Kính
gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh
Bộ Y tế nhận được công văn số
2081/BDN ngày 30/12/2022 của Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc
chuyển kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa
XV, trong đó có một số kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh.
Sau khi nghiên cứu nội dung kiến
nghị và rà soát các văn bản liên quan, Bộ Y tế xin trả lời đối với từng kiến
nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế, cụ thể như sau:
1. Cử tri phản
ánh tình trạng thực phẩm kém chất lượng, không rõ xuất xứ tràn lan trên thị trường,
sử dụng nhiều hóa chất độc hại khi chế biến thực phẩm, không đảm bảo vệ sinh
gây ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng. Kiến nghị nghiên cứu,
tham mưu Chính phủ trình
Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật An toàn thực phẩm nhằm tăng cường hơn nữa công
tác quản lý và có biện pháp xử phạt nặng hơn để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Thực hiện Kết luận số 19-KL/TW
ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp
luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết
định số 2114/QĐ-TTg ngày 16/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch
thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương
trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Bộ Y tế đã ban hành Quyết định
số 5975/QĐ-BYT ngày 30/12/2021 phê duyệt Kế hoạch xây dựng
văn bản quy phạm pháp luật về y tế và giao nhiệm vụ triển
khai nghiên cứu, xây dựng dự án Luật an toàn thực phẩm sửa đổi nhằm tăng cường
công tác quản lý về an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án
Luật an toàn thực phẩm sửa đổi, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch chi tiết triển
khai xây dựng Luật an toàn thực phẩm sửa đổi tại Kế hoạch số 1072/KH-BYT ngày
22/8/2022 của Bộ Y tế. Theo đó, Dự án Luật an toàn thực phẩm sửa đổi, bổ sung sẽ
trình Chính phủ đề nghị xây dựng năm 2023 và dự kiến trình Quốc hội xem xét,
thông qua tại Kỳ họp thứ 8 hoặc kỳ họp thứ 9 tháng 5/2025.
Hiện Bộ Y tế đang tổng hợp và xây
dựng báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật an toàn thực phẩm.
2. Cử tri phản
ánh tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế hiện nay rất trầm trọng gây bức xúc
trong Nhân dân. Kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm có giải pháp khắc phục tình trạng
đấu thầu thuốc để đủ thuốc cung cấp cho người dân khi tham gia khám bệnh bằng bảo
hiểm y tế
2.1. Hiện tượng
thiếu thuốc, vật tư y tế ở một số cơ sở y tế công lập trong thời gian qua
- Nguyên nhân khách quan: (1) Năm
2021 các cơ sở y tế phải tập trung lực lượng cho công tác phòng, chống dịch
COVID-19, tăng khối lượng công việc do dịch bệnh, việc xây dựng, thực hiện kế
hoạch mua sắm, đấu thầu bị ảnh hưởng. (2) Nguồn cung nguyên liệu, hàng hóa khan
hiếm, giá cả biến động tăng trên quy mô toàn cầu khiến việc mua sắm thuốc, vật
tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm càng trở nên khó khăn hơn. (3) Sau đại dịch
COVID-19, số lượng người dân đi khám, chữa bệnh tăng vọt, vượt quá khả năng
cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế của các cơ sở y tế. (4) Các hợp đồng cung
ứng đã thực hiện những năm trước hết hạn phải chờ kế hoạch đấu thầu mới.
- Nguyên nhân chủ quan: (1) Hạn chế
nguồn cung do việc cấp phép, gia hạn giấy phép lưu hành chậm. (2) Có tâm lý e
ngại, sợ sai trong tổ chức thực hiện mua sắm, thiếu nhân lực có chuyên môn tổ
chức đấu thầu. (3) Tiến độ thực hiện mua sắm thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập
trung thuốc quốc gia, đàm phán giá và đấu thầu tập trung cấp địa phương còn chậm;
nhiều gói thầu số lượng ít không thu hút nhà cung cấp,...(4) Tại một số đơn vị
có tình trạng tồn tại công nợ với nhà thầu, do chưa được bảo hiểm xã hội thanh,
quyết toán chi phí khám, chữa bệnh một số năm trước đó; một số nhà cung cấp
cũng e ngại trong việc cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công do liên quan tới
giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp; một số nhà thầu không
tiếp tục tham dự thầu, không tiếp tục sẵn sàng giao hàng hoặc giao hàng với một
số lượng rất hạn chế, chỉ đủ sử dụng trong một thời gian ngắn, gây nên tình trạng
thiếu hụt thuốc sử dụng cho người bệnh. (5) Nhiều gói thầu phải thực hiện đấu
thầu lần 2, lần 3 vẫn không có kết quả vì không có nhà thầu dự thầu do giá hàng
hóa trên thị trường đã biến động, tăng so với giá kế hoạch được lập.
