:
Điều kiện hành nghề luật sư
Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.
Và Điều 20 Luật Luật sư 2006 sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 có quy định về gia nhập Đoàn luật sư như sau:
Gia nhập Đoàn luật sư
1. Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư gia nhập một Đoàn luật sư do mình lựa chọn để hành nghề luật sư.
2. Người có Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư đến Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư. Hồ sơ gia nhập Đoàn luật sư gồm có:
a) Giấy đăng ký gia nhập Đoàn luật sư;
b) Sơ yếu lý lịch;
c) Bản sao Chứng chỉ hành nghề luật sư;
d) Phiếu lý lịch tư pháp;
đ) Giấy chứng nhận sức khoẻ.
Như vậy, một luật sư chỉ được tham gia thành lập một tổ chức hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư do mình lựa chọn để hành nghề luật sư.
Một luật sư được tham gia thành lập tối đa bao nhiêu tổ chức hành nghề luật sư và có được tham gia nhiều đoàn luật sư cùng một lúc không? (Hình từ Internet)
Luật sư tham gia thành lập từ hai tổ chức hành nghề luật sư trở lên bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
Căn cứ tại điểm b khoản 3, khoản 8, điểm b khoản 9 Điều 6 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động hành nghề luật sư như sau:
Hành vi vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư:
...
3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp dịch vụ pháp lý cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khác ngoài cơ quan, tổ chức mà luật sư đã ký hợp đồng lao động, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước yêu cầu hoặc tham gia tố tụng trong vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc thực hiện trợ giúp pháp lý theo sự phân công của Đoàn luật sư mà luật sư là thành viên;
b) Thành lập hoặc tham gia thành lập từ hai tổ chức hành nghề luật sư trở lên;
c) Làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức khác bằng hình thức luật sư hành nghề với tư cách cá nhân ngoài tổ chức hành nghề luật sư mà luật sư đã thành lập, tham gia thành lập hoặc đã ký hợp đồng lao động;
...
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và g khoản 3, điểm a khoản 5 Điều này;
9. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại điểm a khoản 4 Điều này;
b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 3, các điểm b và c khoản 4, khoản 5, các điểm a, b, d và đ khoản 6, các điểm d và e khoản 7 Điều này.
...
Tại Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP có quy định:
Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức
1. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực: hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình là 30.000.000 đồng.
2. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong các lĩnh vực: thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã là 40.000.000 đồng.
3. Mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp là 50.000.000 đồng.
4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
...
Như vậy, luật sư tham gia thành lập từ hai tổ chức hành nghề luật sư trở lên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
- Xử phạt bổ sung: tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam từ 01 tháng đến 03 tháng.
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi.
Tổ chức hành nghề luật sư phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình?
Căn cứ tại khoản 6 Điều 40 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi khoản 17 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 có quy định về nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư như sau:
Nghĩa vụ của tổ chức hành nghề luật sư
1. Hoạt động theo đúng lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy đăng ký hoạt động.
2. Thực hiện đúng những nội dung đã giao kết với khách hàng.
3. Cử luật sư của tổ chức mình tham gia tố tụng theo phân công của Đoàn luật sư.
4. Tạo điều kiện cho luật sư của tổ chức mình thực hiện trợ giúp pháp lý và tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cho luật sư.
5. Bồi thường thiệt hại do lỗi mà luật sư của tổ chức mình gây ra cho khách hàng.
6. Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
7. Chấp hành quy định của Luật này và pháp luật về lao động, thuế, tài chính, thống kê.
8. Chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc báo cáo, kiểm tra, thanh tra.
9. Nhận người tập sự hành nghề luật sư và cử luật sư có đủ điều kiện hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người tập sự được tập sự, giám sát quá trình tập sự của người tập sự hành nghề luật sư.
10. Thực hiện việc quản lý và bảo đảm cho luật sư của tổ chức mình tuân thủ pháp luật, tuân theo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam và Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
11. Thực hiện nghĩa vụ báo cáo về tổ chức và hoạt động của tổ chức mình theo quy định của pháp luật.
12. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật có liên quan.”
Theo đó, tổ chức hành nghề luật sư có trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của tổ chức mình.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Tổ chức hành nghề luật sư có thể đặt câu hỏi tại đây.