Bị vu khống trên mạng xã hội phải làm thế nào?
Có thể hiểu vu khống là là hành vi vố ý đưa ra hoặc cố ý loan truyền những thông tin không đúng sự thật có nội dung xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, uy tín người khác bằng những hình thức khác nhau như truyền miệng, qua phương tiện thông tin đại chúng, qua đơn thư tố giác.
Pháp luật hiện hành nghiêm cấm cá nhân, tổ chức có hành vi vu khống người khác. Các trường hợp vu khống người khác đều bị coi là trái pháp luật và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Trong đó bao gồm xử phạt hành chính hoặc nặng hơn là truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, trường hợp hành vi vu khống dẫn đến gây thiệt hại cho người khác thì còn phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 thì người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống:
- Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
- Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Tùy từng trường hợp cụ thể, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà người phạm tội vu khống có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính
Trường hợp cá nhân có hành vi vu khống người khác nhưng không đủ dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Theo đó, tại Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP có quy định:
"Điều 66. Vi phạm quy định về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
...g) Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác;"
Như vậy: Căn cứ quy định được trích dẫn trên đây thì người nào có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm vu khống người khác mà chưa đủ dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống thì có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (mức trung bình là 15.000.000 đồng)
Bồi thường thiệt hại
Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như vậy: Trường hợp người nào có hành vi vu khống người khác dẫn đến gây thiệt hại cho người đó thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Mức bồi thường do các bên từ thỏa thuận hoặc nhờ Tòa án giải quyết.
Theo như thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi thì bạn đang kinh doanh online, trong quá trình bán hàng có xích mích với một bạn mua hàng. Sau đó bạn đó lên mạng vu khống bạn lừa đảo, với những lời lẽ rất khó nghe. Bạn đã nhiều lần nhắn tin yêu cầu bạn ấy dừng lại và đính chính thông tin bạn không hề lừa đảo bạn đó, nếu thấy bạn lừa đảo thì hãy đi báo công an nhưng bạn ấy vẫn không bỏ dẫn đến ảnh hưởng rất nhiều đến công việc bán hàng của bạn.
Theo nhận định của chúng tôi dựa trên thông tin mà bạn cung cấp thì ở đây có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Do đó: Bạn có thể trình báo với cơ quan công an cấp xã, cơ quan công an cấp huyện nơi người đó đang cư trú để xem xét xử lý hành vi của người đó theo quy định của pháp luật.
- Nếu người đó chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 174/2013/NĐ-CP. Nhưng hành vi của người đó đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của bạn, gây thiệt hại cho bạn cả về vật chất và tinh thần. Nên bạn có quyền yêu cầu người đó bồi thường (mức bồi thường do bạn và người đó từ thỏa thuận), nếu người đó không bồi thường hoặc không thỏa thuận được về mức bồi thường thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án cấp huyện nơi người đó đang cư trú để yêu cầu giải quyết theo quy định.
- Nếu người đó bị khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử về Tội vu khống theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015. Hành vi của người đó đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của bạn, gây thiệt hại cho bạn cả về vật chất và tinh thần, bạn có quyền yêu cầu người đó bồi thường (mức bồi thường do bạn và người đó từ thỏa thuận), nếu người đó không bồi thường hoặc không thỏa thuận được về mức bồi thường thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án đang thụ lý xét xử đối với người đó để được giải quyết theo quy định.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- Luật Khiếu nại mới nhất 2025 và các văn bản hướng dẫn thi hành?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Mức tiền thưởng huy hiệu 65 năm tuổi Đảng năm 2025 là bao nhiêu?
- Trộm cắp điện là gì? Hành vi trộm cắp điện bị xử phạt bao nhiêu tiền?