Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Nắm bắt các văn bản quy định về Thi hành án dân sự

Thi hành án dân sự là một trong những hoạt động quan trọng đảm bảo cho các bản án, quyết định về dân sự được thi hành trên thực tế.

1. Thi hành án dân sự là gì?

Hiện nay, pháp luật không có định nghĩa về thi hành án dân sự. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 1 Luật Thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi năm 2014) có thể hiểu thi hành án dân sự là trình tự, thủ tục thi hành:

- Bản án, quyết định dân sự;

- Hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự;

- Phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Tòa án;

- Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản;

- Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành;

- Phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại.

2. Hệ thống cơ quan thi hành án dân sự

Theo khoản 2 Điều 13 Luật Thi hành án dân sự 2008, cơ quan thi hành án dân sự bao gồm:

- Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh);

- Cơ quan thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện);

- Cơ quan thi hành án quân khu và tương đương (cơ quan thi hành án cấp quân khu).

3. Mức thu phí thi hành án dân sự

Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC như sau:

Số tiền, giá trị tài sản thực nhận

Mức phí thi hành án dân sự

Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định đến 5.000.000.000 đồng.

3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận

Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 5.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng.

150.000.000 đồng cộng với 2% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 5.000.000.000 đồng

Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 7.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng.

190.000.000 đồng cộng với 1% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 7.000.000.000 đồng.

Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng.

220.000.000 đồng cộng 0,5% số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 10.000.000.000 đồng.

Số tiền, giá trị tài sản thực nhận trên 15.000.000.000 đồng.

245.000.000 đồng cộng với 0,01% của số tiền, giá trị tài sản thực nhận vượt quá 15.000.000.000 đồng.

4. Các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự

Theo khoản 1 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự 2008, Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.

Các biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 66 Luật Thi hành án dân sự 2008 bao gồm:

- Phong tỏa tài khoản;

- Tạm giữ tài sản, giấy tờ;

- Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.

5. Văn bản quy định về Thi hành án dân sự

1

Luật thi hành án dân sự 2008

Luật Thi hành án dân sự 2008 có hiệu lực từ ngày 01/7/2009 gồm 183 Điều trong 9 Chương quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Toà án, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và quyết định của Trọng tài thương mại; hệ thống tổ chức thi hành án dân sự và Chấp hành viên; quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thi hành án dân sự.

2

Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014

Luật Thi hành án dân sự sửa đổi năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, Luật sửa đổi, bổ sung 47 Điều; bãi bỏ Điều 32, 33, 34, 51, 138. 139, điểm b Khoản 1 Điều 163, các khoản 3 và 4 Điều 179 của Luật thi hành án dân sự năm 2008. Theo đó, một số nội dung sửa đổi, bổ sung nổi bật như sau: bổ nhiệm chức danh Chấp hành viên (Điều 18), xác minh điều kiện thi hành án (Điều 44, 44a và 45), biện pháp bảo đảm thi hành án (Điều 67, Điều 68 và Điều 69).

3

Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự

Nghị định 62/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự 2008 và Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014 về thủ tục thi hành án dân sự; hệ thống tổ chức cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự; Thẩm tra viên thi hành án, việc thi tuyển, tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên; thẻ, công cụ hỗ trợ, trang phục, phù hiệu, cấp hiệu và chế độ đối với Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án và người làm công tác thi hành án dân sự.

4

Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

Nghị định 82/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/9/2020. Chương V Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định cụ thể từng hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực thi hành án dân sự như: Không chấp hành quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc giao, trả tài sản, giấy tờ thi hành án, Không cung cấp thông tin mà không có lý do chính đáng hoặc cung cấp không đúng, không đầy đủ thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án,...

5

Nghị định 33/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự

Nghị định 33/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2020. Một số điểm mới cơ bản của Nghị định 33/2020/NĐ-CP so với Nghị định 65/2015/NĐ-CP trước đây có thể kể đến: trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án (khoản 3 Điều 3), thời hiệu yêu cầu thi hành án (Điều 4), thỏa thuận thi hành án (Điều 5), ra quyết định thi hành án (Điều 6, Điều 7), xác minh điều kiện thi hành án (Điều 9).

6

Thông tư 13/2021/TT-BTP quy định về quy trình xử lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Thông tư 13/2021/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 13/02/2022. Việc tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết đối với đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong thi hành án dân sự tại Chương II và một số biểu mẫu nghiệp vụ giải quyết khiếu nại tố cáo tại Chương III Thông tư 13/2021/TT-BTP.

7

Thông tư 04/2023/TT-BTP hướng dẫn thực hiện thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Thông tư 04/2023/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 01/10/2023. Thông tư này hướng dẫn một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự. Việc lập, sử dụng, bảo quản và lưu trữ sổ, hồ sơ thi hành án; các loại biểu mẫu nghiệp vụ; việc quản lý, sử dụng biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án dân sự được quy định cụ thể tại Chương IV Thông tư 04/2023/TT-BTP.

8

Thông tư 02/2024/TT-BTP quy định về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Thông tư 02/2024/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 18/05/2024 quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương các ngạch công chức chuyên ngành Thi hành án dân sự, gồm Chấp hành viên, Thẩm tra viên thi hành án và Thư ký thi hành án. Theo đó, Mã số ngạch công chức thi hành án dân sự được quy định tại Điều 3 Thông tư này.

9

Thông tư 05/2024/TT-BTP quy định Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Thông tư 05/2024/TT-BTP có hiệu lực từ ngày 26/07/2024 quy định Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính ; sử dụng và công bố, phổ biến thông tin thống kê; kiểm tra, thẩm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm trong việc thực hiện Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự. Chương II Thông tư 05/2024/TT-BTP quy định cụ thể về trình tự thực hiện chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự.

10

Thông tư liên tịch 265/2013/TTLT-BQP-BCA quy định việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự trong Quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Bộ Công an ban hành

Thông tư liên tịch 265/2013/TTLT-BQP-BCA có hiệu lực từ ngày 20/02/2024 quy định việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự trong Quân đội giữa cơ quan thi hành án thuộc Bộ Tổng Tham mưu, các quân khu, Quân chủng Hải quân, cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan Công an cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi tổ chức cưỡng chế và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự có huy động lực lượng Công an tham gia bảo vệ cưỡng chế.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.247.196
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!