2.2. Các giải
pháp đã và đang triển khai để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế để
phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân
2.2.1. Hoàn thiện hành lang
pháp lý
Trong thời gian qua dưới sự quan
tâm lãnh đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết
liệt chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành tham mưu để giải quyết triệt để
vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Bộ Y tế cùng các bộ, ngành đã
rất nỗ lực và cố gắng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn; chỉ đạo đẩy mạnh việc thực
hiện mua sắm, cung ứng đủ thuốc, trang thiết bị y tế, đặc biệt tập trung tháo gỡ
những khó khăn về mặt pháp lý, cụ thể:
- Ngày 09/01/2023 trình Quốc hội
thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi số
15/2023/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024 với các giải pháp để tăng nguồn
lực cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như các quy định về giá dịch vụ khám bệnh,
chữa bệnh, tự chủ hay các quy định về vay vốn, thuê, mượn thiết bị y tế...;
- Báo cáo Quốc hội ban hành Nghị
quyết số 80/2023/QH15, trong đó cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành
thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực trong giai đoạn từ
01/01/2023 đến 31/12/2024 được tiếp tục sử dụng từ ngày hết hiệu lực đến hết
ngày 31/12/2024. Với sự cho phép của Nghị quyết 80/2023/QH15, ngay trong tháng
02/2023, Bộ Y tế đã gia hạn giấy phép lưu hành của gần 10.000 thuốc, đảm bảo
nguồn cung, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cung ứng thuốc trên thị trường.
- Trình Chính phủ ban hành Nghị
quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang
thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
- Trình Thủ tướng Chính phủ ban
hành Công điện số 778/CĐ-TTg ngày 05/9/2022, Công điện số 72/CĐ-TTg ngày
25/02/2023 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế để phục vụ công tác khám
bệnh, chữa bệnh.
- Bộ Y tế ban hành Thông tư số
14/2022/TT-BYT ngày 06/12/2022 về việc bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật
do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, liên tịch ban hành; theo đó đã bãi bỏ khoản 3, Điều 8 Thông tư số 14/2020/TT-BYT.
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, các
cơ chế chính sách: Sửa đổi Luật Dược 2016 (trình Chính phủ từ tháng 9/2022,
đang hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội).
- Trình Chính phủ sửa đổi Nghị định
số 146/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Bảo hiểm y tế (đã xin ý kiến Thành viên Chính
phủ) để giải quyết các vấn đề bất cập liên quan tới bảo hiểm y tế.
- Ban hành Thông tư sửa Thông tư số
15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
Đặc biệt, để tiếp tục tháo gỡ những
khó khăn liên quan tới đảm bảo việc cung ứng đầy đủ thuốc, trang thiết bị, vật
tư y tế phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, ngay đầu
tháng 3/2023, Bộ Y tế đã trình Chính phủ đã ban hành:
- Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày
03/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày
08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế
liên quan tới lĩnh vực trang thiết bị y tế, như: Tự động gia hạn giấy phép nhập
khẩu, số đăng ký lưu hành, khơi thông các vướng mắc trong nhập khẩu trang thiết
bị y tế (Giấy phép nhập khẩu TTBYT đã được cấp từ ngày 01/01/2018 đến
31/12/2021 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024; số đăng ký lưu hành đối
với TTBYT là sinh phẩm chẩn đoán invitro đã được cấp từ ngày 01/01/2014 đến
ngày 31/12/2019 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024), thay đổi quản
lý, kê khai giá TTBYT, quy định để giải quyết vướng mắc trong việc xử lý TTBYT
khi bị thu hồi số đăng ký lưu hành...
- Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 04/3/2023
về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế
trong đó có giải quyết các vấn đề liên quan tới thanh toán chi phí khám bệnh,
chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà
thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu
được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu; hướng dẫn xác
định giá gói thầu; việc sử dụng trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức
trong ngoài nước hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ nhưng chưa
hoàn thành sở hữu toàn dân để khám bệnh, chữa bệnh.
Với những văn bản được ban hành
nêu trên về cơ bản đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở y tế.
Hiện nay, Bộ Y tế đang tiếp tục phối
hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các Bộ,
ngành, cơ quan liên quan tham mưu quyết liệt cho Chính phủ: Sửa đổi Luật Đấu thầu
và Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT ngày 31/5/2022 Quy định chi tiết việc cung cấp,
đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu
quốc gia; sửa đổi Luật Giá, Nghị định số 29/NĐ-CP, Nghị định số 151/NĐ-CP;
Thông tư số 58/2016/TT-BTC ; Thông tư số 277/2016/TT-BTC và Thông tư số
278/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016... để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác mua
sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; đồng thời hướng dẫn các đơn vị, các
cơ sở y tế, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến
mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền.
2.2.2. Về công tác chỉ đạo,
điều hành, chuyên môn
Trong các năm qua, Bộ Y tế đã quyết
liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường xử lý, giải quyết việc đăng ký
lưu hành, gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc:
- Đẩy nhanh tiến độ cấp, gia hạn
giấy đăng ký lưu hành theo quy định tại Luật Dược; ban hành các Thông tư liên
quan đến công tác đăng ký thuốc, đẩy mạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục
hành chính, đặc biệt với các quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành
thuốc[1]; đã tổ
chức thêm các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược[2]; ban hành nhiều
văn bản chỉ đạo điều hành về đảm bảo cung ứng thuốc, đặc biệt các thuốc hiếm,
khó khăn về nguồn cung[3].
Qua đó đã giúp các cơ sở khám chữa bệnh nắm được thông tin về nguồn cung thuốc,
chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đảm bảo cung ứng đủ thuốc phục vụ công
tác khám, chữa bệnh.
- Đã rà soát, dự thảo danh mục
công bố gần 10.000 thuốc để thực hiện Nghị quyết số 80/2023/QH15 ngày
09/01/2023.
- Chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh
giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan.
- Thực hiện phân cấp toàn diện phê
duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho
các cơ sở y tế trực thuộc Bộ.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua
sắm tập thuốc quốc gia, đàm phán giá (Trong năm 2022, đã tổ chức thành công 03
gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia: giảm giá 1.418 tỷ
đồng so với giá kế hoạch (giảm gần 18%); đàm phán giá thành công 61/69 mặt hàng
thuốc: giảm giá 1.995 tỷ đồng (xấp xỉ 15%)).
- Kịp thời hỗ trợ các cơ sở y tế
có vướng mắc liên quan đến thiếu thuốc.
- Tăng cường công tác giáo dục
chính trị, tư tưởng và các giải pháp nhằm ổn định tư tưởng cho cán bộ, công chức
và chuyên gia thẩm định hồ sơ, tiếp tục đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng
công chức và chuyên gia thẩm định xin thôi việc hoặc không tham gia thẩm định hồ
sơ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết hồ sơ trực tuyến,
đến nay việc tiếp nhận hồ sơ của hầu hết các thủ tục hành chính trong đăng ký
thuốc đã thực hiện trực tuyến; sửa đổi quy định về thu phí đăng ký thuốc và chế
độ thù lao cho chuyên gia để thúc đẩy công tác thẩm định hồ sơ ...
- Bộ Y tế đã thành lập 04 Đoàn kiểm
tra, khảo sát tình hình cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị tại các
cơ sở y tế, đồng thời có văn bản yêu cầu các Sở Y tế, các bệnh viện Trung ương
báo cáo về tình hình cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế để đánh giá thực
trạng cung ứng thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế. Phối hợp với các
cơ sở y tế, các địa phương đánh giá tình hình thực hiện đảm bảo thuốc, vật tư y
tế.
- Phối hợp cùng các địa phương và
các cơ sở y tế rà soát các vướng mắc liên quan tới việc đảm bảo thuốc, trang
thiết bị vật tư y tế của các cơ sở y tế để tổng hợp đề xuất các cấp có thẩm quyền
giải quyết.
2.3. Về việc
đảm bảo trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế và biên chế y bác sĩ, nhất là đối với
tuyến cơ sở
- Việc đầu tư cho y tế cơ sở, y tế
dự phòng, trước hết thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương theo các chính
sách của Đảng, Nhà nước và hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngày 05/12/2016, Thủ tướng
Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và
phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, trong đó đã quy định: Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa
phương (cả chi đầu tư và chi sự nghiệp) cho Đề án, ưu tiên phân bổ kinh
phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục
tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu đầu tư phát triển hệ
thống y tế địa phương, Chương trình mục tiêu y tế - dân số và huy động các nguồn
vốn hợp pháp để thực hiện Đề án. Bảo đảm đủ nhân lực, nguồn tài chính cho hoạt
động của y tế cơ sở; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ để thu
hút bác sỹ về làm việc tại tuyến y tế cơ sở.
+ Ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban
hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã
hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài
khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Chương trình phân bổ gần 14.000 tỷ đồng cho
ngành Y tế để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ
sở, y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, nâng cao năng lực phòng,
chống dịch bệnh của các Viện nghiên cứu, Bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo,
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vắc xin trong
nước, thuốc điều trị COVID-19. Bộ Y tế đã tổng hợp nhu cầu của các địa phương,
đơn vị và báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện việc phân bổ nguồn lực của
Chương trình.
+ Bộ Y tế cũng đã đề xuất Chính phủ
triển khai các nguồn lực đầu tư từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông
thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025; tiếp tục triển khai các dự án đầu tư
cho y tế cơ sở từ nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng Phát
triển Châu Á (ADB).
- Thực hiện Nghị định số
106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm, số người
làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, ngày 17/02/2023, Bộ Y tế đã ban hành
Thông tư số 03/2023/TT-BYT hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người
làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y
tế công lập. Theo đó, Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức số lượng
người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp tối thiểu trong đơn
vị sự nghiệp y tế công lập thuộc các Bộ, ngành và địa phương. Các đơn vị sự
nghiệp y tế công lập có số lượng người làm việc chưa đáp ứng đủ định mức tối
thiểu quy định tại Thông tư này phải có phương án tuyển dụng,
bố trí, sắp xếp viên chức để bảo đảm định mức này, hoàn thành trước 31/12/2025.
Do vậy, theo thẩm quyền Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, căn cứ quy định và
tình hình thực tế của địa phương để quyết định việc bố trí số lượng người làm việc cho các trạm y tế xã, phường trên địa bàn cho
phù hợp.
Trên đây là nội dung trả lời đối với
kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh liên quan đến lĩnh vực y tế, Bộ Y tế trân trọng
kính gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội để thông tin đến cử tri.
Xin trân trọng cảm ơn./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ban Dân nguyện - UBTVQH;
- VPCP: QHĐP, TH;
- VPQH;
- Các đ/c Thứ trưởng BYT;
- BYT: BH, KH-TC, TB-CT, QLD;
- Cổng TTĐT Bộ Y tế (để đăng tải);
- Lưu: VT, VPB1.
|
BỘ TRƯỞNG
Đào Hồng Lan
|
[2] Đã giao Trường Đại học
Dược Hà Nội, Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Dược
Hải Phòng tham gia thẩm định hồ sơ.
[3] Từ năm 2022 đến nay, Bộ
Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành về đảm bảo cung ứng thuốc: Công văn số 319/QLD-KD ngày
14/01/2022 chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai dự trữ thuốc để đảm bảo
sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc
phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, đảm bảo chất lượng và giá thành
hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến; Công văn số 3850/BYT-QLD
ngày 21/7/2022 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn
vị cung ứng thuốc để chủ động, kịp thời cung ứng dịch truyền Dextra 40; Công
văn số 7242/BYT-QLD ngày 28/7/2022 gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế và các đơn vị sản xuất, kinh
doanh thuốc để bảo đảm việc cung ứng thuốc điều trị cúm và kiểm soát giá các thuốc điều
trị cúm mùa, đặc biệt đối với các thuốc điều trị cúm A
(thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất Oseltamivir); Công văn số
7737/QLD-KD ngày 10/8/2022 gửi các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm
thuốc tăng cường nhập khẩu thuốc,
nguyên liệu làm thuốc để nghiên cứu sản xuất thuốc
phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ; Công văn số 7779/QLD-KD ngày 14/8/2022 gửi Sở Y
tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, viện trực thuộc Bộ
Y tế và các cơ sở nhập khẩu thuốc đôn đốc bảo đảm nguồn cung và yêu cầu báo cáo
về kế hoạch nhập khẩu Protamin sulfat trong thời gian tới; các nguy cơ và tình
trạng thiếu hụt nguồn cung (nếu có) và đề xuất các giải pháp khắc phục; Công
văn số 8908/QLD-GT ngày 09/9/2022 gửi các cơ sở nhập khẩu thuốc thông báo nhu cầu của các địa phương và đề nghị các công ty tăng cường tìm kiếm nguồn cung; Công văn số 9082/QLD-KD
ngày 15/9/2022 gửi các cơ sở nhập khẩu thuốc và Bệnh viện Bạch Mai để khẩn
trương liên hệ, tìm kiếm các nguồn cung ứng một số thuốc hiếm, thuốc chuyên khoa dùng cho một số bệnh đặc biệt; Công văn số 12557/QLD-KD ngày
25/11/2022 vệ việc đảm bảo cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu sử
dụng thuốc trong dịp tết dương lịch và tết Nguyên đán Quý
Mão 2023; Công văn số 13672/QLD-KD ngày 28/12/2022 về việc đảm bảo cung ứng dịch
truyền Albumin, Globulin; Công văn số 374/QLD-KD ngày 10/01/2023 gửi Bệnh viện
Việt Đức về việc cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị.