Không thoả thuận rõ trong hợp đồng vay thì có đòi được tiền lãi không?
Có đòi được tiền lãi khi không thoả thuận rõ trong hợp đồng vay không?
Có đòi được tiền lãi khi không thỏa thuận rõ trong hợp đồng vay? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Trần Ngọc Anh, sống tại Huế. Tôi có cho người quen vay 100 triệu, có thỏa thuận tính lãi nhưng vì không hiểu rõ quy định pháp luật nên chúng tôi không ghi cụ thể mức lãi suất là bao nhiêu. Đến nay đã đến hạn trả nợ nhưng bên vay không thực hiện nghĩa vụ? Cho tôi hỏi tôi có được đòi lại cả tiền gốc và tiền lãi hay không? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin giải đáp vướng mắc của bạn như sau:
Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 quy định: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Khoản 5 Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên đối chiếu với trường hợp của bạn, vì bạn cho vay có tính lãi nhưng không thỏa thuận cụ thể về lãi suất nên mức lãi suất áp dụng trong trường hợp này là 10%/năm. Bạn cần lưu ý thêm, ngoài tiền gốc và tiền lãi này, bạn có thể yêu cầu bên vay thanh toán thêm lãi chậm trả tính từ thời điểm khi vi phạm nghĩa vụ đến nay.
Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn trong quan hệ dân sự như thế nào?
Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn trong quan hệ dân sự được quy định như thế nào? Xin chào quý anh chị ban tư vấn Thư Ký Luật! Tôi là cán bộ đã về hưu, hiện đang có tìm hiểu chút ít pháp luật. Hiện nay Bộ luật dân sự 2015 mới có hiệu lực, tôi có một vài thắc mắc sau khi tìm hiểu sơ qua. Anh chị cho tôi hỏi: Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn trong quan hệ dân sự được quy định như thế nào? Rất mong nhận được câu trả lời từ các anh chị! Tôi xin chân thành cám ơn!
Trả lời:
Theo quy định hiện hành tại Bộ luật dân sự 2015 thì việc thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn được quy định như sau:
- Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.
- Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn trong quan hệ dân sự được quy định tại Điều 470 Bộ luật dân sự 2015.
Hợp đồng vay tiền không công chứng có hợp pháp không?
Vừa rồi tôi có cho một người bạn thân lâu năm vay một số tiền 50 triệu, nhưng vì là chỗ thân tình quen biết nên chỉ làm hợp đồng vay giữa hai bên rồi hai đứa ký tên vào chú không có công chứng cũng không có người làm chứng. Giờ nghĩ lại tôi thấy hơi lo không biết hợp đồng như vậy có hợp pháp không? Nếu sau này bạn tôi không trả thì tôi có thể lấy hợp đồng này để đi kiện được không nữa? Xin luật sư hướng dẫn giúp.
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Như vậy: Từ các dẫn chứng trên đây thì có thể xác định hợp đồng vay tiền là hợp đồng vay tài sản, được điều chỉnh theo quy định của pháp luật về hợp đồng vay tài sản được quy định tại Bộ luật dân sự 2015 và các quy định hướng dẫn liên quan.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại Bộ luật dân sự 2015 và các quy định hướng dẫn liên quan, thì hiện nay pháp luật không quy định bắt buộc hợp đồng vay tài sản phải được công chứng, chứng thực tại cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng vay tiền có thỏa thuận về việc công chứng, chứng thực hợp đồng.
Do đó: Đối với trường hợp hợp đồng vay tiền giữa bạn và người bạn của mình được lập trên tinh thần tự nguyện của các bên và được các bên đồng ý ký tên vào hợp đồng, nên vẫn có hiệu lực pháp luật cho dù không có công chứng, chứng thực.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?