05 trường hợp thu hồi Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
04/05/2023 14:00 PM

Tôi muốn biết trường hợp nào thì Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại sẽ bị thu hồi? - Nhật An (Cần Thơ)

05 trường hợp thu hồi Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại

05 trường hợp thu hồi Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các tiêu chí thành lập Văn phòng Thừa phát lại

Theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:

- Điều kiện về kinh tế - xã hội của địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

- Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

- Mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

- Không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính cấp huyện là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã; không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính huyện.

2. 05 trường hợp thu hồi Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại

Văn phòng Thừa phát lại bị thu hồi Quyết định cho phép thành lập trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

(1) Không thực hiện đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 22 Nghị định 08/2020/NĐ-CP;

(2) Hết thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động mà Văn phòng Thừa phát lại chưa bắt đầu hoạt động;

(3) Không hoạt động liên tục từ 12 tháng trở lên hoặc hết thời hạn tạm ngừng hoạt động tối đa quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 08/2020/NĐ-CP mà không được hoạt động trở lại;

(4) Trưởng Văn phòng Thừa phát lại do 01 Thừa phát lại thành lập hoặc toàn bộ các Thừa phát lại hợp danh của Văn phòng Thừa phát lại bị miễn nhiệm, bị chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết mà không có người thừa kế đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại;

(5) Bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Giấy đăng ký hoạt động từ 06 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

3. Quyền và nghĩa vụ của Văn phòng Thừa phát lại

3.1. Quyền của Văn phòng Thừa phát lại

Cụ thể tại khoản 1 Điều 18 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, Văn phòng Thừa phát lại có các quyền sau đây:

- Ký hợp đồng lao động với Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ làm việc cho Văn phòng mình;

- Thu, quản lý, sử dụng chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật;

- Ký hợp đồng, thỏa thuận với người yêu cầu theo quy định của Nghị định này;

- Các quyền khác theo quy định Nghị định 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

3.2. Nghĩa vụ của Văn phòng Thừa phát lại

Văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

- Quản lý Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ của Văn phòng mình trong việc tuân thủ pháp luật và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại;

- Chấp hành quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, báo cáo, thống kê;

- Niêm yết lịch làm việc, thủ tục, chi phí thực hiện công việc Thừa phát lại, nội quy tiếp người yêu cầu tại trụ sở Văn phòng;

- Thu đúng chi phí đã thỏa thuận với người yêu cầu;

- Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Thừa phát lại của Văn phòng mình; bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật;

- Tiếp nhận, tạo điều kiện thuận lợi và quản lý người tập sự trong thời gian tập sự tại Văn phòng mình;

- Tạo điều kiện cho Thừa phát lại của Văn phòng mình tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại;

- Thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc báo cáo, kiểm tra, thanh tra, cung cấp thông tin về hợp đồng dịch vụ, hồ sơ nghiệp vụ Thừa phát lại;

- Lập, quản lý, sử dụng sổ sách, hồ sơ nghiệp vụ và thực hiện lưu trữ theo quy định;

- Bảo đảm trang phục cho Thừa phát lại của Văn phòng mình theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

- Các nghĩa vụ khác theo quy định Nghị định 08/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

(Khoản 2 Điều 18 Nghị định 08/2020/NĐ-CP)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,843

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn