Cán bộ cấp cao về hưu được hưởng những chế độ gì?
1. Chế độ cảnh vệ
Theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 10 Luật Cảnh vệ 2017 Đối tượng được cảnh vệ gồm "Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ"
Biện pháp, chế độ cảnh vệ:
- Bảo vệ tiếp cận;
- Canh gác thường xuyên tại nơi ở.
2. Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe
Theo Quy định 121-QĐ/TW năm 2018 về công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý do Ban Chấp hành Trung ương ban hành thì cán bộ cấp cao nguyên chức được bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ gồm:
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
- Ủy viên Bộ Chính trị.
- Bí thư Trung ương Đảng.
- Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đại tướng lực lượng vũ trang.
- Ủy viên Trung ương Đảng, trưởng các ban đảng, trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội, bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và các chức vụ tương đương; thượng tướng lực lượng vũ trang.
- Phó trưởng ban đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, thứ trưởng, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chức vụ tương đương.
Chế độ chăm sóc sức khỏe:
1- Thời gian khám, kiểm tra sức khoẻ toàn diện định kỳ
- Định kỳ 6 tháng/lần thực hiện khám, kiểm tra sức khoẻ. Trường hợp có bệnh lý thì thực hiện khám, kiểm tra sức khoẻ theo chỉ định của Hội đồng Chuyên môn bảo vệ sức khoẻ cán bộ.
- Trường hợp cán bộ có bệnh lý cần thiết đi khám, kiểm tra sức khoẻ tại nước ngoài phải có chỉ định của Hội đồng Chuyên môn bảo vệ sức khoẻ cán bộ; Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương và báo cáo, xin ý kiến của Thường trực Ban Bí thư, Ban Bí thư.
2- Chế độ thăm khám, theo dõi sức khoẻ tại nhà hoặc cơ quan
- Đối với các đồng chí cán bộ chủ chốt (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội): Bác sĩ tiếp cận thăm khám sức khoẻ hằng ngày.
- Đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Bác sĩ theo dõi sức khoẻ thăm khám sức khoẻ ít nhất 2 lần/tuần hoặc hằng ngày tùy theo diễn biến sức khoẻ của cán bộ.
- Đối với Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng lực lượng vũ trang: Bác sĩ theo dõi sức khoẻ thăm khám sức khỏe ít nhất 1 lần/tuần hoặc hằng ngày tùy theo diễn biến sức khoẻ của cán bộ.
- Đối với các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, trưởng các ban đảng, bộ trưởng, trưởng đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương, bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và các chức vụ tương đương; thượng tướng lực lượng vũ trang:
+ Sức khoẻ loại A và loại B: Bác sĩ theo dõi sức khoẻ thăm khám sức khoẻ ít nhất 1 lần/tháng và khi có yêu cầu đột xuất.
+ Sức khoẻ loại C và loại D: Bác sĩ theo dõi sức khoẻ thăm khám sức khoẻ ít nhất 2 lần/tháng và khi có yêu cầu đột xuất.
- Các đồng chí phó trưởng ban đảng, thứ trưởng, phó trưởng đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chức vụ tương đương:
+ Sức khoẻ loại A và loại B: Bác sĩ theo dõi sức khoẻ thăm khám sức khoẻ ít nhất 3 tháng/1 lần và khi có yêu cầu đột xuất.
+ Sức khoẻ loại C và loại D: Bác sĩ theo dõi sức khoẻ thăm khám sức khoẻ ít nhất 2 tháng/1 lần và khi có yêu cầu đột xuất.
- Những trường hợp bệnh nặng, diễn biến phức tạp thì tùy theo tình hình thực tế bác sĩ theo dõi sức khoẻ phải theo dõi, thăm khám hằng ngày hoặc hàng tuần hoặc theo chỉ định của Hội đồng Chuyên môn bảo vệ sức khoẻ cán bộ.
3. Khi từ trần được tổ chức lễ Quốc tang
Theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 105/2012/NĐ-CP về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức:
Cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ Quốc tang:
- Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;
- Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Về quy định đưa tin buồn
Khi chưa có thông báo chính thức của Ban Tổ chức Lễ tang, các phương tiện thông tin đại chúng chỉ được đưa tin vắn về việc từ trần. Sau khi thành lập Ban Tổ chức Lễ tang và việc tổ chức Lễ tang được chính thức công bố, các phương tiện thông tin đại chúng mới được đưa tin buồn, đăng bài viết giới thiệu về người từ trần.
Thời gian, nghi thức để tang
Thời gian tổ chức Lễ Quốc tang là 02 (hai) ngày. Trong thời gian này các cơ quan, công sở trong phạm vi cả nước và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài treo cờ rủ, có dải băng tang (có kích thước bằng 1/10 chiều rộng lá cờ, chiều dài theo chiều dài của lá cờ và chỉ treo cờ đến 2/3 chiều cao của cột cờ, dùng băng vải đen buộc không để cờ bay), không tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí công cộng.
Nơi tổ chức Lễ Quốc tang và nơi an táng
1. Lễ Quốc tang tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (nếu tổ chức ở Hà Nội); Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh (nếu tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh).
2. An táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội; Nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh hoặc hỏa táng, điện táng, an táng tại quê hương hay nghĩa trang địa phương khác theo nguyện vọng của gia đình.
Mong rằng những tư vấn của chúng tôi sẽ giúp giải đáp được những vướng mắc của bạn.
Chúc sức khỏe và thành công!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trưởng công an xã được tịch thu xe vi phạm không quá 5 triệu đồng?
- Năm 2025 lái xe ô tô chạy quá tốc độ bao nhiêu km/h thì bị trừ điểm bằng lái xe?
- Mẫu phiếu hẹn khám lại trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế?
- Có được phép đeo tai nghe khi đang điều khiển xe máy hay không? Phạt nặng nhất là bao nhiêu?
- Lỗi lùi xe ô tô trên đường cao tốc bị phạt bao nhiêu tiền từ 1/1/2025?