Lương hưu hàng tháng đối với cán bộ, chiến sĩ Công an trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước trước 30/04/1975
Lương hưu hàng tháng đối với cán bộ, chiến sĩ CAND trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30/04/1975 trở về trước có 20 năm trở lên công tác trong CAND đã xuất ngũ, thôi việc về địa phương được quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch 04/2011/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ hưu trí đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 trở về trước có 20 năm trở lên công tác trong Công an nhân dân đã xuất ngũ, thôi việc về địa phương do Bộ Công an - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính ban hành như sau:
1. Mức lương hưu hàng tháng được tính theo số năm thực tế công tác được tính hưởng bảo hiểm xã hội và mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội như sau: Đủ 15 năm tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội; sau đó, cứ thêm một năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ. Mức lương hưu hàng tháng tối đa bằng 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Ví dụ 4: Ông Trần Văn T, sinh năm 1948, vào Công an nhân dân tháng 5 năm 1965, thôi việc tháng 8 năm 1988 với lương cấp bậc hàm Đại úy, có 23 năm 04 tháng công tác trong Công an nhân dân; nay được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, cách tính tỷ lệ % lương hưu của ông T như sau:
- Đủ 15 năm = 45%
- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 23 (8 năm): 2% x 8 (năm) = 16%
- Có 4 tháng lẻ được tính thêm: 2% x 0,5 = 1%
Tỷ lệ % lương hưu của ông T là: 45% + 16% + 1% = 62%.
Ví dụ 5: Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1950, tháng 3 năm 1967 nhập ngũ vào Quân đội nhân dân, tháng 6 năm 1975 chuyển sang Công an nhân dân, tháng 3 năm 1987 thôi việc với lương cấp bậc hàm Thượng úy, có 20 năm 01 tháng công tác trong quân đội và công an; nay được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, cách tính tỷ lệ % lương hưu của bà N như sau:
- Đủ 15 năm = 45%
- Từ năm thứ 16 đến năm thứ 20 (5 năm): 3% x 5 (năm) = 15%
- Có 01 tháng lẻ: không được tính
Tỷ lệ % lương hưu của bà N là: 45% + 15% = 60%.
2. Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để làm căn cứ tính lương hưu là mức bình quân tiền lương (lương cấp bậc hàm, ngạch, bậc và phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp chức vụ (nếu có)) trong 05 năm cuối (60 tháng) trước khi xuất ngũ, thôi việc hoặc trước khi chuyển sang Trung tâm Điều dưỡng thương binh thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (trong đó hệ số lương và phụ cấp được chuyển đổi thành hệ số lương, phụ cấp tương ứng quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang (mức lương cấp bậc hàm chuẩn úy tính bằng hệ số 3,0)). Tiền lương tối thiểu để làm cơ sở tính lương hưu là mức 290.000 đồng/tháng.
Ví dụ 6: Trường hợp ông Trần Văn T ở ví dụ 4, có diễn biến tiền lương 5 năm cuối trước khi thôi việc như sau:
- Từ tháng 9 năm 1983 đến tháng 6 năm 1986 (34 tháng), lương cấp bậc hàm Thượng úy (hệ số 3,80), phụ cấp thâm niên nghề 21%.
- Từ tháng 7 năm 1986 đến tháng 8 năm 1988 (26 tháng), lương cấp bậc hàm Đại úy (hệ số 4,15), phụ cấp thâm niên nghề 23%.
Mức bình quân tiền lương tháng làm căn cứ tính lương hưu:
- 3,80 x 290.000 đồng x 1,21 x 34 tháng = 45.336.280 đồng.
- 4,15 x 290.000 đồng x 1,23 x 26 tháng = 38.487.930 đồng.
(45.336.280 đồng + 38.487.930 đồng) : 60 tháng = 1.397.070 đồng
Lương hưu hàng tháng của ông T được tính theo thời điểm trước tháng 10 năm 2004 là: 1.397.070 đồng x 62% = 866.183 đồng.
a) Trường hợp có thời gian hưởng lương hưu chưa đủ 5 năm (60 tháng) thì tiền lương tháng làm căn cứ tính lương hưu là mức bình quân tiền lương của các tháng được hưởng lương theo cấp bậc hàm, ngạch, bậc.
b) Trường hợp hồ sơ chỉ xác định được mức tiền lương cuối cùng trước khi xuất ngũ, thôi việc thì áp dụng thời hạn thăng cấp, nâng lương quy định tại Pháp lệnh về lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam và Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam năm 1991 để xác định diễn biến tiền lương 5 năm cuối làm căn cứ tính lương hưu.
c) Đối với các trường hợp chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân sau đó thôi việc thì việc tính lương hưu được thực hiện như sau:
Được lấy mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (tính đến thời điểm thôi việc), cộng thêm khoản phụ cấp thâm niên nghề đã được hưởng tại tháng liền kề trước khi chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân (được chuyển đổi theo hệ số lương, phụ cấp tương ứng quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ; tiền lương tối thiểu làm cơ sở tính lương hưu là mức 290.000 đồng/tháng) làm cơ sở tính lương hưu.
Trường hợp mức lương hưu được tính như trên mà thấp hơn mức lương hưu tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân thì được lấy mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tại thời điểm chuyển sang công nhân, viên chức Công an nhân dân (được chuyển đổi theo hệ số lương, phụ cấp tương ứng quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ; tiền lương tối thiểu làm cơ sở tính lương hưu là mức 290.000 đồng/tháng) để tính lương hưu.
3. Đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này được hưởng lương hưu từ ngày 01 tháng 5 năm 2010, lương hưu hàng tháng được áp dụng điều chỉnh tăng theo quy định của Chính phủ đối với người hưởng lương hưu trước tháng 10 năm 2004. Cụ thể là:
a) Tăng 10% lương hưu tính theo thời điểm trước tháng 10 năm 2004 theo quy định tại Nghị định số 208/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004.
b) Tăng 8% lương hưu tính theo điểm a khoản này theo quy định tại Nghị định số 117/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005.
c) Tăng 20,7% lương hưu tính theo điểm b khoản này theo quy định tại Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005.
d) Tăng 8% lương hưu tính theo điểm c khoản này theo quy định tại Nghị định số 93/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006.
đ) Tăng 28,6% lương hưu tính theo điểm d khoản này theo quy định tại Nghị định số 94/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006.
e) Tăng 20% lương hưu tính theo điểm đ khoản này theo quy định tại Nghị định số 184/2007/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2007.
f) Tăng 15% lương hưu tính theo điểm e khoản này theo quy định tại Nghị định số 101/2008/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2008.
g) Tăng 5% lương hưu tính theo điểm f khoản này theo quy định tại Nghị định số 34/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2009.
h) Tăng 12,3% lương hưu tính theo điểm g khoản này theo quy định tại Nghị định số 29/2010/NĐ-CP ngày 25 tháng 3 năm 2010.
i) Từ ngày 01 tháng 5 năm 2011, tăng 13,7% lương hưu tính theo điểm h khoản này theo quy định tại Nghị định số 23/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2011.
Khi Chính phủ tiếp tục điều chỉnh lương hưu thì lương hưu của các đối tượng cũng được điều chỉnh tương ứng.
Ví dụ 7: Trường hợp ông Trần Văn T ở ví dụ 4 (lương hưu hàng tháng được tính tại ví dụ 6), được điều chỉnh lương hưu hàng tháng như sau:
- Tăng 10% theo Nghị định số 208/2004/NĐ-CP là: 866.183 đồng x 1,10 = 952.801 đồng
- Tăng 8% theo Nghị định số 117/2005/NĐ-CP là: 952.801 đồng x 1,08 = 1.029.025 đồng
- Tăng 20,7% theo Nghị định số 118/2005/NĐ-CP là: 1.029.025 đồng x 1,207 = 1.242.033 đồng
- Tăng 8% theo Nghị định số 93/2006/NĐ-CP là: 1.242.033 đồng x 1,08 = 1.341.396 đồng
- Tăng 28,6% theo Nghị định số 94/2006/NĐ-CP là: 1.341.396 đồng x 1,286 = 1.725.035 đồng.
- Tăng 20% theo Nghị định số 184/2007/NĐ-CP là: 1.725.035 đồng x 1,20 = 2.070.042 đồng
- Tăng 15% theo Nghị định số 101/2008/NĐ-CP là: 2.070.042 đồng x 1,15 = 2.380.548 đồng
- Tăng 5% theo Nghị định số 34/2009/NĐ-CP là: 2.380.548 đồng x 1,05 = 2.499.575 đồng
- Tăng 12,3% theo Nghị định số 29/2010/NĐ-CP là: 2.499.575 đồng x 1,123 = 2.807.023 đồng
Lương hưu của ông T được hưởng từ ngày 01 tháng 5 năm 2010 đến hết tháng 4 năm 2011 là 2.807.023 đồng/tháng.
Từ ngày 01 tháng 5 năm 2011 lương hưu của ông T được điều chỉnh tăng 13,7% theo Nghị định số 23/2011/NĐ-CP là: 2.807.023 đồng x 1,137 = 3.191.585 đồng/tháng.
4. Trường hợp thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 Thông tư này nhưng hưởng sinh hoạt phí thì mức lương hưu hàng tháng được hưởng bằng mức lương tối thiểu chung theo quy định của Chính phủ cho từng thời kỳ.
Trên đây là nội dung quy định về lương hưu hàng tháng đối với cán bộ, chiến sĩ CAND trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30/04/1975 trở về trước có 20 năm trở lên công tác trong CAND đã xuất ngũ, thôi việc về địa phương. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 04/2011/TTLT-BCA-BLĐTBXH-BTC.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025?
- Nhiệm kỳ của Giám đốc theo tổ chức quản trị rút gọn tại Hợp tác xã là bao lâu?
- Tra cứu kết quả thi HSG quốc gia 2024-2025 ở đâu?
- Bán pháo hoa Bộ Quốc phòng có bị phạt không?
- Kịch bản chương trình họp phụ huynh cuối học kì 1 các cấp năm 2024 - 2025?