Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản hướng dẫn về Dự báo khí tượng thủy văn

Dự báo khí tượng thủy văn có vai trò quan trọng trong trong cuộc sống nhằm ứng phó với các vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt, hạn hán,…

1. Dự báo khí tượng thủy văn là gì?

Căn cứ Điều 3 Luật Khí tượng thủy văn 2015 giải thích Khí tượng thủy văn là cụm từ chỉ chung khí tượng, thủy văn và hải văn. Trong đó:

- Khí tượng là trạng thái của khí quyển, quá trình diễn biến của các hiện tượng tự nhiên trong khí quyển.

- Thủy văn là trạng thái, quá trình diễn biến và sự vận động của nước sông, suối, kênh, rạch, hồ.

- Hải văn là trạng thái, quá trình diễn biến và sự vận động của nước biển.

Dự báo khí tượng thủy văn là đưa ra thông tin, dữ liệu về trạng thái, quá trình diễn biến và hiện tượng khí tượng thủy văn trong tương lai ở một khu vực, vị trí với khoảng thời gian xác định.

2. Cơ quan nào trách nhiệm tổ chức truyền tin dự báo khí tượng thủy văn?

Căn cứ theo Điều 7 Luật Khí tượng thủy văn 2015 quy định Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và các cơ quan báo chí có trách nhiệm:

+ Tổ chức truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thông tin về biến đổi khí hậu theo quy định của Luật này và pháp luật về báo chí;

+ Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình, bản tin để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về khí tượng thủy văn và khai thác hiệu quả tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thông tin về biến đổi khí hậu.

Đài phát thanh, truyền hình địa phương có trách nhiệm:

+  Tổ chức truyền, phát tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia ban hành và thông tin về biến đổi khí hậu phục vụ phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

+ Phối hợp với cơ quan, tổ chức về khí tượng thủy văn ở địa phương, các đơn vị có liên quan xây dựng chương trình phát thanh, truyền hình để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về khí tượng thủy văn và khai thác hiệu quả tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, thông tin về biến đổi khí hậu.

Tổng hợp văn bản về Dự báo khí tượng thủy văn (Nguồn ảnh: Internet)

3. Các loại bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

Căn cứ theo khoản 1 Điều 22 Luật Khí tượng thủy văn 2015 các loại bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn bao gồm:

- Bản tin dự báo thời tiết, thủy văn, hải văn;

- Bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn;

- Bản tin dự báo khí hậu, nguồn nước;

- Bản tin dự báo chuyên đề theo yêu cầu của người sử dụng;

- Bản tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

4. Các loại thiên tai được dự báo, cảnh báo và truyền tin?

Căn cứ theo Điều 3 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg quy định về các loại thiên tai được dự báo, cảnh báo và truyền tin bao gồm:

- Bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực vùng biển phía Tây kinh tuyến 120° Đông, phía Bắc vĩ tuyến 05° Bắc và phía Nam vĩ tuyến 23° Bắc (sau đây gọi là Biển Đông, Phụ lục I Quyết định 18/2021/QĐ-TTg) và trên đất liền lãnh thổ Việt Nam; bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ngoài khu vực biển Đông, nhưng có khả năng di chuyển vào khu vực Biển Đông trong khoảng 24 đến 48 giờ tới.

- Mưa lớn xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam; lũ trên các sông thuộc lãnh thổ Việt Nam và các sông liên quốc gia liên quan (Phụ lục II Quyết định 18/2021/QĐ-TTg); ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên lãnh thổ Việt Nam.

- Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán trên lãnh thổ Việt Nam.

- Gió mạnh trên Biển Đông; sương mù trên Biển Đông và trên đất liền Việt Nam.

- Nước dâng trên vùng biển ven bờ và đảo của Việt Nam.

- Lốc, sét, mưa đá, rét hại, sương muối trên lãnh thổ Việt Nam.

- Cháy rừng do tự nhiên trên lãnh thổ Việt Nam.

- Động đất có độ lớn (M) bằng hoặc lớn hơn 3,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) ảnh hưởng đến Việt Nam.

- Động đất có độ lớn trên 6,5 (theo thang Richter hoặc tương đương) xảy ra trên biển có khả năng gây ra sóng thần ảnh hưởng đến Việt Nam.

- Sóng thần xảy ra do động đất ở vùng biển xa, có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam.

5. Tổng hợp văn bản hướng dẫn về hoạt động dự báo khí tượng thủy văn

1

Luật phòng, chống thiên tai 2013

Luật phòng, chống thiên tai 2013 có hiệu lực từ ngày 01/05/2014 quy định về hoạt động phòng, chống thiên tai, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai, quản lý nhà nước và nguồn lực bảo đảm việc thực hiện phòng, chống thiên tai. Về hoạt động Dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai quy định tại Điều 24.

2

Luật khí tượng thủy văn 2015

Luật khí tượng thủy văn 2015 có hiệu lực từ ngày 01/07/2016 quy định về hoạt động khí tượng thủy văn gồm: quản lý, khai thác mạng lưới trạm; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết và quản lý nhà nước; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn. Trong đó hoạt động dự báo khí tượng thủy văn được quy định tại Chương III và Thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn  quy định tại Chương IV của Luật này. Một số quy định quan trọng cần lưu ý như sau:

- Điều 22 quy định về các loại bản tin và thời hạn dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

- Điều 24 quy định về hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia

- Điều 25 quy định về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia

- Điều 26 quy định về Truyền, phát tin dự báo, cảnh báo thiên tai khí tượng thủy văn

3

Nghị định 38/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật khí tượng thủy văn

Nghị định 38/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 quy định về hoạt động khí tượng thủy văn gồm: quản lý, khai thác mạng lưới trạm; dự báo, cảnh báo; thông tin, dữ liệu; phục vụ, dịch vụ khí tượng thủy văn; giám sát biến đổi khí hậu; tác động vào thời tiết và quản lý nhà nước; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khí tượng thủy văn. Trong đó cần lưu ý các quy định liên quan đến dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức, cá nhân không thuộc hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia được hướng dẫn tại Mục 3 Chương II và các quy định về khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn tại Mục 4 Chương II.

4

Nghị định 48/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 38/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khí tượng thuỷ văn

Nghị định 48/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP. Trong đó, cần lưu ý một số quy định đã được sửa đổi sau:

- Tại khoản 3 Điều 1 sửa đổi Điều 5 Nghị định 38/2016/NĐ-CP quy định về cung cấp thông tin, dữ liệu quan trắc khí tượng thủy văn;

- Tại Khoản 6 Điều 1 sửa đổi Điều 9 Nghị định 38/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của tổ chức;

- Tại Khoản 9 Điều 1 sửa đổi  Điều 24 Nghị định 38/2016/NĐ-CP quy định về thẩm quyền cung cấp, xác nhận nguồn gốc của thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn.

5

Nghị định 22/2023/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Nghị định 22/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/05/2023 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 38/2016/NĐ-CP. Trong đó, cần lưu ý một số quy định đã được sửa đổi sau:

- Tại khoản 5 Điều 8 sửa đổi Điều 16 Nghị định 38/2016/NĐ-CP  quy định về thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;

- Tại khoản 6 Điều 8 sửa đổi Điều 17 Nghị định 38/2016/NĐ-CP quy định về trình tự, thời gian cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn;

- Tại khoản 9 Điều 8 sửa đổi Điều 34 Nghị định 38/2016/NĐ-CP  (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 11 Điều 1 Nghị định số 48/2020/NĐ-CP) quy định về trình tự, thủ tục xin phép trao đổi thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn, giám sát biến đổi khí hậu với tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

6

Thông tư 08/2022/TT-BTNMT quy định về loại bản tin và thời hạn dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Thông tư 08/2022/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 19/08/2022 quy định về về loại bản tin và thời hạn dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.

7

Thông tư 07/2016/TT-BTNMT quy định các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu và xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hành

Thông tư 07/2016/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 quy định các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu; tổ chức xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia.

8

Thông tư 40/2017/TT-BTNMT về Quy định kỹ thuật chuẩn bộ dữ liệu về quan trắc, điều tra, khảo sát khí tượng, thủy văn, hải văn, môi trường không khí và nước do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

Thông tư 40/2017/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 8/12/2017 quy định kỹ thuật chuẩn bộ dữ liệu về quan trắc, điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn, môi trường không khí và nước.

9

Quyết định 18/2021/QĐ-TTg quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Quyết định 18/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai phục vụ hoạt động phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam. Trong đó, dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai được hướng dẫn bởi Chương I, Chương II và Chương IV; cấp độ rủi ro thiên tai được hướng dẫn bởi Chương III.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.198.241
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!