Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Tổng hợp văn bản quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài mới nhất 2024

Hoạt động đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.

1. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài là gì? Nguyên tắc thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài được quy định như thế nào?

Căn cứ Khoản 13 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 có quy định về khái niệm hoạt động đầu tư ra nước ngoài, theo đó hoạt động đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.

Căn cứ tiếp Điều 51 Luật Đầu tư 2020 thì nguyên tắc thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài bao gồm các nội dung cụ thể sau đây:

- Nhà nước khuyến khích đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản trị và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

- Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư 2020, quy định khác của pháp luật có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư (sau đây gọi là nước tiếp nhận đầu tư) và điều ước quốc tế có liên quan; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài.

2. Các hình thức đầu tư ra nước ngoài 

Căn cứ quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư 2020 quy định về các hình thức đầu tư ra ngoài, theo đó nhà đầu tư có thể lựa chọn các hình thức dưới đây khi thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài:

- Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư;

- Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài;

- Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó;

- Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài;

- Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

3. Những ngành nghề nào bị cấm đầu tư ra nước ngoài

Căn cứ quy định tại Điều 53 Luật Đầu tư 2020 thì các ngành nghề cấm đầu tư ra nước ngoài bao gồm các ngành nghề được liệt kê sau đây:

- Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020 và các điều ước quốc tế có liên quan, cụ thể bao gồm:

+ Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật Đầu tư 2020;

+ Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật Đầu tư 2020;

+ Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật Đầu tư 2020;

+ Kinh doanh mại dâm;

+ Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

+ Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

+ Kinh doanh pháo nổ;

+ Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Lưu ý: Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 6 của Luật Đầu tư 2020 trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.

- Ngành, nghề có công nghệ, sản phẩm thuộc đối tượng cấm xuất khẩu theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương.

- Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

4. Tổng hợp văn bản hướng dẫn về thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài mới nhất

Dưới đây là danh sách các văn bản hướng dẫn liên quan đến thuế bảo vệ môi trường mới nhất được THƯ VIỆN PHÁP LUẬT tổng hợp:

1

Luật Đầu tư 2020

Luật Đầu tư 2020 số 61/2020/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài. 

Trong đó, nội dung liên quan đến việc thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài tại Luật này được quy định cụ thể tại Chương V, với một số nội dung đáng chú ý như là:

- Quy định về hình thức đầu tư ra nước ngoài tại Điều 52;

- Quy định về ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài tại Điều 53;

- Quy định về ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện tại Điều 54;

- Quy định về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư ra nước ngoài tại Mục 2 Chương V.

2

Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư

Nghị định 31/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26/03/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư về điều kiện đầu tư kinh doanh; ngành, nghề và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; bảo đảm đầu tư kinh doanh; ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; thủ tục đầu tư; hoạt động đầu tư ra nước ngoài; xúc tiến đầu tư; quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài.

Các nội dung liên quan đến hoạt động thực hiện đầu ra nước ngoài được quy định Chương VI Nghị định này, với một số nội dung đáng chú ý như sau:

- Quy định về nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài tại Điều 68;

- Quy định về vốn đầu tư ra nước ngoài tại Điều 69;

- Quy định về điều kiện đối với ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện tại Điều 72;

- Quy định về thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với dự án thuộc/không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài lần lượt tại Mục 2 và Mục 3 Chương VI Nghị định này.

3

Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

Nghị định 122/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Trong đó, nội dung liên quan đến quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh ra nước ngoài được quy định cụ thể tại Mục 3 Chương II Nghị định này, với các hành vi vi phạm sau đây:

- Quy định về vi phạm chế độ báo cáo hoạt động đầu tư ra nước ngoài tại Điều 20;

- Quy định về vi phạm về thủ tục đầu tư ra nước ngoài tại Điều 21;

- Quy định về vi phạm về hoạt động đầu tư ra nước ngoài tại Điều 22.

4

Nghị định 29/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư

Nghị định 29/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26/03/2021 quy định về một số nội dung như trình tự, thủ tục thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng; trình tự, thủ tục thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; trình tự, thủ tục thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án do Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư; giám sát, đánh giá chương trình, dự án đầu tư, giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư và giám sát đầu tư của cộng đồng đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài; chi phí giám sát, đánh giá đầu tư; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư,...

Trong đó, các nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong Nghị định này được quy định cụ thể như sau:

- Quy định về hồ sơ, thủ tục và nội dung thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài tại Mục 4 Chương IV;

- Quy định về hồ sơ, thủ tục và nội dung thẩm định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư ra nước ngoài tại Mục 8 Chương IV;

- Quy định về giám sát, đánh giá dự án đầu tư ra nước ngoài tại Mục 6 Chương VI.

5

Nghị định 135/2015/NĐ-CP Quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài

Nghị định 135/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/02/2016 quy định chi tiết về hoạt động đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài (sau đây gọi là đầu tư gián tiếp ra nước ngoài).

Trong đó, Chương II Nghị định này quy định về hình thức tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, với một số nội dung đáng chú ý như quy định về đối tượng được phép tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài tại Điều 13, quy định về đăng ký hạn mức tự doanh tại Điều 17. Bên cạnh đó, Chương III Nghị định này quy định về ủy thác đầu tư, nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và Chương IV quy định về tổng hạn mức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài hàng năm, hạn mức tự doanh, hạn mức nhận ủy thác.

6

Nghị định 124/2017/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí

Nghị định 124/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 quy định về đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí của các nhà đầu tư.

Một số nội dung đáng chú ý tại Nghị định này là quy định về nguyên tắc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại Điều 6, quy định về hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại Điều 9, quy định về điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài tại Điều 15, hay quy định về chấm dứt dự án đầu tư ra nước ngoài tại Điều 31.

7

Thông tư 31/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 31/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 01/02/2019 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với đầu tư ra nước ngoài trong hoạt động dầu khí gồm: chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư trong hoạt động dầu khí (sau đây gọi là chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước đầu tư); việc mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ để chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài trước và sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; đăng ký, đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối của các nhà đầu tư sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài; chuyển vốn đầu tư, lợi nhuận, thu nhập hợp pháp ở nước ngoài về Việt Nam trong hoạt động dầu khí.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này có thể kể đến như là:

- Quy định về nguyên tắc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư tại Điều 9;

- Quy định về đăng ký, đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối tại Điều 12;

- Quy định về chuyển lợi nhuận, thu nhập hợp pháp và chuyển vốn đầu tư về Việt Nam tại Điều 15;

- Quy định về sử dụng lợi nhuận ở nước ngoài tại Điều 16.

8

Thông tư 36/2018/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay để đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 36/2018/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/02/2019 quy định về hoạt động cho vay để đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) đối với khách hàng theo các hình thức đầu tư quy định tại các điểm a, b, c và đ Khoản 1 Điều 52 Luật Đầu tư.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về nhu cầu vay vốn đầu tư ra nước ngoài tại Điều 4, quy định về điều kiện vay vốn tại Điều 5, quy định về mức cho vay tại Điều 7, hay quy định về thời hạn cho vay tại Điều 8.

9

Thông tư 12/2016/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 12/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/08/2016 quy định về việc mở, sử dụng tài khoản vốn đầu tư bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam; đăng ký, đăng ký thay đổi giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài; việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư; chuyển lợi nhuận, thu nhập hợp pháp và vốn đầu tư ở nước ngoài về Việt Nam.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về nguyên tắc mở và sử dụng tài khoản vốn đầu tư tại Điều 5, quy định về trình tự thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài tại Điều 10, hay quy định về chuyển lợi nhuận, thu nhập hợp pháp và chuyển vốn đầu tư về Việt Nam tại Điều 18.

10

Thông tư 10/2016/TT-NHNN hướng dẫn quy định tại Nghị định 135/2015/NĐ-CP quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Thông tư 10/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 13/08/2016 hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định 135/2015/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ quy định về đầu tư gián tiếp ra nước ngoài.

Trong đó, Chương II Thông tư này quy định về chương trình thưởng cổ phiếu phát hành ở nước ngoài, Chương III quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài đối với ngân hàng thương mại, công ty tài chính tổng hợp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài đổi với ngân hàng thương mại, và Chương IV quy định về mở và sử dụng tài khoản tự doanh, tài khoản nhận ủy thác.

11

Thông tư 105/2016/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán và doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Thông tư 105/2016/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/08/2016 quy định về hoạt động tự doanh đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và hoạt động nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của công ty quản lý quỹ.

Trong đó, Chương II Thông tư này quy định về thủ tục cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài, văn bản chấp thuận đăng ký đầu tư gián tiếp ra nước ngoài đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán Mục 1, đối với quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán tại Mục 2, và đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tại Mục 3. Bên cạnh đó, Chương IV Thông tư này quy định chi tiết về hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài đối với các tổ chức nêu trên.

12

Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định về mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 09/04/2021 quy định các mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư.

Một số nội dung đáng chú ý tại Thông tư này là quy định về đối tượng áp dụng tại Điều 2, quy định về hướng dẫn cách ký các văn bản, báo cáo tại Điều 4. Bên cạnh đó, các mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài được quy định cụ thể tại Phụ lục B, bao gồm:

- Các mẫu văn bản áp dụng với nhà đầu tư, như là mẫu văn bản đăng ký đầu tư ra nước ngoài, mẫu đề xuất dự án đầu tư ra nước ngoài;

- Các mẫu văn bản áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư ra nước ngoài, như là mẫu quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ; mẫu Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài;

- Các mẫu báo cáo định kỳ của các Bộ, ngành liên quan và nhà đầu tư, như là mẫu báo cáo định kỳ hàng quý tình hình hoạt động dự án đầu tư tại nước ngoài; mẫu báo cáo tình hình hoạt động đầu tư ra nước ngoài cho năm tài chính.

13

Thông tư 25/2023/TT-BKHĐT sửa đổi Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT quy định về mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Thông tư 25/2023/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 15/02/2024, Thông tư này sửa đổi, bổ sung một số mẫu văn bản quy định tại Thông tư số 03/2021/TT-BKHĐT, trong đó có sửa đổi các mẫu văn bản liên quan đến hoạt động đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài được quy định cụ thể tại Phụ lục B Thông tư này.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.171.100
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!