Tổ chức nào được thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
01/04/2024 11:46 AM

Tôi muốn hỏi theo quy định của pháp luật thì tổ chức nào được thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số? – Đức Hạnh (Hà Tĩnh)

Tổ chức nào được thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số?

Tổ chức nào được thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Trợ giúp pháp lý là gì? Người dân tộc thiểu số nào được trợ giúp pháp lý?

Theo Điều 2 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 thì trợ giúp pháp lý được hiểu là là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

Người dân tộc thiểu số được hưởng trợ giúp pháp lý bao gồm:

- Người thường xuyên sinh sống (đã đăng ký thường trú, đã đăng ký tạm trú hoặc có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn) ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn và xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) theo quy định của pháp luật.

- Người không thuộc trường hợp nêu trên nhưng thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý khác theo quy định của pháp luật.

(Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BTP-UBDT)

Tổ chức nào được thực hiện trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số?

Căn cứ khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BTP-UBDT quy định về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:

- Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây viết tắt là Trung tâm),

- Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (sau đây viết tắt là Chi nhánh);

- Công ty luật, Văn phòng luật sư

- Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

Người thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm:

- Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước;

- Luật sư, Tư vấn viên pháp luật của các tổ chức đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

(khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BTP-UBDT)

Các hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí

Tại Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BTP-UBDT quy định về cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí như sau:

- Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí đối với người dân tộc thiểu số để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ bằng các hình thức sau đây:

+ Tư vấn pháp luật.

+ Tham gia tố tụng.

+ Đại diện ngoài tố tụng.

+ Các hình thức trợ giúp pháp lý khác theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

Trách nhiệm của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước

Trách nhiệm của Trung tâm và chi nhánh được quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch 01/2012/TTLT-BTP-UBDT như sau:

- Thuê người phiên dịch để thực hiện trợ giúp pháp lý đối với người dân tộc thiểu số trong trường hợp người đó yêu cầu hoặc không nói được tiếng Việt.

- Cung cấp cho Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương:

+ Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý (người được trợ giúp pháp lý; quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý; thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý; địa chỉ, điện thoại liên hệ của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, Chi nhánh của Trung tâm);

+ Hộp tin trợ giúp pháp lý, Mẫu đơn đề nghị trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật và các tài liệu pháp luật có liên quan về trợ giúp pháp lý và phổ biến các quy định về trợ giúp pháp lý khi có yêu cầu.

- Thông báo danh sách người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm và Chi nhánh trong phạm vi địa phương kèm theo địa chỉ liên lạc, số điện thoại để Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương có thể liên hệ trong trường hợp cần thiết.

- Thông tin đầy đủ các quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý trong trường hợp có sửa đổi, bổ sung cho Cơ quan công tác dân tộc ở địa phương.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 241

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn