Đề xuất sửa tiêu chuẩn công chứng viên: Chỉ cần 3 năm công tác pháp luật?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
23/01/2024 11:22 AM

Có phải sắp tới sẽ sửa tiêu chuẩn công chứng viên theo hướng chỉ yêu cầu 3 năm công tác pháp luật (thay vì phải có 5 năm công tác pháp luật trở lên như hiện nay)?

Đề xuất sửa tiêu chuẩn công chứng viên

Đề xuất sửa tiêu chuẩn công chứng viên (Hình từ internet)

Nội dung đề cập tại Quyết định 87/QĐ-TTg năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp.

Tiêu chuẩn công chứng viên hiện hành

Hiện hành, theo Luật Công chứng 2014, công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:

(1) Có bằng cử nhân luật;

(2) Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;

(3) Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 Luật Công chứng 2014 hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Công chứng 2014;

(4) Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;

(5) Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.

Đề xuất sửa tiêu chuẩn công chứng viên: Chỉ cần 3 năm công tác pháp luật?

Theo đó, đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn công chứng viên như sau:

Đầu tiên, đề xuất bỏ điều kiện bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng. (Lý do: Công chứng viên sẽ tự bảo đảm sức khỏe khi hành nghề)

Để thực hiện thì cần bãi bỏ khoản 5 Điều 8 Luật Công chứng 2014 (tương ứng với điều kiện (5) được liệt kê ở trên) với lộ trình thực hiện là năm 2024-2025.

Hai là, sửa điều kiện (2) theo hướng "Giảm thời gian công tác pháp luật từ 5 năm trở lên tại cơ quan, tổ chức sau khi có bằng cử nhân luật xuống còn 3 năm".

(Lý do: Tạo điều kiện cho người hành nghề công chứng)

Để thực thi, cần sửa khoản 2 Điều 8 Luật Công chứng 2014 (lộ trình thực hiện là năm 2024-2025)

Như vậy, nếu đề xuất sửa Luật được thông qua thì tiêu chuẩn công chứng viên như sau:

Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:

(1) Có bằng cử nhân luật;

(2) Có thời gian công tác pháp luật 03 năm tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;

(3) Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 Luật Công chứng 2014 hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Công chứng 2014;

(4) Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng.

Quy định bổ nhiệm công chứng viên

- Người đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 Luật Công chứng 2014 có quyền đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên được gửi đến Sở Tư pháp nơi người đề nghị bổ nhiệm công chứng viên đã đăng ký tập sự hành nghề công chứng.

- Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên gồm:

+ Đơn đề nghị bổ nhiệm công chứng viên theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

+ Phiếu lý lịch tư pháp;

+ Bản sao bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ, tiến sĩ luật;

+ Giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật;

+ Bản sao giấy chứng nhận tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng. Đối với người được miễn đào tạo nghề công chứng thì phải có bản sao giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng và giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề công chứng quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Công chứng 2014;

+ Bản sao giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề công chứng;

+ Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật Công chứng 2014, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm công chứng viên kèm theo hồ sơ đề nghị bổ nhiệm; trường hợp từ chối đề nghị thì phải thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ.

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm công chứng viên; trường hợp từ chối bổ nhiệm phải thông báo bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do, gửi cho Sở Tư pháp và người đề nghị bổ nhiệm.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,987

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn