Đề xuất mới về tiêu chuẩn hội thẩm nhân dân

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
10/06/2024 08:45 AM

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đề cập đến những điểm mới về tiêu chuẩn hội thẩm nhân dân.

Tiêu chuẩn hội thẩm nhân dân tại Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi

Tiêu chuẩn hội thẩm nhân dân tại Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi (Hình từ Internet)

Đề xuất mới về tiêu chuẩn hội thẩm nhân dân

Theo Điều 122 Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), người được bầu, cử làm Hội thẩm nhân dân phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

- Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực;

- Từ đủ 28 tuổi đến 70 tuổi; (Điểm mới)

- Có kiến thức pháp luật;

- Có hiểu biết xã hội;

- Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Không bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên; không bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; (Điểm mới)

- Không thuộc trường hợp đã hoặc đang bị xử lý hình sự; (Điểm mới)

- Không thuộc trường hợp đã bị bãi nhiệm Hội thẩm. (Điểm mới)

Ngoài ra, Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) còn đề xuất về việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt. Theo đó, người được bầu làm Hội thẩm Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt phải có đủ các tiêu chuẩn sau đây:

- Tiêu chuẩn của Hội thẩm nhân dân nêu trên.

- Có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết, xét xử của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.

Như vậy, Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã bổ sung 4 tiêu chuẩn hội thẩm nhân dân so với quy định hiện hành tại Điều 85 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014:

“Điều 85. Tiêu chuẩn Hội thẩm

1. Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý, liêm khiết và trung thực.

2. Có kiến thức pháp luật.

3. Có hiểu biết xã hội.

4. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.”

Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm nhân dân

Căn cứ theo Điều 84 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm nhân dân như sau:

- Hội thẩm nhân dân thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo phân công của Chánh án Tòa án nơi được bầu làm Hội thẩm nhân dân.

- Hội thẩm nhân dân có nghĩa vụ thực hiện sự phân công của Chánh án Tòa án, trường hợp không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do.

- Trong 01 năm công tác mà Hội thẩm nhân dân không được Chánh án Tòa án phân công làm nhiệm vụ xét xử thì có quyền yêu cầu Chánh án Tòa án cho biết lý do.

Chế độ, chính sách đối với Hội thẩm nhân dân hiện nay

Theo Điều 88 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, chế độ, chính sách đối với Hội thẩm nhân dân được quy định như sau:

- Hội thẩm nhân dân được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tham gia hội nghị tổng kết công tác xét xử của Tòa án.

- Kinh phí tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Hội thẩm nhân dân được dự toán trong kinh phí hoạt động của Tòa án, có sự hỗ trợ của ngân sách địa phương theo quy định của luật.

- Hội thẩm nhân dân là cán bộ, công chức, viên chức, quân nhân tại ngũ, công nhân quốc phòng thì thời gian làm nhiệm vụ Hội thẩm nhân dân được tính vào thời gian làm việc ở cơ quan, đơn vị.

- Hội thẩm nhân dân được tôn vinh và khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

- Hội thẩm nhân dân được hưởng phụ cấp xét xử, được cấp trang phục, Giấy chứng minh Hội thẩm để làm nhiệm vụ xét xử.

- Chế độ phụ cấp xét xử, mẫu trang phục, cấp phát và sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Hội thẩm do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Trần Trọng Tín

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,155

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn