Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 08/2020/NĐ-CP tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại

Số hiệu: 08/2020/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 08/01/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

09 trường hợp thừa phát lại không được lập vi bằng

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

Theo đó, quy định 09 trường hợp thừa phát lại không được lập vi bằng tại Điều 37, đơn cử như các trường hợp sau:

- Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng gồm: làm lộ bí mật nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước,…;

- Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội;

- Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực,…;

- Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định;

- Ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng;

- Ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức….đang thi hành công vụ.

Xem thêm nội dung chi tiết tại Nghị định 08/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 24/02/2020).

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2020/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 08 tháng 01 năm 2020

NGHỊ ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa phát lại;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Chính phủ ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về Thừa phát lại, tổ chức hành nghề của Thừa phát lại; thẩm quyền, phạm vi, thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại; kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp và quản lý nhà nước về Thừa phát lại.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;

2. Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;

3. Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.

Điều 3. Công việc Thừa phát lại được làm

1. Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.

3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

4. Tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 4. Những việc Thừa phát lại không được làm

1. Tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của mình, trừ trường hợp pháp luật quy định khác; sử dụng thông tin về hoạt động của Thừa phát lại để xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

2. Đòi hỏi thêm bất kỳ khoản lợi ích vật chất nào khác ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.

3. Kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản.

4. Trong khi thực thi nhiệm vụ, Thừa phát lại không được nhận làm những việc liên quan đến quyền, lợi ích của bản thân và những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

5. Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Phối hợp của cá nhân, cơ quan, tổ chức với Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại

1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình, cá nhân, cơ quan, tổ chức phối hợp với Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại trong việc thực hiện các công việc của Thừa phát lại theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; không được tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của Thừa phát lại, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.

2. Mọi hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật đối với hoạt động của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại, từ chối trái pháp luật yêu cầu của Thừa phát lại hoặc tiết lộ thông tin về việc thực hiện công việc của Thừa phát lại đều bị xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Chương II

THỪA PHÁT LẠI

Điều 6. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại

1. Là công dân Việt Nam không quá 65 tuổi, thường trú tại Việt Nam, chấp hành tốt Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.

2. Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.

3. Có thời gian công tác pháp luật từ 03 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật.

4. Tốt nghiệp khóa đào tạo, được công nhận tương đương đào tạo hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại quy định tại Điều 7 của Nghị định này.

5. Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.

Điều 7. Đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại và công nhận tương đương đào tạo nghề Thừa phát lại ở nước ngoài

1. Người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, 2 Điều 6 của Nghị định này được tham gia khóa đào tạo nghề Thừa phát lại tại Học viện Tư pháp thuộc Bộ Tư pháp. Hồ sơ đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề Thừa phát lại được lập thành 01 bộ bao gồm: Giấy đăng ký tham gia khóa đào tạo nghề Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm theo bản chính bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật để đối chiếu.

Người hoàn thành khóa đào tạo được cấp Chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề Thừa phát lại.

2. Miễn đào tạo nghề Thừa phát lại đối với người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, điều tra viên từ 05 năm trở lên; luật sư, công chứng viên đã hành nghề từ 05 năm trở lên; giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật; người đã là thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành tòa án, kiểm tra viên chính, kiểm tra viên cao cấp ngành kiểm sát; người đã là thanh tra viên cao cấp, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật; người đã là thẩm tra viên chính, thẩm tra viên cao cấp ngành thi hành án dân sự.

3. Người được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại quy định tại khoản 2 Điều này phải tham gia khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại tại Học viện Tư pháp. Hồ sơ đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại được lập thành 01 bộ bao gồm: Giấy đăng ký tham gia khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm theo bản chính giấy tờ chứng minh là người được miễn đào tạo nghề Thừa phát lại để đối chiếu.

Người hoàn thành khóa bồi dưỡng được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại.

4. Hồ sơ quy định tại khoản 1, 3 Điều này được nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến Học viện Tư pháp. Học viện Tư pháp tiếp nhận hồ sơ đăng ký và thông báo danh sách người đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo, khóa bồi dưỡng chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai giảng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

5. Thời gian đào tạo nghề Thừa phát lại là 06 tháng; thời gian bồi dưỡng nghề Thừa phát lại là 03 tháng.

6. Người có yêu cầu công nhận tương đương đào tạo nghề Thừa phát lại ở nước ngoài nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đến Bộ Tư pháp. Hồ sơ bao gồm: Giấy đề nghị công nhận tương đương đào tạo nghề Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; bản dịch đã được công chứng hoặc chứng thực văn bằng đào tạo nghề Thừa phát lại được cấp bởi cơ sở đào tạo ở nước ngoài.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định công nhận tương đương đối với người được đào tạo nghề Thừa phát lại ở nước ngoài; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

7. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết về nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghề Thừa phát lại; việc công nhận tương đương đào tạo nghề Thừa phát lại ở nước ngoài.

Điều 8. Tập sự hành nghề Thừa phát lại

1. Người có Chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề Thừa phát lại hoặc giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại hoặc quyết định công nhận tương đương đào tạo nghề Thừa phát lại ở nước ngoài nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký tập sự hành nghề Thừa phát lại trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự đặt trụ sở. Hồ sơ bao gồm: Giấy đăng ký tập sự hành nghề Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề Thừa phát lại hoặc Giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề Thừa phát lại hoặc quyết định công nhận tương đương đào tạo nghề Thừa phát lại ở nước ngoài để đối chiếu.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho người tập sự và Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự về việc đăng ký tập sự; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

2. Việc thay đổi nơi tập sự được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Trường hợp thay đổi nơi tập sự trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì người tập sự gửi Giấy đề nghị thay đổi nơi tập sự theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định đến Sở Tư pháp nơi đã đăng ký tập sự. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị, Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho người tập sự, Văn phòng Thừa phát lại đã nhận tập sự và Văn phòng Thừa phát lại chuyển đến tập sự về việc thay đổi nơi tập sự; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do;

b) Trường hợp thay đổi nơi tập sự sang tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác thì người tập sự gửi Giấy đề nghị thay đổi nơi tập sự theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định đến Sở Tư pháp nơi đã đăng ký tập sự. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị, Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho Văn phòng Thừa phát lại đã nhận tập sự và người tập sự về việc thay đổi nơi tập sự, đồng thời xác nhận thời gian tập sự, số lần tạm ngừng tập sự (nếu có) của người tập sự tại địa phương mình; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

3. Trong trường hợp có lý do chính đáng, người tập sự được tạm ngừng tập sự nhưng phải thông báo bằng văn bản với Văn phòng Thừa phát lại nơi mình đang tập sự chậm nhất là 05 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng tập sự.

4. Khi có căn cứ chấm dứt tập sự, Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự phải báo cáo bằng văn bản cho Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của Văn phòng Thừa phát lại, Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho người tập sự, Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự về việc chấm dứt tập sự.

5. Thời gian tập sự là 06 tháng đối với người được đào tạo nghề Thừa phát lại, 03 tháng đối với người được bồi dưỡng nghề Thừa phát lại, kể từ ngày Sở Tư pháp ra văn bản thông báo về việc đăng ký tập sự.

6. Người thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 11 của Nghị định này không được đăng ký tập sự hành nghề Thừa phát lại.

7. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết việc tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại.

Điều 9. Kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại

1. Người đã hoàn thành việc tập sự nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến Sở Tư pháp nơi đăng ký tập sự. Hồ sơ bao gồm: Giấy đăng ký tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; Báo cáo kết quả tập sự hành nghề Thừa phát lại có nhận xét của Thừa phát lại hướng dẫn và xác nhận của Văn phòng Thừa phát lại nhận tập sự.

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp thông báo bằng văn bản cho người đăng ký về việc ghi tên người đó vào danh sách đề nghị Bộ Tư pháp cho tham dự kiểm tra kết quả tập sự; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Điều 10. Bổ nhiệm Thừa phát lại

1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 của Nghị định này nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi đăng ký tập sự. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

b) Phiếu lý lịch tư pháp được cấp trong thời hạn 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học chuyên ngành luật để đối chiếu;

d) Giấy tờ chứng minh về thời gian công tác pháp luật bao gồm: Quyết định tuyển dụng, hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động kèm theo giấy tờ chứng minh thời gian đóng bảo hiểm xã hội; giấy tờ chứng minh đã miễn nhiệm, thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc thu hồi thẻ đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 của Nghị định này; giấy tờ chứng minh đã nghỉ hưu hoặc thôi việc đối với trường hợp thuộc khoản 3 Điều 11 của Nghị định này;

đ) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính giấy chứng nhận kết quả kiểm tra tập sự hành nghề Thừa phát lại để đối chiếu.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm Thừa phát lại kèm theo hồ sơ đề nghị bổ nhiệm; trường hợp từ chối đề nghị phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản và hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiến hành xác minh hoặc có văn bản đề nghị Sở Tư pháp, cơ quan, tổ chức có liên quan xác minh tiêu chuẩn bổ nhiệm, thông tin trong hồ sơ đề nghị bổ nhiệm trước khi xem xét, quyết định việc bổ nhiệm. Thời gian xác minh không quá 45 ngày, kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Tư pháp có văn bản xác minh; thời gian xác minh không tính vào thời hạn xem xét bổ nhiệm Thừa phát lại nêu tại khoản này.

4. Người đề nghị bổ nhiệm Thừa phát lại phải nộp phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

Điều 11. Những trường hợp không được bổ nhiệm Thừa phát lại

1. Người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự.

2. Người đã được bổ nhiệm công chứng viên, được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, được cấp thẻ thẩm định viên về giá mà chưa miễn nhiệm công chứng viên, thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, đấu giá, quản tài viên, thẻ thẩm định viên về giá.

3. Người đang là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.

4. Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích; người đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích.

5. Người quy định tại khoản 3 Điều này bị bãi nhiệm, bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, buộc thôi việc, tước danh hiệu hoặc đưa ra khỏi ngành.

6. Người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư do vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư; người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó.

7. Người bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên, thẻ thẩm định viên về giá, chứng chỉ hành nghề đấu giá, chứng chỉ hành nghề quản tài viên mà chưa hết thời hạn 03 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đó.

8. Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.

Điều 12. Tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại

1. Sở Tư pháp nơi Thừa phát lại hành nghề ra quyết định tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại trong các trường hợp sau đây:

a) Thừa phát lại đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Thừa phát lại đang bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hành chính.

2. Thời gian tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại không quá 12 tháng.

3. Sở Tư pháp quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại trước thời hạn trong các trường hợp sau đây:

a) Có quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án hoặc bản án đã có hiệu lực của Tòa án tuyên Thừa phát lại không có tội;

b) Thừa phát lại không còn bị áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hành chính.

4. Quyết định tạm đình chỉ, quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại được gửi cho Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại nơi Thừa phát lại làm việc, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp tỉnh), Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh), Cục Thi hành án dân sự, Chi cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở và Bộ Tư pháp.

Điều 13. Miễn nhiệm Thừa phát lại

1. Thừa phát lại được miễn nhiệm theo nguyện vọng của cá nhân.

Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị miễn nhiệm đến Sở Tư pháp nơi đăng ký hành nghề. Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị miễn nhiệm Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm Thừa phát lại để đối chiếu.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm Thừa phát lại kèm theo hồ sơ đề nghị miễn nhiệm.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị và hồ sơ đề nghị miễn nhiệm của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Thừa phát lại.

2. Thừa phát lại bị miễn nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 của Nghị định này, trừ tiêu chuẩn về độ tuổi;

b) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, 8 Điều 11 của Nghị định này;

c) Không đăng ký và hành nghề Thừa phát lại trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm;

d) Không hành nghề Thừa phát lại liên tục từ 02 năm trở lên;

đ) Hết thời hạn tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại tối đa quy định tại khoản 2 Điều 12 của Nghị định này mà lý do tạm đình chỉ vẫn còn;

e) Vi phạm nghiêm trọng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại; bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ hai trong hành nghề Thừa phát lại mà còn tiếp tục vi phạm;

g) Đang là Thừa phát lại mà kiêm nhiệm hành nghề công chứng, luật sư, thẩm định giá, đấu giá tài sản, quản lý, thanh lý tài sản;

h) Bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm Thừa phát lại theo đề nghị của Sở Tư pháp nơi Thừa phát lại đăng ký hành nghề hoặc tự mình quyết định việc miễn nhiệm Thừa phát lại khi có căn cứ cho rằng Thừa phát lại thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Sở Tư pháp có trách nhiệm rà soát, kiểm tra việc hành nghề của Thừa phát lại tại địa phương mình. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ cho rằng Thừa phát lại thuộc trường hợp bị miễn nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều này, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm Thừa phát lại kèm theo tài liệu làm căn cứ cho việc đề nghị miễn nhiệm.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị và tài liệu làm căn cứ cho việc đề nghị miễn nhiệm của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm Thừa phát lại. Khi cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp, các cơ quan, tổ chức xác minh hoặc tự mình xác minh bảo đảm các căn cứ miễn nhiệm đúng quy định của pháp luật.

Điều 14. Bổ nhiệm lại Thừa phát lại

1. Người được miễn nhiệm Thừa phát lại theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Nghị định này được xem xét bổ nhiệm lại Thừa phát lại khi có đề nghị.

2. Người bị miễn nhiệm Thừa phát lại theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định này chỉ được xem xét bổ nhiệm lại Thừa phát lại khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 của Nghị định này và lý do miễn nhiệm không còn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

Người bị miễn nhiệm Thừa phát lại theo quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 13 của Nghị định này chỉ được đề nghị bổ nhiệm lại Thừa phát lại sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày Quyết định miễn nhiệm Thừa phát lại có hiệu lực.

3. Người bị miễn nhiệm Thừa phát lại do đã bị kết án về tội phạm do vô ý, tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý mà chưa được xóa án tích; đã bị kết án về tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản, trục lợi, gian lận, gian dối, xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích thì không được bổ nhiệm lại Thừa phát lại.

4. Thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm lại Thừa phát lại theo quy định tại Điều 10 của Nghị định này. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm lại bao gồm:

a) Đơn đề nghị bổ nhiệm lại Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

b) Phiếu lý lịch tư pháp được cấp trong thời hạn 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định miễn nhiệm Thừa phát lại để đối chiếu;

d) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính giấy tờ chứng minh lý do miễn nhiệm không còn để đối chiếu, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Người đề nghị bổ nhiệm lại Thừa phát lại phải nộp phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

Điều 15. Đăng ký hành nghề và cấp, thu hồi, cấp lại Thẻ Thừa phát lại

1. Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đăng ký hành nghề và cấp Thẻ cho Thừa phát lại của Văn phòng mình đến Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở. Hồ sơ bao gồm:

a) Giấy đề nghị đăng ký hành nghề và cấp Thẻ Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

b) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại để đối chiếu;

c) 01 ảnh chân dung của Thừa phát lại cỡ 2 cm x 3 cm chụp không quá 06 tháng trước ngày nộp hồ sơ.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều này, Sở Tư pháp ghi tên người được đăng ký hành nghề vào Danh sách Thừa phát lại hành nghề tại địa phương và cấp Thẻ Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ghi tên người được đăng ký hành nghề vào Danh sách Thừa phát lại, Sở Tư pháp phải đăng tải Danh sách này trên cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp, các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và thông báo việc đăng ký hành nghề Thừa phát lại cho các cơ quan quy định tại khoản 4 Điều 12 của Nghị định này.

3. Thẻ Thừa phát lại là căn cứ chứng minh tư cách hành nghề của Thừa phát lại. Thừa phát lại chỉ được hành nghề sau khi được đăng ký hành nghề và cấp Thẻ.

4. Trong thời hạn 07 ngay làm việc, kể từ ngày Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định miễn nhiệm Thừa phát lại hoặc kể từ ngày nhận được thông báo của Văn phòng Thừa phát lại về việc Thừa phát lại không còn hành nghề tại Văn phòng Thừa phát lại, Sở Tư pháp nơi Thừa phát lại hành nghề xóa tên Thừa phát lại khỏi Danh sách Thừa phát lại, ra quyết định thu hồi Thẻ Thừa phát lại và thông báo bằng văn bản cho người bị thu hồi, Văn phòng Thừa phát lại nơi người đó hành nghề và các cơ quan quy định tại khoản 4 Điều 12 của Nghị định này, đồng thời đăng tải trên cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp, các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương thông tin về việc thu hồi Thẻ.

Thẻ Thừa phát lại không còn giá trị sử dụng kể từ thời điểm quyết định thu hồi Thẻ của Sở Tư pháp có hiệu lực.

5. Thẻ Thừa phát lại được cấp lại trong trường hợp bị mất, bị hỏng. Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Thẻ Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi đăng ký hành nghề. Hồ sơ bao gồm: Giấy đề nghị cấp lại Thẻ Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; 01 ảnh chân dung của Thừa phát lại cỡ 2 cm x 3 cm chụp không quá 06 tháng trước ngày nộp hồ sơ; bản chính Thẻ Thừa phát lại trong trường hợp Thẻ bị hỏng.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp lại Thẻ cho Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo băng văn bản có nêu rõ lý do.

Thẻ Thừa phát lại được cấp lại vẫn giữ nguyên số Thẻ đã cấp trước đây.

6. Phôi Thẻ Thừa phát lại do Bộ Tư pháp phát hành.

Điều 16. Quyền và nghĩa vụ của Thừa phát lại

1. Trung thực, khách quan khi thực hiện công việc.

2. Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại.

3. Chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về việc thực hiện công việc của mình.

4. Không đồng thời hành nghề tại 02 hoặc nhiều Văn phòng Thừa phát lại.

5. Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại hàng năm theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

6. Mặc trang phục Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định, đeo Thẻ Thừa phát lại khi hành nghề.

7. Tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại (nếu có); chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của Văn phòng Thừa phát lại nơi mình đang hành nghề và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại mà mình là thành viên.

8. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Chương III

VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI

Điều 17. Văn phòng Thừa phát lại

1. Văn phòng Thừa phát lại là tổ chức hành nghề của Thừa phát lại để thực hiện các công việc được giao theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Văn phòng Thừa phát lại do 01 Thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng Thừa phát lại do 02 Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh.

2. Tên gọi của Văn phòng Thừa phát lại phải bao gồm cụm từ “Văn phòng Thừa phát lại” và phân tên riêng liên sau. Việc đặt tên riêng và gắn biển hiệu thực hiện theo quy định của pháp luật, không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của Văn phòng Thừa phát lại khác trong phạm vi toàn quốc, không được vi phạm truyền thông lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

3. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại là Trưởng Văn phòng Thừa phát lại. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải là Thừa phát lại.

Văn phòng Thừa phát lại có thể có Thừa phát lại là thành viên hợp danh, Thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng lao động và thư ký nghiệp vụ.

Thư ký nghiệp vụ giúp Thừa phát lại thực hiện nghiệp vụ pháp lý theo quy định. Thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại phải có các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 6 của Nghị định này, phải có trình độ từ trung cấp luật trở lên và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 của Nghị định này.

4. Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.

Con dấu của Văn phòng Thừa phát lại không có hình quốc huy. Văn phòng Thừa phát lại được khắc và sử dụng con dấu sau khi được cấp Giấy đăng ký hoạt động. Thủ tục, hồ sơ đăng ký mẫu con dấu, việc quản lý, sử dụng con dấu của Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện theo quy định của pháp luật về con dấu.

Chế độ tài chính của Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện theo chế độ tài chính của loại hình doanh nghiệp tương ứng theo quy định của pháp luật.

5. Văn phòng Thừa phát lại không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch ngoài trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại; không được thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động của Thừa phát lại theo quy định của Nghị định này.

Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của Văn phòng Thừa phát lại

1. Văn phòng Thừa phát lại có các quyền sau đây:

a) Ký hợp đồng lao động với Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ làm việc cho Văn phòng mình;

b) Thu, quản lý, sử dụng chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật;

c) Ký hợp đồng, thỏa thuận với người yêu cầu theo quy định của Nghị định này;

d) Các quyền khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Văn phòng Thừa phát lại có các nghĩa vụ sau đây:

a) Quản lý Thừa phát lại, thư ký nghiệp vụ của Văn phòng mình trong việc tuân thủ pháp luật và Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại;

b) Chấp hành quy định của pháp luật về lao động, thuế, tài chính, báo cáo, thống kê;

c) Niêm yết lịch làm việc, thủ tục, chi phí thực hiện công việc Thừa phát lại, nội quy tiếp người yêu cầu tại trụ sở Văn phòng;

d) Thu đúng chi phí đã thỏa thuận với người yêu cầu;

đ) Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho Thừa phát lại của Văn phòng mình; bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật;

e) Tiếp nhận, tạo điều kiện thuận lợi và quản lý người tập sự trong thời gian tập sự tại Văn phòng mình;

g) Tạo điều kiện cho Thừa phát lại của Văn phòng mình tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại;

h) Thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc báo cáo, kiểm tra, thanh tra, cung cấp thông tin về hợp đồng dịch vụ, hồ sơ nghiệp vụ Thừa phát lại;

i) Lập, quản lý, sử dụng sổ sách, hồ sơ nghiệp vụ và thực hiện lưu trữ theo quy định;

k) Bảo đảm trang phục cho Thừa phát lại của Văn phòng mình theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

l) Các nghĩa vụ khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 19. Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại

1. Tổ chức thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Văn phòng Thừa phát lại theo quy định tại Điều 18 của Nghị định này.

2. Trong hoạt động thi hành án dân sự, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Đề nghị Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở ra quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 55 của Nghị định này và pháp luật thi hành án dân sự;

b) Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án;

c) Thông báo bằng văn bản cho người có thẩm quyền kháng nghị trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật;

d) Trả lời kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm theo quy định của pháp luật.

3. Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 20. Chế độ thông tin, báo cáo

1. Văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm báo cáo định kỳ 06 tháng và hàng năm cho Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở về tổ chức và hoạt động của mình.

Định kỳ hàng năm, Sở Tư pháp có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và Bộ Tư pháp về tình hình tổ chức và hoạt động Thừa phát lại tại địa phương.

Văn phòng Thừa phát lại thực hiện việc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp; Sở Tư pháp thực hiện việc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp.

2. Văn phòng Thừa phát lại thực hiện việc báo cáo để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm sát, giám sát về hoạt động, quản lý tài chính, thuế theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết về sổ sách, biểu mẫu, giấy tờ, chế độ báo cáo về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại.

Điều 21. Thành lập Văn phòng Thừa phát lại

1. Việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải căn cứ vào các tiêu chí sau đây:

a) Điều kiện về kinh tế - xã hội của địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

b) Số lượng vụ việc thụ lý của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

c) Mật độ dân cư và nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại;

d) Không quá 02 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính cấp huyện là quận, thành phố thuộc tỉnh, thị xã; không quá 01 Văn phòng Thừa phát lại tại 01 đơn vị hành chính huyện.

2. Căn cứ vào các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

3. Căn cứ vào Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo về việc thành lập Văn phòng Thừa phát lại tại địa phương. Trên cơ sở thông báo nêu trên của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thừa phát lại có nhu cầu thành lập Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại đến Sở Tư pháp nơi đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

b) Bản thuyết minh về tổ chức, tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở, các điều kiện vật chất và kế hoạch triển khai thực hiện;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại để đối chiếu.

4. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

5. Thừa phát lại đề nghị thành lập Văn phòng Thừa phát lại phải nộp phí thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí.

Điều 22. Đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại

1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định cho phép thành lập, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi cho phép thành lập.

Nội dung đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại bao gồm: Tên, địa chỉ trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại; họ tên Trưởng Văn phòng Thừa phát lại; danh sách Thừa phát lại hợp danh và danh sách Thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng lao động (nếu có) của Văn phòng Thừa phát lại.

2. Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Tư pháp. Hồ sơ bao gồm: Đơn đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại để đối chiếu; giấy tờ chứng minh đủ điều kiện quy định tại khoản 3, 4 Điều 17 của Nghị định này và hồ sơ đăng ký hành nghề của Thừa phát lại theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định này.

3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

4. Văn phòng Thừa phát lại được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động.

Điều 23. Thông báo nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại, Sở Tư pháp phải thông báo bằng văn bản thông tin đăng ký hoạt động cho Cục Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cơ quan thuế, cơ quan thống kê, cơ quan Công an, Chi cục Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở, Bộ Tư pháp và đăng tải trên cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp.

Điều 24. Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại

1. Khi thay đổi một trong các nội dung đăng ký hoạt động quy định tại khoản 1 Điều 22 của Nghị định này, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng ký thay đổi tại Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động.

Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp. Hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; giấy tờ chứng minh việc thay đổi và bản chính Giấy đăng ký hoạt động.

2. Trường hợp Trưởng Văn phòng Thừa phát lại hợp danh bị tạm đình chỉ hành nghề, có quyết định miễn nhiệm, bị chết hoặc lý do khác không thể là người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại phải thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động về Trưởng Văn phòng Thừa phát lại tại Sở Tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ; Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này thì thời hạn cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại là 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

4. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan quy định tại Điều 23 của Nghị định này.

Điều 25. Thay đổi thành viên hợp danh của Văn phòng Thừa phát lại

1. Tư cách thành viên hợp danh của Văn phòng Thừa phát lại chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

a) Theo nguyện vọng cá nhân của Thừa phát lại hợp danh nếu được các Thừa phát lại hợp danh còn lại đồng ý;

b) Thừa phát lại hợp danh bị miễn nhiệm; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự. Trong trường hợp này, phần giá trị tài sản của Thừa phát lại đó tại Văn phòng Thừa phát lại được hoàn trả công bằng và thỏa đáng sau khi đã trừ đi phần nợ thuộc trách nhiệm của Thừa phát lại đó;

c) Thừa phát lại hợp danh của Văn phòng Thừa phát lại chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì người thừa kế của Thừa phát lại hợp danh được hưởng phần giá trị tài sản tại Văn phòng Thừa phát lại sau khi đã trừ đi phần nợ thuộc trách nhiệm của Thừa phát lại đó. Người thừa kế có thể trở thành Thừa phát lại hợp danh của Văn phòng Thừa phát lại đó nếu đủ tiêu chuẩn hành nghề Thừa phát lại và được các Thừa phát lại hợp danh còn lại đồng ý.

2. Văn phòng Thừa phát lại có quyền tiếp nhận Thừa phát lại hợp danh mới nêu được các Thừa phát lại hợp danh còn lại chấp thuận.

3. Khi thay đổi thành viên hợp danh theo quy định tại khoản 1, 2 Điều này, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 24 của Nghị định này.

Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh quy định tại khoản 1 Điều này mà Văn phòng Thừa phát lại không tiếp nhận được Thừa phát lại hợp danh mới để giữ nguyên loại hình hoạt động thì trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh, Văn phòng Thừa phát lại phải chuyển đổi loại hình hoạt động từ công ty hợp danh sang doanh nghiệp tư nhân theo quy định tại Điều 26 của Nghị định này.

Điều 26. Chuyển đổi loại hình Văn phòng Thừa phát lại

1. Văn phòng Thừa phát lại có nhu cầu chuyển đổi loại hình hoạt động từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty hợp danh và ngược lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đề nghị chuyển đổi đến Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị chuyển đổi theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

b) Bản thuyết minh về việc chuyển đổi loại hình hoạt động, trong đó nêu rõ phương án chuyển đổi, tình hình tổ chức và hoạt động của Văn phòng tính đến ngày đề nghị chuyển đổi, dự kiến về tổ chức, tên gọi, địa điểm đặt trụ sở, nhân sự, các điều kiện vật chất;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại để đối chiếu;

d) Bản chính Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại.

2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định cho phép chuyển đổi, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi cho phép chuyển đổi. Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Tư pháp. Hồ sơ bao gồm: Đơn đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định cho phép chuyển đổi để đối chiếu và giấy tờ chứng minh có đủ điều kiện bảo đảm hoạt động của Văn phòng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại chuyển đổi; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

5. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan quy định tại Điều 23 của Nghị định này.

6. Văn phòng Thừa phát lại chuyển đổi loại hình được hoạt động kể từ ngày Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động; kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và có trách nhiệm lưu trữ toàn bộ hồ sơ, tài liệu của Văn phòng Thừa phát lại trước đó.

Điều 27. Hợp nhất, sáp nhập Văn phòng Thừa phát lại

1. Hai hoặc một số Văn phòng Thừa phát lại có trụ sở trong cùng một địa bàn cấp tỉnh có thể hợp nhất thành một Văn phòng Thừa phát lại mới bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang Văn phòng Thừa phát lại hợp nhất, đồng thời chấm dứt hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại bị hợp nhất.

2. Một hoặc một số Văn phòng Thừa phát lại có thể sáp nhập vào một Văn phòng Thừa phát lại khác có trụ sở trong cùng một địa bàn cấp tỉnh bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang Văn phòng Thừa phát lại nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại bị sáp nhập.

3. Các Văn phòng Thừa phát lại bị hợp nhất, sáp nhập theo quy định tại khoản 1, 2 Điều này nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị hợp nhất, sáp nhập Văn phòng Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

b) Hợp đồng hợp nhất, sáp nhập, trong đó có các nội dung chủ yếu sau đây: Tên, địa chỉ trụ sở của các Văn phòng bị hợp nhất, sáp nhập; thời gian thực hiện hợp nhất, sáp nhập; phương án xử lý tài sản, sử dụng lao động của các Văn phòng; việc kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của các Văn phòng và các nội dung khác có liên quan;

c) Bản kê khai thuế, báo cáo tài chính trong năm gần nhất đã được kiểm toán của các Văn phòng tính đến ngày đề nghị hợp nhất, sáp nhập;

d) Biên bản kiểm kê các hồ sơ nghiệp vụ và biên bản kiểm kê tài sản hiện có của các Văn phòng bị hợp nhất, sáp nhập;

đ) Danh sách Thừa phát lại hợp danh và Thừa phát lại làm việc theo chế độ hợp đồng (nếu có) tại các Văn phòng;

e) Bản chính Quyết định cho phép thành lập và Giấy đăng ký hoạt động của các Văn phòng.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép hợp nhất, sáp nhập Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép hợp nhất, sáp nhập Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

4. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định cho phép hợp nhất, sáp nhập, Văn phòng Thừa phát lại hợp nhất phải đăng ký hoạt động, Văn phòng Thừa phát lại nhận sáp nhập phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi cho phép hợp nhất, sáp nhập. Văn phòng Thừa phát lại nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đăng ký hoạt động đến Sở Tư pháp. Hồ sơ bao gồm: Đơn đăng ký hoặc đơn đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; Quyết định cho phép hợp nhất, sáp nhập; giấy tờ chứng minh về trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại và bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại của các Thừa phát lại đang hành nghề tại Văn phòng Thừa phát lại để đối chiếu.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại hợp nhất, nhận sáp nhập; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

5. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan quy định tại Điều 23 của Nghị định này.

6. Trong thời gian làm thủ tục hợp nhất, sáp nhập, các Văn phòng Thừa phát lại tiếp tục hoạt động cho đến khi Văn phòng Thừa phát lại mới được Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động.

Điều 28. Chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại

1. Văn phòng Thừa phát lại có thể được chuyển nhượng cho các Thừa phát lại khác đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này. Văn phòng Thừa phát lại chỉ được chuyển nhượng khi đã hoạt động được ít nhất 02 năm, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.

Thừa phát lại đã chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại không được phép thành lập, tham gia thành lập Văn phòng Thừa phát lại mới trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày chuyển nhượng, nhưng được phép hành nghề Thừa phát lại theo chế độ hợp đồng lao động.

2. Thừa phát lại nhận chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Cam kết hành nghề ít nhất 02 năm tại Văn phòng Thừa phát lại mà mình nhận chuyển nhượng, kế thừa quyền và nghĩa vụ của Văn phòng Thừa phát lại mà mình nhận chuyển nhượng;

b) Cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ các công việc theo hợp đồng, thỏa thuận giữa Văn phòng Thừa phát lại mà mình nhận chuyển nhượng với người yêu cầu, các cơ quan theo quy định của Nghị định này;

c) Không thuộc trường hợp đang bị tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại quy định tại khoản 1 Điều 12 của Nghị định này tại thời điểm nhận chuyển nhượng.

3. Văn phòng Thừa phát lại có nhu cầu chuyển nhượng nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính 01 bộ hồ sơ đến Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động. Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

b) Hợp đồng chuyển nhượng có công chứng theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định;

c) Biên bản kiểm kê hồ sơ nghiệp vụ của Văn phòng được chuyển nhượng;

d) Bản sao có chứng thực hoặc bản chụp kèm bản chính Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thừa phát lại của các Thừa phát lại nhận chuyển nhượng để đối chiếu;

đ) Bản chính Quyết định cho phép thành lập và Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại được chuyển nhượng;

e) Bản kê khai thuế, báo cáo tài chính trong 02 năm gần nhất đã được kiểm toán của Văn phòng được chuyển nhượng;

g) Văn bản cam kết nội dung quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình của Sở Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định cho phép chuyển nhượng; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

4. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định cho phép chuyển nhượng, Văn phòng Thừa phát lại phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 24 của Nghị định này.

Hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động được lập thành 01 bộ bao gồm: Đơn đề nghị thay đổi nội dung đăng ký hoạt động theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định; Quyết định cho phép chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại; giấy tờ chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ thuế đối với việc chuyển nhượng Văn phòng Thừa phát lại; giấy tờ chứng minh về trụ sở của Văn phòng Thừa phát lại được chuyển nhượng (trong trường hợp thay đổi trụ sở) và hồ sơ đăng ký hành nghề của các Thừa phát lại theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Nghị định này.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại; trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do.

5. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng Thừa phát lại, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan quy định tại Điều 23 của Nghị định này.

6. Trong thời gian làm thủ tục chuyển nhượng, Văn phòng Thừa phát lại được chuyển nhượng tiếp tục hoạt động cho đến khi được cấp lại Giấy đăng ký hoạt động.

Điều 29. Tạm ngừng hoạt động Văn phòng Thừa phát lại

1. Văn phòng Thừa phát lại bị tạm ngừng hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Trưởng Văn phòng Thừa phát lại do một Thừa phát lại thành lập hoặc tất cả các Thừa phát lại hợp danh của Văn phòng Thừa phát lại bị tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại;

b) Không đảm bảo điều kiện hoạt động khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở ra quyết định tạm ngừng hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại trong các trường hạp quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Thời gian tạm ngừng hoạt động không quá 12 tháng. Trong thời gian tạm ngừng hoạt động, Văn phòng Thừa phát lại phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ khác, thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký với người lao động; đối với hợp đồng dịch vụ đã ký kết mà chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện xong thì phải chấm dứt hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Các hồ sơ do Văn phòng Thừa phát lại tạm ngừng hoạt động thực hiện vẫn được tiếp tục lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại.

Điều 30. Chấm dứt hoạt động Văn phòng Thừa phát lại

1. Văn phòng Thừa phát lại bị chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây:

a) Tự chấm dứt hoạt động;

b) Bị thu hồi Quyết định cho phép thành lập theo quy định tại Điều 31 của Nghị định này;

c) Bị hợp nhất, bị sáp nhập.

2. Trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thì chậm nhất là 30 ngày trước thời điểm dự kiến chấm dứt hoạt động, Văn phòng Thừa phát lại phải có báo cáo bằng văn bản gửi Sở Tư pháp nơi đăng ký hoạt động. Trước thời điểm chấm dứt hoạt động, Văn phòng Thừa phát lại có nghĩa vụ nộp đủ số thuế còn nợ, thanh toán các khoản nợ khác, hoàn thành thủ tục chấm dứt hợp đồng đã ký với người lao động, thực hiện xong các hợp đồng dịch vụ đã ký kết; trường hợp không thể thực hiện xong các hợp đồng dịch vụ đã ký kết thì phải thỏa thuận với người yêu cầu về việc thực hiện các hợp đồng đó.

Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở có trách nhiệm thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi Quyết định cho phép thành lập, đăng tải thông tin về việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại trên cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp và thông báo bằng văn bản cho các cơ quan quy định tại Điều 23 của Nghị định này.

3. Trường hợp Văn phòng Thừa phát lại chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày có Quyết định thu hồi Quyết định cho phép thành lập, Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở có trách nhiệm thu hồi Giấy đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại, đăng tải thông tin về việc chấm dứt hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại trên cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp và thông báo bằng văn bản cho các cơ quan quy định tại Điều 23 của Nghị định này.

Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bị thu hồi Quyết định cho phép thành lập, Văn phòng Thừa phát lại có nghĩa vụ nộp đủ số thuế còn nợ, thanh toán xong các khoản nợ khác, làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động đã ký với người lao động; đối với hợp đồng dịch vụ đã ký kết mà chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện xong thì phải chấm dứt hợp đồng. Hết thời hạn này mà Văn phòng Thừa phát lại chưa hoàn thành các nghĩa vụ về tài sản hoặc trường hợp Văn phòng Thừa phát lại chấm dứt hoạt động do bị thu hồi Quyết định cho phép thành lập vì Trưởng Văn phòng hoặc toàn bộ Thừa phát lại hợp danh của Văn phòng Thừa phát lại chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì tài sản của Văn phòng Thừa phát lại, của Thừa phát lại hợp danh được sử dụng để thanh toán các khoản nợ của Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật dân sự.

4. Hồ sơ lưu trữ của Văn phòng Thừa phát lại bị chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều này được xử lý như sau:

a) Hồ sơ về thi hành án dân sự được chuyển cho Cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để bảo quản theo chế độ lưu trữ hồ sơ thi hành án dân sự. Đối với các vụ việc thi hành án chưa kết thúc thì Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở có trách nhiệm thông báo, hướng dẫn người có yêu cầu về thủ tục chuyển hồ sơ cho cơ quan thi hành án dân sự để thực hiện việc thi hành án;

b) Vi bằng và các tài liệu có liên quan khác được chuyển cho Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để lưu trữ.

5. Trường hợp chấm dứt hoạt động theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này thì quyền, nghĩa vụ của Văn phòng Thừa phát lại do Văn phòng Thừa phát lại hợp nhất hoặc Văn phòng Thừa phát lại nhận sáp nhập tiếp tục thực hiện.

6. Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc Văn phòng Thừa phát lại thực hiện các công việc khi Văn phòng chấm dứt hoạt động.

Điều 31. Thu hồi Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại

1. Văn phòng Thừa phát lại bị thu hồi Quyết định cho phép thành lập trong các trường hợp sau đây:

a) Không thực hiện đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này;

b) Hết thời hạn 06 tháng, kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động mà Văn phòng Thừa phát lại chưa bắt đầu hoạt động;

c) Không hoạt động liên tục từ 12 tháng trở lên hoặc hết thời hạn tạm ngừng hoạt động tối đa quy định tại khoản 3 Điều 29 của Nghị định này mà không được hoạt động trở lại;

d) Trưởng Văn phòng Thừa phát lại do 01 Thừa phát lại thành lập hoặc toàn bộ các Thừa phát lại hợp danh của Văn phòng Thừa phát lại bị miễn nhiệm, bị chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết mà không có người thừa kế đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại;

đ) Bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Giấy đăng ký hoạt động từ 06 tháng trở lên theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

2. Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, rà soát và lập hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thu hồi Quyết định cho phép thành lập Văn phòng Thừa phát lại.

Chương IV

THẨM QUYỀN, PHẠM VI, THỦ TỤC THỰC HIỆN CÔNG VIỆC CỦA THỪA PHÁT LẠI

Mục 1. TỐNG ĐẠT

Điều 32. Thẩm quyền, phạm vi tống đạt của Thừa phát lại

1. Thừa phát lại thực hiện tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu sau đây:

a) Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự;

b) Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

2. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại có thể giao thư ký nghiệp vụ thực hiện việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận việc tống đạt phải do Thừa phát lại thực hiện.

3. Văn phòng Thừa phát lại phải chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức yêu cầu về việc tống đạt thiếu chính xác, không đúng thủ tục, không đúng thời hạn của mình; bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự

1. Thừa phát lại tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, việc dân sự trong vụ án hình sự và khiếu nại, tố cáo; tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở theo hợp đồng dịch vụ tống đạt được ký kết giữa Văn phòng Thừa phát lại với Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự.

Trường hợp tống đạt ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận với Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự bằng hợp đồng riêng cho từng việc cụ thể.

2. Thủ tục tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng; thủ tục tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

3. Hợp đồng dịch vụ tống đạt được thực hiện theo phương thức Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự có nhu cầu chuyển giao các loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu đã thỏa thuận tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại để thực hiện tống đạt.

Giấy tờ, hồ sơ, tài liệu thỏa thuận tống đạt bao gồm: Giấy báo, giấy triệu tập, giấy mời, thông báo, quyết định đưa vụ án ra xét xử, bản án, quyết định, quyết định kháng nghị của Tòa án; thông báo, quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân; quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập, thông báo của cơ quan thi hành án dân sự. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có thể tống đạt các loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu khác theo đề nghị của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự.

Số lượng và từng loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cụ thể giao Thừa phát lại tống đạt được thực hiện thông qua biên bản có xác nhận của 02 bên theo ngày.

4. Nội dung chủ yếu của hợp đồng dịch vụ tống đạt bao gồm: Loại giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cần tống đạt; thời gian thực hiện hợp đồng; thủ tục tống đạt; quyền, nghĩa vụ của các bên; chi phí tống đạt.

Sau khi ký kết, hợp đồng dịch vụ tống đạt được gửi đến Kho bạc Nhà nước nơi Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự mở tài khoản để kiểm soát việc thanh toán chi phí tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại.

5. Mỗi Tòa án, mỗi Viện kiểm sát nhân dân, mỗi cơ quan thi hành án dân sự có thể ký hợp đồng dịch vụ tống đạt với một hoặc nhiều Văn phòng Thừa phát lại.

Điều 34. Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài

1. Bộ Tư pháp lựa chọn một hoặc một số Văn phòng Thừa phát lại để thực hiện việc tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

2. Văn phòng Thừa phát lại thực hiện tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài trên phạm vi toàn quốc.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết việc tống đạt quy định tại khoản 1,2 Điều này và các nội dung khác có liên quan.

Điều 35. Thông báo kết quả tống đạt

1. Việc tống đạt được coi là hoàn thành khi Thừa phát lại đã thực hiện xong các thủ tục theo quy định của pháp luật.

2. Thừa phát lại phải thông báo kết quả tống đạt hoặc các tài liệu chứng minh việc tống đạt hoàn thành cho Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan, tổ chức khác đã yêu cầu trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong việc tống đạt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Kết quả tống đạt phải được ghi vào sổ tống đạt được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

Mục 2. LẬP VI BẰNG

Điều 36. Thẩm quyền, phạm vi lập vi bằng, giá trị pháp lý của vi bằng

1. Thừa phát lại được lập vi bằng ghi nhận các sự kiện, hành vi có thật theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi toàn quốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 37 của Nghị định này.

2. Vi bằng không thay thế văn bản công chứng, văn bản chứng thực, văn bản hành chính khác.

3. Vi bằng là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; là căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

4. Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu thấy cần thiết, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác để làm rõ tính xác thực của vi bằng. Thừa phát lại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác phải có mặt khi được Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân triệu tập.

Điều 37. Các trường hợp không được lập vi bằng

1. Các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị định này.

2. Vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng bao gồm: Xâm phạm mục tiêu về an ninh, quốc phòng; làm lộ bí mật nhà nước, phát tán tin tức, tài liệu, vật phẩm thuộc bí mật nhà nước; vi phạm quy định ra, vào, đi lai trong khu vực câm, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn của công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự; vi phạm quy định về bảo vệ bí mật, bảo vệ công trình an ninh, quốc phòng và khu quân sự.

3. Vi phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Dân sự; trái đạo đức xã hội.

4. Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.

5. Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

6. Ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng.

7. Ghi nhận sự kiện, hành vi của cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân đang thi hành công vụ.

8. Ghi nhận sự kiện, hành vi không do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến.

9. Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Thỏa thuận về việc lập vi bằng

1. Người yêu cầu lập vi bằng phải thỏa thuận bằng văn bản với Trưởng Văn phòng Thừa phát lại về việc lập vi bằng với các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nội dung vi bằng cần lập;

b) Địa điểm, thời gian lập vi bằng;

c) Chi phí lập vi bằng;

d) Các thỏa thuận khác (nếu có).

2. Thỏa thuận lập vi bằng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

Điều 39. Thủ tục lập vi bằng

1. Thừa phát lại phải trực tiếp chứng kiến, lập vi bằng và chịu trách nhiệm trước người yêu cầu và trước pháp luật về vi bằng do mình lập. Việc ghi nhận sự kiện, hành vi trong vi bằng phải khách quan, trung thực. Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời người làm chứng chứng kiến việc lập vi bằng.

Người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng (nếu có) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp.

Khi lập vi bằng, Thừa phát lại phải giải thích rõ cho người yêu cầu về giá trị pháp lý của vi bằng. Người yêu cầu phải ký hoặc điểm chỉ vào vi bằng.

2. Vi bằng phải được Thừa phát lại ký vào từng trang, đóng dấu Văn phòng Thừa phát lại và ghi vào sổ vi bằng được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

3. Vi bằng phải được gửi cho người yêu cầu và được lưu trữ tại Văn phòng Thừa phát lại theo quy định của pháp luật về lưu trữ như đối với văn bản công chứng.

4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc lập vi bằng, Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng, tài liệu chứng minh (nếu có) đến Sở Tư pháp nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở để vào sổ đăng ký. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được vi bằng, Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng.

Sở Tư pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về vi bằng; thực hiện đăng ký và quản lý cơ sở dữ liệu về vi bằng theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

Điều 40. Hình thức và nội dung chủ yếu của vi bằng

1. Vi bằng được lập bằng văn bản tiếng Việt, có nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ Văn phòng Thừa phát lại; họ, tên Thừa phát lại lập vi bằng;

b) Địa điểm, thời gian lập vi bằng;

c) Họ, tên, địa chỉ người yêu cầu lập vi bằng;

d) Họ, tên người tham gia khác (nếu có);

đ) Nội dung yêu cầu lập vi bằng; nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi được ghi nhận;

e) Lời cam đoan của Thừa phát lại về tính trung thực và khách quan trong việc lập vi bằng;

g) Chữ ký của Thừa phát lại, dấu Văn phòng Thừa phát lại, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người yêu cầu, người tham gia khác (nếu có) và người có hành vi bị lập vi bằng (nếu họ có yêu cầu).

Vi bằng có từ 02 trang trở lên thì từng trang phải được đánh số thứ tự; vi bằng có từ 02 tờ trở lên phải được đóng dấu giáp lai giữa các tờ; số lượng bản chính của mỗi vi bằng do các bên tự thỏa thuận.

2. Kèm theo vi bằng có thể có các tài liệu chứng minh; trường hợp tài liệu chứng minh do Thừa phát lại lập thì phải phù hợp với thẩm quyền, phạm vi theo quy định tại khoản 1 Điều 36 của Nghị định này.

3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể về mẫu vi bằng.

Điều 41. Sửa lỗi kỹ thuật vi bằng

1. Trong trường hợp có sai sót về kỹ thuật trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn vi bằng mà việc sửa không làm ảnh hưởng đến tính xác thực của sự kiện, hành vi được lập vi bằng thì Thừa phát lại có trách nhiệm sửa lỗi đó. Việc sửa lỗi kỹ thuật vi bằng được thực hiện tại Văn phòng Thừa phát lại đã lập vi bằng đó.

2. Thừa phát lại thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật có trách nhiệm đối chiếu từng lỗi cần sửa, gạch chân chỗ cần sửa, sau đó ghi nội dung đã được sửa vào bên lề kèm theo chữ ký của mình và đóng dấu của Văn phòng Thừa phát lại.

3. Trong trường hợp vi bằng đã được gửi cho người yêu cầu và Sở Tư pháp thì Văn phòng Thừa phát lại phải gửi vi bằng đã được sửa lỗi kỹ thuật cho người yêu cầu và Sở Tư pháp.

Điều 42. Cấp bản sao vi bằng

1. Việc cấp bản sao vi bằng do Văn phòng Thừa phát lại đang lưu trữ bản chính vi bằng đó thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc cung cấp hồ sơ vi bằng phục vụ cho việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án liên quan đến việc đã lập vi bằng;

b) Theo yêu cầu của người yêu cầu lập vi bằng, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vi bằng đã được lập.

2. Người yêu cầu cấp bản sao vi bằng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này phải trả chi phí cấp bản sao vi bằng theo mức sau đây: 05 nghìn đồng/trang, từ trang thứ 03 trở lên thì mỗi trang là 03 nghìn đồng.

Mục 3. XÁC MINH ĐIỀU KIỆN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 43. Thẩm quyền, phạm vi xác minh điều kiện thi hành án

1. Thừa phát lại có quyền xác minh điều kiện thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

2. Khi thực hiện việc xác minh điều kiện thi hành án, Thừa phát lại có quyền xác minh ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

Điều 44. Thỏa thuận về xác minh điều kiện thi hành án

1. Đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án có quyền thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án kể cả trong trường hợp vụ việc đó đang do cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức thi hành.

2. Thỏa thuận về xác minh điều kiện thi hành án giữa người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại được ký kết dưới hình thức hợp đồng dịch vụ, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Nội dung cần xác minh, trong đó nêu cụ thể yêu cầu xác minh thông tin về tài sản, thu nhập hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án;

b) Thời gian thực hiện xác minh;

c) Quyền, nghĩa vụ của các bên;

d) Chi phí xác minh;

đ) Các thỏa thuận khác (nếu có).

3. Khi thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về xác minh điều kiện thi hành án, đương sự phải cung cấp bản án, quyết định của Tòa án và các tài liệu khác có liên quan (nếu có); người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án phải cung cấp tài liệu chứng minh có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thi hành án của đương sự.

Điều 45. Thủ tục xác minh điều kiện thi hành án

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ký kết hợp đồng dịch vụ, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải ra quyết định xác minh điều kiện thi hành án, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Quyết định xác minh phải ghi rõ căn cứ, nội dung xác minh và được ghi vào sổ xác minh điều kiện thi hành án được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

Quyết định xác minh phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở và cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

2. Việc xác minh điều kiện thi hành án được thực hiện trực tiếp hoặc bằng văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin.

3. Khi trực tiếp xác minh, Thừa phát lại xuất trình giấy giới thiệu của Văn phòng Thừa phát lại, Thẻ Thừa phát lại kèm theo các tài liệu có liên quan quy định tại điểm a khoản 4 Điều này và phải công bố quyết định xác minh hoặc quyết định thi hành án trong trường hợp Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án; lập biên bản về việc xác minh. Biên bản phải có chữ ký của Thừa phát lại, người cung cấp thông tin, xác nhận của cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin. Nếu chưa thực hiện được ngay việc cung cấp thông tin thì phải ghi rõ lý do trong biên bản. Biên bản được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

Trong trường hợp cần thiết, Thừa phát lại có quyền mời cơ quan chuyên môn hoặc chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh.

4. Trường hợp xác minh bằng văn bản thì văn bản đề nghị cung cấp thông tin phải có các nội dung sau đây:

a) Căn cứ đề nghị cung cấp thông tin bao gồm: Tên bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; Quyết định xác minh, bản sao văn bản thỏa thuận xác minh về điều kiện thi hành án; Quyết định thi hành án trong trường hợp Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án;

b) Thông tin về người phải thi hành án bao gồm: Tên, địa chỉ trụ sở chính của người phải thi hành án là tổ chức; họ, tên, địa chỉ nơi cư trú của người phải thi hành án là cá nhân và các thông tin cần thiết khác;

c) Các thông tin đề nghị cung cấp trong phạm vi, thẩm quyền của Thừa phát lại quy định tại Nghị định này;

d) Thời điểm, thời hạn cung cấp thông tin;

đ) Các thông tin khác có liên quan.

Văn bản đề nghị cung cấp thông tin kèm theo các tài liệu liên quan được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, đồng thời gửi Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở. Trường hợp thực hiện xác minh ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì Thừa phát lại phải đồng thời gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi thực hiện xác minh.

5. Các quy định khác của pháp luật thi hành án dân sự được áp dụng trong việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại.

Điều 46. Từ chối cung cấp thông tin

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền từ chối cung cấp thông tin trong các trường hợp sau đây:

a) Vụ việc không thuộc thẩm quyền xác minh của Thừa phát lại;

b) Đề nghị cung cấp thông tin về cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là người có nghĩa vụ thi hành án thuộc thẩm quyền xác minh của Thừa phát lại;

c) Hồ sơ đề nghị cung cấp không đủ các tài liệu quy định tại Điều 45 của Nghị định này;

d) Các thông tin tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp thông tin phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Điều 47. Bảo mật thông tin xác minh điều kiện thi hành án

1. Thông tin xác minh điều kiện thi hành án chỉ được sử dụng cho mục đích thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và được bảo quản theo chế độ mật theo quy định của pháp luật.

2. Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại, người yêu cầu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm bảo mật thông tin được cung cấp.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2 Điều này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Điều 48. Sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án

1. Người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền sử dụng kết quả xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại để yêu cầu thi hành án hoặc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền thi hành án căn cứ kết quả xác minh để tổ chức thi hành án.

2. Trong trường hợp có căn cứ xác định kết quả xác minh không khách quan, chính xác thì cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại có quyền không sử dụng kết quả đó nhưng phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Điều 49. Ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án

1. Văn phòng Thừa phát lại có thể ủy quyền một phần hoặc toàn bộ nội dung công việc theo hợp đồng dịch vụ xác minh điều kiện thi hành án cho Văn phòng Thừa phát lại khác thực hiện, nếu người yêu cầu đồng ý.

2. Việc ủy quyền giữa các Văn phòng Thừa phát lại phải được thể hiện bằng văn bản và có các nội dung sau đây: Thông tin của các Văn phòng Thừa phát lại; thông tin về người yêu cầu xác minh, nội dung xác minh theo hợp đồng dịch vụ đã ký kết; nội dung ủy quyền, các nội dung đã thực hiện (nếu có), nội dung tiếp tục xác minh, thù lao ủy quyền và các thỏa thuận khác (nếu có).

Việc ủy quyền phải được thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại ủy quyền, Văn phòng Thừa phát lại nhận ủy quyền đặt trụ sở để thực hiện việc kiểm sát theo quy định của pháp luật.

3. Văn phòng Thừa phát lại nhận ủy quyền thực hiện việc xác minh theo quy định của Nghị định này và pháp luật thi hành án dân sự.

Điều 50. Phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án

1. Công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường, cán bộ, công chức cấp xã khác, cơ quan bảo hiểm xã hội, tổ chức tín dụng, cơ quan đăng ký đất đai, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, tổ chức hành nghề công chứng và các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án phối hợp, hỗ trợ Thừa phát lại trong xác minh điều kiện thi hành án; phối hợp cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án và chịu trách nhiệm về các nội dung thông tin đã cung cấp.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án ký vào biên bản khi Thừa phát lại xác minh trực tiếp hoặc cung cấp thông tin bằng văn bản theo đề nghị của Thừa phát lại trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, trường hợp từ chối cung cấp phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.

Văn bản cung cấp thông tin bao gồm các nội dung sau đây: Thời điểm cung cấp thông tin; nội dung thông tin cung cấp theo đề nghị trong phạm vi, thẩm quyền của Thừa phát lại quy định tại Nghị định này.

3. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Mục 4. THI HÀNH BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH THEO YÊU CẦU CỦA ĐƯƠNG SỰ

Điều 51. Thẩm quyền tổ chức thi hành án của Thừa phát lại

1. Thừa phát lại được quyền tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự đối với các bản án, quyết định sau đây:

a) Bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện); bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở;

b) Bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện; bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định sơ thẩm, chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở;

c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

2. Thừa phát lại không tổ chức thi hành phần bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật Thi hành án dân sự.

Điều 52. Nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức thi hành án của Thừa phát lại

1. Khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thực hiện kịp thời, đúng nội dung quyết định thi hành án được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ban hành theo đề nghị của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

b) Mời đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án;

c) Kiến nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự xem xét sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án đã ban hành theo đề nghị của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại;

d) Xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án.

2. Khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại không được thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 66, Điều 71, Điều 72 của Luật Thi hành án dân sự;

b) Sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định tại khoản 9 Điều 20 của Luật Thi hành án dân sự;

c) Xử phạt vi phạm hành chính;

d) Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án theo quy định tại Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự;

đ) Yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự;

e) Các quyền yêu cầu Tòa án xác định người có quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ tạm giữ; xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản; giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 68, khoản 3 Điều 69 và khoản 2 Điều 102 của Luật Thi hành án dân sự.

Điều 53. Quyền yêu cầu thi hành án

1. Cùng một nội dung yêu cầu, cùng một thời điểm, người yêu cầu chỉ có quyền làm đơn yêu cầu một Văn phòng Thừa phát lại hoặc một cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.

2. Trường hợp người được thi hành án được thi hành nhiều khoản khác nhau trong cùng một bản án, quyết định do một người có nghĩa vụ thi hành thì cùng một thời điểm, người được thi hành án chỉ có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hoặc một Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành. Nếu các khoản được thi hành do nhiều người khác nhau có nghĩa vụ thi hành thì người được thi hành án có quyền đồng thời yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại thi hành riêng đối với từng khoản.

Trong cùng một bản án, quyết định có nhiều người được thi hành án mà trong đó có người yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành, có người yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành thì cơ quan thi hành án dân sự và Văn phòng Thừa phát lại phải phối hợp với nhau trong thi hành án.

3. Thời hiệu, thủ tục yêu cầu thi hành án thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

Điều 54. Thỏa thuận về việc tổ chức thi hành án

1. Thỏa thuận về việc tổ chức thi hành án giữa người yêu cầu thi hành án và Văn phòng Thừa phát lại được thể hiện dưới hình thức hợp đồng dịch vụ và có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Ngày, tháng, năm yêu cầu thi hành án;

b) Các khoản yêu cầu thi hành theo bản án, quyết định;

c) Trách nhiệm của Văn phòng Thừa phát lại trong việc thực hiện yêu cầu thi hành án theo ủy quyền;

d) Chi phí, phương thức thanh toán;

đ) Các thỏa thuận khác (nếu có).

Hợp đồng được lập thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

2. Sau khi ký kết hợp đồng, Văn phòng Thừa phát lại phải vào sổ thi hành án được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

Điều 55. Quyết định thi hành án

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ký hợp đồng dịch vụ, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại căn cứ vào nội dung hợp đồng dịch vụ và thẩm quyền thi hành án quy định tại Điều 35 của Luật Thi hành án dân sự có văn bản đề nghị Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự hoặc Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở ra quyết định thi hành án theo thẩm quyền. Văn bản đề nghị phải kèm theo đơn yêu cầu thi hành án theo ủy quyền, bản án, quyết định được thi hành theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và các tài liệu có liên quan.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải xem xét, ra quyết định thi hành án; trường hợp không ra quyết định thi hành án thì phải trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.

3. Quyết định thi hành án có các nội dung sau đây:

a) Họ, tên, chức vụ của người ra quyết định;

b) Số, ngày, tháng, năm, tên cơ quan, tổ chức ban hành quyết định;

c) Tên, địa chỉ người được thi hành án;

d) Tên, địa chỉ người phải thi hành án;

đ) Tên, địa chỉ Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án;

e) Nội dung công việc Thừa phát lại phải thực hiện để tổ chức thi hành án;

g) Thời hạn để người phải thi hành án tự nguyện thi hành.

Quyết định thi hành án phải được vào sổ thi hành án được lập theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

4. Nội dung công việc Thừa phát lại phải thực hiện để tổ chức thi hành án theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều này bao gồm:

a) Xác minh điều kiện thi hành án;

b) Tổ chức thi hành án;

c) Thỏa thuận về việc thi hành án;

d) Thanh toán tiền thi hành án.

5. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại đã đề nghị phải gửi quyết định thi hành án đó cho người được thi hành án, người phải thi hành án, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện (nếu vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan thi hành án cấp huyện) hoặc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (nếu vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan thi hành án cấp tỉnh) nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở.

6. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chịu trách nhiệm trước pháp luật, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc ra hoặc không ra quyết định thi hành án theo đề nghị của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại.

Thừa phát lại chịu trách nhiệm trước pháp luật, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc đề nghị ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành quyết định thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự.

7. Quyết định thi hành án được ban hành theo đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại không thuộc các vụ việc thụ lý, tổ chức thi hành của cơ quan thi hành án dân sự.

Điều 56. Thủ tục chung về thi hành án của Thừa phát lại

1. Thừa phát lại thực hiện các thủ tục về thi hành án theo quy định của Nghị định này và pháp luật thi hành án dân sự.

2. Xử lý trường hợp chuyển vụ việc từ cơ quan thi hành án dân sự sang Văn phòng Thừa phát lại và ngược lại:

a) Đối với các vụ việc đang do cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành nhưng sau đó đương sự có văn bản yêu cầu không tiếp tục và đình chỉ thi hành án để Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành thì đương sự không có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục thi hành đối với các khoản đã được cơ quan thi hành án ra quyết định đình chỉ thi hành án;

b) Đối với các vụ việc đang do Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành nhưng sau đó đương sự có văn bản yêu cầu không tiếp tục thi hành án và chấm dứt hợp đồng với Văn phòng Thừa phát lại thì người được thi hành án có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại khác có thẩm quyền tiếp tục tổ chức thi hành, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

c) Yêu cầu thi hành án mới của đương sự phải nêu rõ kết quả thi hành án trước đó; những nội dung yêu cầu tổ chức thi hành án tiếp và thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung yêu cầu. Trình tự, thủ tục, kết quả quá trình thi hành án trước đó nếu thực hiện đúng quy định của pháp luật vẫn có giá trị pháp lý, được công nhận và được sử dụng làm căn cứ để tiếp tục tổ chức thi hành án.

Điều 57. Chấm dứt việc thi hành án của Thừa phát lại

Thừa phát lại chấm dứt thi hành án và phải thông báo cho Chi cục Thi hành án dân sự hoặc Cục Thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án về việc chấm dứt thi hành án trong các trường hợp sau đây:

1. Việc thi hành án đương nhiên kết thúc theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;

2. Theo thỏa thuận giữa Thừa phát lại và đương sự, trừ trường hợp việc chấm dứt làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba;

3. Trường hợp phải áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự;

4. Thừa phát lại tổ chức thi hành án mà phát sinh điều kiện thi hành án nằm ngoài địa bàn cấp tỉnh nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở;

5. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự và người phải thi hành án không còn tài sản nào khác;

6. Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch liên quan đến tài sản là vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự và người phải thi hành án không còn tài sản nào khác;

7. Các trường hợp phải yêu cầu Tòa án xác định người có quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ tạm giữ; xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản; giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 68, khoản 3 Điều 69, khoản 2 Điều 102 của Luật Thi hành án dân sự và người phải thi hành án không còn tài sản nào khác.

Điều 58. Hậu quả pháp lý khi chấm dứt việc thi hành án

1. Khi chấm dứt việc thi hành án, Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu thi hành án phải thanh lý hợp đồng dịch vụ về thi hành án. Trong quá trình thanh lý hợp đồng và giải quyết các vấn đề phát sinh, nếu có tranh chấp thì các bên yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Đối với số tiền, tài sản còn tồn đọng không có người nhận thì Văn phòng Thừa phát lại xử lý theo quy định của Luật Thi hành án dân sự và pháp luật dân sự về tài sản vắng chủ.

Đối với các vụ việc chưa thi hành xong, đương sự có quyền tiếp tục yêu cầu thi hành án theo quy định tại Điều 53 của Nghị định này.

2. Trường hợp chấm dứt việc thi hành án theo khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 57 của Nghị định này, trước khi thanh lý hợp đồng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải thực hiện các nội dung sau đây:

a) Ra quyết định hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi các quyết định, thông báo, văn bản về thi hành án chưa thực hiện xong;

b) Chuyển toàn bộ hồ sơ thi hành án sang cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự;

c) Thông báo bằng văn bản cho đương sự về việc đã chuyển hồ sơ và người yêu cầu thi hành án có quyền tiếp tục yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

3. Trường hợp chấm dứt việc thi hành án theo quy định tại Điều 57 của Nghị định này, trước khi thanh lý hợp đồng, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện (nếu vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan thi hành án cấp huyện) hoặc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh (nếu vụ việc thuộc thẩm quyền thi hành án của cơ quan thi hành án cấp tỉnh) nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở về việc chấm dứt việc thi hành án và việc đã chuyển hồ sơ sang cơ quan thi hành án dân sự.

4. Trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự như sau:

a) Tiếp nhận hồ sơ thi hành án do Văn phòng Thừa phát lại chuyển;

b) Tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án của đương sự, ra quyết định thi hành án và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 56 của Nghị định này;

c) Công nhận và sử dụng kết quả thi hành án trước đó do Thừa phát lại thực hiện khi vụ việc được tiếp tục thi hành nếu kết quả đó có được không do vi phạm pháp luật.

Điều 59. Thanh toán tiền thi hành án

1. Việc thanh toán tiền thi hành án của Thừa phát lại được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

2. Cơ quan thi hành án dân sự và Văn phòng Thừa phát lại phải phối hợp thanh toán tiền thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án phải thi hành nhiều nghĩa vụ đang do cơ quan thi hành án dân sự và Văn phòng Thừa phát lại cùng tổ chức thi hành.

Điều 60. Trách nhiệm của các cơ quan trong việc thi hành án

1. Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm sau đây:

a) Chi cục Thi hành án dân sự hoặc Cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở có trách nhiệm ra quyết định thi hành án theo đề nghị của Văn phòng Thừa phát lại; chuyển giao quyết định thi hành án cho Văn phòng Thừa phát lại đã đề nghị trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

Cục Thi hành án dân sự nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở có trách nhiệm hỗ trợ việc thi hành án của Văn phòng Thừa phát lại, hướng dẫn việc phối hợp trong thi hành án giữa các Chi cục Thi hành án dân sự với Văn phòng Thừa phát lại và giữa các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn;

b) Chi cục Thi hành án dân sự hoặc Cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm phối hợp với các Văn phòng Thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án và thanh toán tiền thi hành án theo quy định.

2. Cơ quan bảo hiểm xã hội, Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng phối hợp cung cấp thông tin và hỗ trợ Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án theo quy định của Nghị định này và pháp luật thi hành án dân sự.

3. Cơ quan đăng ký tài sản, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất cho người mua được tài sản, người được thi hành án nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án;

b) Thu hồi, sửa đổi, hủy các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất, giấy tờ đăng ký giao dịch bảo đảm đã cấp cho người phải thi hành án; thực hiện việc cấp mới các giấy tờ đó theo quy định của pháp luật.

Mục 5. CHI PHÍ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC CỦA THỪA PHÁT LẠI

Điều 61. Chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại

Chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại phải được ghi nhận trong hợp đồng giữa Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu.

Điều 62. Chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự

1. Chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự do Tòa án, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại trong hợp đồng quy định tại khoản 3 Điều 33 của Nghị định này trên cơ sở khung mức chi phí quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Khung mức chi phí tống đạt được quy định như sau:

a) Tối thiểu là 65.000 đồng/việc và tối đa là 130.000 đồng/việc, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Trường hợp tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu ngoài địa bàn cấp tỉnh hoặc ở vùng đảo, quần đảo ngoài địa bàn cấp huyện nơi Văn phòng Thừa phát lại đặt trụ sở thì Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự thỏa thuận với Văn phòng Thừa phát lại về chi phí tống đạt, bao gồm: Chi phí phát sinh thực tế nhưng không vượt quá chế độ công tác phí theo quy định của pháp luật áp dụng đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; tiền công theo ngày làm việc của người thực hiện việc tống đạt nhưng không vượt quá mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc tại cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Chi phí tống đạt quy định tại khoản này bao gồm cả việc thực hiện niêm yết công khai trong trường hợp không thể tống đạt trực tiếp mà theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật thi hành án dân sự phải niêm yết công khai.

3. Thanh toán chi phí tống đạt được thực hiện như sau:

a) Việc thanh toán chi phí tống đạt được thực hiện hàng tháng. Văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm lập và giao hóa đơn dịch vụ cho Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hóa đơn, chứng từ hợp lệ, các cơ quan trên có trách nhiệm hoàn tất thủ tục, hồ sơ thanh toán bằng hình thức chuyển khoản gửi Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản để kiểm soát thanh toán chi phí tống đạt cho Văn phòng Thừa phát lại;

b) Đối với việc tống đạt mà theo quy định của pháp luật đương sự phải chịu chi phí thì Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự thu và chuyển số tiền đó cho Văn phòng Thừa phát lại. Đối với việc tống đạt mà theo quy định của pháp luật ngân sách nhà nước chịu thi Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự chuyển cho Văn phòng Thừa phát lại;

c) Trong trường hợp chưa thu được tiền của đương sự tại thời điểm thanh toán theo quy định tại điểm a khoản này thì cơ quan thi hành án dân sự tạm ứng trước kinh phí để thanh toán cho Văn phòng Thừa phát lại từ nguồn dự toán kinh phí được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm đôn đốc thu hồi khoản tiền tống đạt mà đương sự phải nộp để hoàn trả cho ngân sách nhà nước;

d) Trong trường hợp tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của cơ quan thi hành án dân sự, nếu vụ việc được ủy thác thì cơ quan thi hành án dân sự đã chuyển giao giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cho Thừa phát lại tống đạt phải thanh toán chi phí tống đạt đã thực hiện. Trường hợp đương sự phải chịu chi phí tống đạt nhưng chưa thu được thì cơ quan thi hành án dân sự ủy thác phải có văn bản đề nghị cơ quan thi hành án dân sự nơi nhận ủy thác thu hồi chi phí tống đạt của đương sự;

đ) Kho bạc Nhà nước kiểm soát thanh toán chi phí tống đạt theo quy định của pháp luật.

4. Hàng năm, căn cứ vào khối lượng công việc của năm trước, mức chi phí quy định tại Điều này và công việc dự kiến thực hiện cho năm kế hoạch, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự lập dự toán kinh phí tống đạt để tổng hợp chung vào dự toán ngân sách của cơ quan mình gửi cơ quan cấp trên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, trong đó tách riêng làm 02 phần:

a) Kinh phí tống đạt trong trường hợp ngân sách nhà nước chi trả;

b) Kinh phí tạm ứng trong trường hợp đương sự phải chi trả.

Điều 63. Chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài

Chi phí tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định.

Điều 64. Chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án

1. Chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án do người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc.

2. Văn phòng Thừa phát lại quy định và phải niêm yết công khai chi phí lập vi bằng và xác minh điều kiện thi hành án, trong đó xác định rõ mức tối đa, mức tối thiểu, nguyên tắc tính.

Trên cơ sở chi phí đã niêm yết, người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại có thể thỏa thuận thêm về chi phí thực hiện theo công việc hoặc theo giờ làm việc và các khoản chi phí thực tế phát sinh bao gồm: Chi phí đi lại; phí dịch vụ cho các cơ quan cung cấp thông tin; chi phí cho người làm chứng, người tham gia hoặc chi phí khác (nếu có).

3. Trong trường hợp Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án mà phải tiến hành xác minh thì chi phí xác minh do Thừa phát lại và người yêu cầu thỏa thuận theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc được tính vào chi phí thi hành án dân sự quy định tại Điều 65 của Nghị định này.

Điều 65. Chi phí thi hành án dân sự

Đối với việc tổ chức thi hành án, Văn phòng Thừa phát lại được thu chi phí theo mức phí thi hành án dân sự do pháp luật về phí, lệ phí quy định. Những vụ việc phức tạp, Văn phòng Thừa phát lại và người yêu cầu thi hành án có thể thỏa thuận về mức chi phí thực hiện công việc.

Chương V

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC, XỬ LÝ VI PHẠM, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VÀ KIỂM SÁT HOẠT ĐỘNG CỦA THỪA PHÁT LẠI

Điều 66. Trách nhiệm của Chính phủ

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về Thừa phát lại.

2. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quản lý nhà nước về Thừa phát lại, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về Thừa phát lại;

b) Hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, thanh tra về Thừa phát lại;

c) Bồi dưỡng, đào tạo nghề Thừa phát lại;

d) Ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại;

đ) Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Thừa phát lại;

e) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về Thừa phát lại theo quy định của pháp luật;

g) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Điều 67. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn trại giam về việc thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án phải nộp trong trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù.

2. Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn Kho bạc Nhà nước, cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế và các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp với Thừa phát lại trong việc xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan; hướng dẫn các chế độ tài chính quy định tại Nghị định này.

Điều 68. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về Thừa phát lại tại địa phương, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Quản lý hoạt động của Thừa phát lại ở địa phương; tuyên truyền, phổ biến về hoạt động của Thừa phát lại;

b) Phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương;

c) Cho phép thành lập, chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động Văn phòng Thừa phát lại;

d) Kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về Thừa phát lại theo quy định của pháp luật;

đ) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về Thừa phát lại tại địa phương, có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Xác minh thông tin trong hồ sơ bổ nhiệm, miễn nhiệm Thừa phát lại theo yêu cầu của Bộ Tư pháp; đăng ký hành nghề, cấp, cấp lại và thu hồi Thẻ Thừa phát lại; quyết định tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại;

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại ở địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

c) Tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và thực hiện thủ tục trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép thành lập, chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng, chấm dứt hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại;

d) Cấp, thu hồi Giấy đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại; quyết định tạm ngừng hoạt động Văn phòng Thừa phát lại;

đ) Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về vi bằng theo quy định tại khoản 4 Điều 39 của Nghị định này;

e) Kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về Thừa phát lại theo quy định của pháp luật;

g) Báo cáo Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan;

h) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Nghị định này, pháp luật có liên quan và yêu cầu của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 69. Xử lý vi phạm

1. Thừa phát lại có hành vi vi phạm quy định của Nghị định này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

2. Văn phòng Thừa phát lại có hành vi vi phạm quy định của Nghị định này thì bị xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

3. Người yêu cầu Thừa phát lại thực hiện công việc có hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ, văn bản giả mạo, sửa chữa, tẩy xóa giấy tờ, văn bản trái pháp luật hoặc có hành vi gian dối khác thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

4. Người có chức vụ, quyền hạn mà có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại hoặc cản trở Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại thực hiện quyền, nghĩa vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

5. Cá nhân không đủ điều kiện hành nghề Thừa phát lại mà hành nghề Thừa phát lại dưới bất kỳ hình thức nào thì phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Tổ chức không đủ điều kiện hoạt động Thừa phát lại mà hoạt động Thừa phát lại dưới bất kỳ hình thức nào thì phải chấm dứt hành vi vi phạm, bị xử phạt vi phạm hành chính, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Điều 70. Giải quyết khiếu nại

1. Việc giải quyết khiếu nại về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm Thừa phát lại; đăng ký hành nghề và cấp Thẻ Thừa phát lại; tạm đình chỉ hành nghề Thừa phát lại; thành lập, đăng ký hoạt động, chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng, tạm ngừng hoạt động, chấm dứt hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện theo quy định của pháp luật khiếu nại.

2. Việc giải quyết khiếu nại về tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng.

3. Việc giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự được thực hiện như sau:

a) Khiếu nại về việc ra hoặc không ra quyết định thi hành án theo đề nghị của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại:

Trường hợp người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án là Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự thì Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự giải quyết khiếu nại lần đầu trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành;

Trường hợp người có thẩm quyền ra quyết định thi hành án là Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thì Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự giải quyết khiếu nại lần đầu trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành;

b) Khiếu nại hành vi của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại:

Đối với các vụ việc do Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 55 của Nghị định này thì Chi cục trưởng giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại về hành vi của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự. Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành;

Đối với các vụ việc do Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án theo quy định tại Điều 55 của Nghị định này thì Cục trưởng giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại về hành vi của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự ra quyết định giải quyết khiếu nại lần hai trong thời hạn 45 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành;

Trường hợp ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại;

c) Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại về thi hành án đã có hiệu lực thi hành.

Điều 71. Giải quyết tố cáo

Việc tố cáo và giải quyết tố cáo trong hoạt động Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật tố cáo.

Điều 72. Giải quyết tranh chấp

1. Các tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng liên quan đến việc thực hiện công việc của Thừa phát lại do cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự và tố tụng dân sự.

2. Đối với các tranh chấp về việc lập vi bằng thì các bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.

Điều 73. Kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại

Hoạt động tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu của Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự, hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và tổ chức thi hành án của Thừa phát lại chịu sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, pháp luật tố tụng, pháp luật thi hành án dân sự, Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Chương VI

HIỆU LỰC THI HÀNH VÀ ĐIỀU KHOẢN CHUYỂN TIẾP

Điều 74. Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp

1. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 24 tháng 02 năm 2020.

2. Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

3. Thừa phát lại đã được bổ nhiệm, Văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh được tiếp tục hành nghề, hoạt động theo Nghị định này.

4. Các quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thừa phát lại theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh được tiếp tục áp dụng trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

5. Thừa phát lại đã được bổ nhiệm trước ngày Nghị định này có hiệu lực có nhu cầu thay đổi nơi hành nghề thì Văn phòng Thừa phát lại nơi Thừa phát lại chuyển đến thực hiện thủ tục đăng ký hành nghề và cấp Thẻ Thừa phát lại cho Thừa phát lại đó theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này.

6. Người đã được miễn nhiệm Thừa phát lại theo nguyện vọng cá nhân trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì được xem xét bổ nhiệm lại Thừa phát lại theo quy định tại khoản 1, 4 Điều 14 của Nghị định này.

7. Đối với những công việc Văn phòng Thừa phát lại đã thụ lý nhưng chưa giải quyết xong trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì những trình tự, thủ tục đã thực hiện đúng quy định của pháp luật được công nhận kết quả; các trình tự, thủ tục còn lại tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định này.

8. Đối với những vụ việc thi hành án dân sự Văn phòng Thừa phát lại đã thụ lý nhưng chưa thi hành xong trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà phát sinh các trường hợp quy định tại điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều 52 của Nghị định này thì phải chấm dứt thi hành án theo quy định tại Điều 57 và thực hiện theo quy định tại Điều 58 của Nghị định này.

Đối với những vụ việc thi hành án dân sự cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định đình chỉ thi hành án để Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực mà vụ việc sau đó phải áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp nhận trở lại để ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

9. Sổ đăng ký vi bằng quy định tại khoản 4 Điều 39 của Nghị định này được sử dụng cho đến khi hệ thống cơ sở dữ liệu về vi bằng được xây dựng.

10. Đề án thực hiện chế định Thừa phát lại của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Bộ Tư pháp phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực, phù hợp với quy định của Nghị định này thì được tiếp tục thực hiện.

Điều 75. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao và những nội dung cần thiết khác của Nghị định này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác Thừa phát lại.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan có liên quan trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để Thừa phát lại thực hiện công việc của mình./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, PL (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

GOVERNMENT OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

No. 08/2020/ND-CP

Hanoi, January 08, 2020

 

DECREE

ORGANIZATION AND OPERATION OF BAILIFF

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015;

Pursuant to Resolution No. 107/2015/QH13 dated November 26, 2015 of the National Assembly on implementation of Bailiff;

At request of Minister of Justice;

The Government promulgates Decree on organization and operation of bailiff.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



This Decree prescribes bailiff, practicing organizations of bailiff; entitlement, scope, and procedures for conducting work of bailiff; control of operation of bailiff; settlement of resolution, accusations, disputes, and state management in bailiff.

Article 2. Definition

In this Decree, terms below are construed as follows:

1. “bailiff” refers to a qualified individual assigned by the Government to serve, produce bailiff’s reports, verify conditions for enforcement of civil judgments, organize enforcement of civil judgments in accordance with this Decree and relevant law provisions;

2. “service” refers to a bailiff’s act of notifying, delivering, and receiving documents in accordance with this Decree and relevant law provisions;

3. “a bailiff’s report” refers to a document which records an event or behavior witnessed by the bailiff and is produced at request of an individual, agency, or organization at request of this Decree.

Article 3. Permissible tasks of bailiffs

1. Serving documents in accordance with this Decree and relevant law provisions.

2. Producing bailiff’s reports at request of individuals, agencies, and organizations in accordance with this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Organizing implementation of judgments, decisions of the court at request of litigants in accordance with this Decree and relevant law provisions.

Article 4. Prohibited tasks of bailiffs

1. Disclosing information on their work, unless otherwise regulated by the laws; using information on operation of bailiffs in order to infringe legal rights and benefits of individuals, agencies, and organizations.

2. Demanding tangible benefits other than fees recorded in contracts.

3. Conducting notary, lawyer, valuation, property auction, property management and liquidation work on a part-time basis.

4. Accepting tasks relating to their rights and benefits or their relatives’ rights and benefits, including: Spouses, biological children, adopted children; biological parents, biological siblings, grandparents, aunts, or uncles of bailiffs or bailiff’s spouses; biological nieces or nephews of bailiffs.

5. Other prohibited tasks as per the law.

Article 5. Cooperation of individuals, agencies, and organizations with bailiffs and bailiff offices

1. Within their task, powers, and obligations, individuals, agencies, and organizations shall cooperate with bailiffs and bailiff offices in carrying out tasks of bailiffs in accordance with this Decree and relevant law provisions; shall not disclose information on the carrying out of bailiff’s tasks, unless otherwise regulated by the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter II

BAILIFF

Article 6. Eligibility of bailiff

A person shall be assigned as a bailiff when he/she:

1. Is a Vietnamese national, not older than 65 years old, residing in Vietnam, properly adhering to the Constitutions and the laws, and possessing good moral virtues.

2. Has undergraduate or post-graduate degrees in law.

3. Practices law for at least 3 years in agencies, organizations after obtaining undergraduate or post-graduate degrees in law.

4. Completes training courses, receives recognition equivalent to training completion, or completes bailiff refresher training courses mentioned under Article 7 hereof.

5. Qualifies in bailiff apprenticeship exam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A person satisfying conditions under Clauses 1 and 2 Article 6 hereof are allowed to participate in bailiff training courses at Judicial Academy affiliated to the Ministry of Justice. Application for participation in bailiff training course consists of: Written registration for participation in bailiff training course regulated by the Minister of Justice; certified true copies or copies accompanied by original copies of undergraduate or post-graduate degrees in law.

He/she shall obtain certificate of bailiff training course completion upon completing the training course.

2. A person who previously worked as a judge, a procurator, an enforcement officer, an investigator for at least 5; a lawyer, a notary officer for at least 5 years; a professor, an associate professor in law; a primary assessor, a professional assessor in court, a primary examiner or a professional examiner in procuracy; a professional inspector, a professional expert, a professional researcher, or a professional lecturer in law; a primary assessor or professional assessor in civil judgment enforcement shall be exempt from bailiff training.

3. Persons exempt from bailiff training course under Clause 2 of this Article must participate in bailiff refresher training course at the Judicial Academy. Application for participation in bailiff refresher training course consists of: Written registration for participation in bailiff refresher training course using form regulated by Ministry of Justice; certified true copies or copies accompanied by original copies of documents proving eligibility for exemption from bailiff training course.

A person completing the refresher training course shall obtain the certificate of refresher bailiff training course.

4. Documents under Clauses 1 and 3 of this Article shall be submitted in person or via post service to the Judicial Academy. The Judicial Academy shall receive the applications and publicize lists of applicants eligible for training course and refresher training course at least 30 days before opening day of the course; provide written response and state reason in case of refusal.

5. Bailiff training shall last 6 months; refresher bailiff training shall last 3 months.

6. Persons who require recognition of equivalent bailiff training in foreign countries shall apply in person or via post service to Ministry of Justice. Application consists of: Request for recognition of equivalent bailiff training using form regulated by the Ministry of Justice; notarized or certified true copies of bailiff training degrees issued by foreign training facilities.

Within 30 days from the date on which adequate applications have been received, Ministry of Justice shall issue decision recognizing equivalency for persons receiving bailiff training in foreign countries; provide written response and state reason in case of refusal.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 8. Bailiff apprenticeship

1. Persons with certificate of bailiff training course completion or certificate of refresher bailiff training course completion or decisions recognizing equivalent bailiff training completion in foreign countries shall submit application for bailiff apprenticeship to Departments of Justice where bailiff offices are based in person or via post service. Application consists of: Registration for bailiff apprenticeship using form regulated by the Ministry of Justice; certified true copies or copies accompanied by original copies of certificate of bailiff training course completion or certificate of refresher bailiff training course completion or decisions recognizing equivalent bailiff training completion in foreign countries.

Within 7 working days from the date on which adequate applications have been received, Departments of Justice shall inform applicants and bailiff offices regarding apprenticeship application; provide written response and state reason in case of refusal.

2. Changing of apprenticeship location shall be implemented as follows:

a) In case of changing apprenticeship location in the same province or central-affiliated city, the bailiff apprentice shall submit application for changing apprenticeship location using form regulated by Minister of Justice to the Departments of Justice where the applicants previously applied for apprenticeship. Within 5 working days from the date on which applications are received, Departments of Justice shall inform the apprentices, bailiff offices that transfer and accept the apprentices in writing about the change of apprenticeship location; provide written response and state reason in case of refusal;

b) In case of changing apprenticeship location to a different province or central-affiliated city, the bailiff apprentice shall submit application for changing apprenticeship location using form regulated by Minister of Justice to the Department of Justice where the applicant previously applied for apprenticeship. Within 5 working days from the date on which applications are received, Departments of Justice shall inform bailiff offices that accept apprenticeship and the apprentice in writing about change to apprenticeship location while verifying apprenticeship duration, number times that the apprentice has been suspended (if any) in their provinces; provide written response and state reason in case of refusal.

3. An apprentice is allowed to suspend his/her apprenticeship under justifiable reasons after informing bailiff offices where he/she is working at as an apprentice in writing at least 5 working days prior to the suspension.

4. Once grounds for termination of apprenticeship are available, bailiff offices that accept apprenticeship must report to local Departments of Justice in writing. Within 5 working days from the date on which reports of bailiff offices are received, Departments of Justice shall inform the apprentice and bailiff offices in writing about termination of apprenticeship.

5. Apprenticeship shall last 6 months for persons receiving bailiff training and 3 months for persons receiving refresher bailiff training from the date on which Departments of Justice issue notice on apprenticeship registration.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Minister of Justice shall elaborate apprenticeship and inspect bailiff apprenticeship results.

Article 9. Inspection of bailiff apprenticeship results

1. Persons completing apprenticeship shall apply for inspection of bailiff apprenticeship results in person or via post service to Departments of Justice where they apply for apprenticeship. The application consists of: Registration form regulated by Minister of Justice; Report on bailiff apprenticeship results containing comments of bailiff instructors and bailiff offices accepting apprentices.

2. Within 15 days from the date on which adequate applications are received, Departments of Justice shall inform the applicants about registering the applicants in list of candidates for apprenticeship result inspection; provide written response and state reason in case of refusal.

Article 10. Assignment of bailiff

1. Eligible persons according to Article 6 hereof shall submit bailiff assignment request in person or via post service at Departments of Justice where they registered for apprenticeship. Application consists of:

a) Application form regulated by Minister of Justice;

b) Judicial records issued within 6 months prior to the date of application;

c) Certified true copies or copies accompanied by original copies of undergraduate or post-graduate degrees;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Certified true copies or copies accompanied by original copies of certificate of bailiff apprenticeship inspection results.

2. Within 10 days from the date on which adequate applications are received, Departments of justice shall request Minister of Justice in writing to assign bailiff and attach bailiff assignment request; provide written response and state reason in case of refusal.

3. Within 30 days from the date on which documents and bailiff assignment request of Departments of Justice are received, Minister of Justice shall consider and decide to assign bailiff; provide written response and state reason in case of refusal.

If necessary, Minister of Justice shall verify or request Departments of Justice, relevant agencies, organizations in writing to verify eligibility for assignment and information in bailiff assignment request before deciding to assign bailiff. Verification shall not last longer than 45 days from the date on which Ministry of Justice issues written request for verification; the verification period shall not be included in the time limit for assigning bailiff mentioned under this Clause.

4. Applicants for bailiff assignment must pay fee for appraising eligibility for bailiff as per regulations and law on fees, charges.

Article 11. Persons ineligible for bailiff assignment

1. Persons with limited legal capacity or incapacitated; having difficult in cognition and/or behavior control as per the Civil Code.

2. Persons who are working as notary officials, holding license to practice law, conducting auction, official receiver, or valuation official.

3. Persons who are working as officials, public officials, public employees, commissioned officers, non-commissioned officers, workers, public employees in national defense sector in entities affiliated to People’s Army, commissioned officers, non-commissioned officers, officers in entities affiliated to the People’s Public Security.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Persons under Clause 3 of this Article who are removed or met with disciplinary actions in form of removal from office, mandated resignation, stripping of title or removal from sector.

6. Persons facing disciplinary actions in form of removal from lawyer list of the Bar Associations due to violations of the law or violation of Code of Professional Ethics of the lawyers; persons who face administrative penalties in form of suspension of license to practice law and have not spent 3 years from the date on which they fulfill decisions imposing such administrative penalties.

7. Persons who face administrative penalties in form of suspension of notary official cards, valuation official cards, auction license, asset management license and have not spent 3 years from the date on which they fulfill the decisions imposing such administrative penalties.

8. Persons met with administrative penalties of mandated admission to compulsory rehabilitation centers or compulsory education institutions.

Article 12. Suspension of bailiff

1. Department of Justice where a bailiff is operating shall issue decision on suspension of the bailiff when:

a) The bailiff is under criminal prosecution; or

b) The bailiff is under administrative penalties.

2. Suspension shall last no longer than 12 months.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) A decision on suspension of investigation, a decision dropping the lawsuit, or an effective judgment of the court ruling the bailiff not guilty is issued; or

b) The bailiff is no longer under administrative penalties.

4. Decision on suspension and decision on cancellation of decision on suspension of bailiff shall be sent to the bailiff, bailiff office where the bailiff is working at, People’s Court of province or city (hereinafter referred to as “provincial People’s Court”), People’s Procuracy of province or city (hereinafter referred to as “provincial People’s Procuracy”), Department of Civil Judgment Enforcement, and Sub-department of Civil judgment Enforcement where the bailiff is based at and Ministry of Justice.

Article 13. Removal of bailiff

1. A bailiff shall be removed on his/her own volition.

The bailiff shall submit application for removal to Department of Justice in writing or via post service where he/she registers. Application consists of: Application form regulated by Minister of Justice; certified true copies or copies accompanied by original copies of Decision on bailiff assignment.

Within 10 days from the date on which adequate applications are submitted, the Department of Justice shall request Minister of Justice in writing to remove the bailiff and attach application for removal.

Within 15 days from the date on which application and written request for bailiff removal of Department of Justice are received, Minister of Justice shall consider and issue decision on bailiff removal.

2. A bailiff shall be removed when:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) He/she falls under any of the cases specified in Clause 1 and Clause 8 Article 11 hereof; or

c) He/she does not register and practice bailiff for 1 year from the date of assignment; or

d) He/she has not been practicing bailiff for at least 2 consecutive years; or

dd) The reason for suspension remains past the maximum time limit mentioned under Clause 2 Article 2 hereof; or

e) He/she seriously violates code of professional ethics of bailiff; commits administrative violations after being met with administrative penalties for the second time in bailiff profession; or

g) He/she works as a notary official, lawyer, valuation official, asset auction official, asset management and liquidation official while holding bailiff position; or

h) He/she is sentenced by a legally effective judgment issued by the court.

3. Minister of Justice shall remove a bailiff at request of Department of Justice where the bailiff registers or whenever there are grounds for presuming that the bailiff falls under any of the cases mentioned under Clause 2 of this Article.

4. Department of Justice is responsible for reviewing and inspecting operation of bailiff in their province or city. Within 10 days from the date on which there are grounds for presuming that a bailiff falls under cases under Clause 2 of this Article, Department of Justice shall request Ministry of Justice in writing to remove bailiff and attach documents serving as a prelude for removal request.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 14. Reassignment of bailiff

1. A person removed from bailiff position according to Clause 1 Article 13 hereof shall be considered for reassignment as a bailiff if he/she requests so.

2. A person removed from bailiff position according to Clause 2 Article 13 hereof shall only be considered for reassignment when he/she is eligible according to Article 6 hereof and the cause for removal ceases to remain, except for cases under Clause 3 of this Article.

A person removed from bailiff position according to Point c and d Clause 2 Article 13 hereof shall only be considered for reassignment after 1 year from the date on which decision on removal of bailiff enters into force.

3. A person removed from bailiff position due to being convicted for intentional offense or less serious intentional offense without receiving expungement; convicted for crimes relating to expropriation, exploitation, fraudulence, violation of national security, serious crime, very serious crime, extremely serious crime with intention, even after receiving expungement, shall not be eligible for reassignment as bailiff.

4. Entitlement and procedures for reassignment of bailiff shall conform to Article 10 hereof. Application for reassignment consists of:

a) Application form regulated by Minister of Justice;

b) Judicial records issued within 6 months prior to the date of application;

c) Certified true copies or copies accompanied by original copies of Decision on removal of bailiff;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Applicants for bailiff reassignment must pay fee for appraising eligibility for bailiff as per regulations and law on fees, charges.

Article 15. Registration, issuance, suspension, and re-issuance of bailiff card

1. Bailiff offices shall submit application for bailiff practice and card issuance for affiliated bailiffs to Departments of Justice of provinces and cities where they are based in writing or via post service. Application consists of:

a) Application for bailiff practice and card issuance using form regulated by Ministry of Justice;

b) Certified true copies or copies accompanied by original copies of decision on assignment or reassignment of bailiff;

c) A 2 cm x 3 cm portrait photo of the bailiff taken within the last 6 months from the date of application.

2. Within 10 days from the date on which adequate documents according to Clause 1 of this Article are received, Departments of Justice shall register applicants in list of local bailiff and issue bailiff card; provide written response and state reason in case of refusal.

Within 7 working days from the date on which applicants are registered in list of bailiff, Departments of Justice must upload this list on their website, local mass media, and notify bailiff practice to authorities under Clause 4 Article 12 hereof.

3. Bailiff card serves as the license to practice of bailiff. Bailiff shall only operate after being registered in list of bailiff and obtaining bailiff card.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Bailiff cards are no longer valid from the effective date of decision on bailiff card suspension issued by Departments of Justice.

5. Bailiff cards shall be re-issued in case of missing or being damaged. Bailiffs shall submit application for re-issuance of bailiff card to Departments of Justice where they applied for practice in person or via post service. Application consists of: Application for re-issuance of bailiff card using form regulated by Ministry of Justice; a 2 cm x 3 cm portrait of the bailiff taken within the last 6 months prior to the date of application; original copies of bailiff card if the card is damaged.

Within 7 working days from the date on which adequate applications are received, Departments of Justice shall reissue bailiff cards; provide written response and state reason in case of refusal.

Reissued bailiff card shall retain card of the previous card.

6. Bailiff card templates shall be issued by Ministry of Justice.

Article 16. Rights and obligations of bailiffs

1. Stay honest and objective while performing duty.

2. Strictly comply with the law and code of professional ethics of bailiff.

3. Be responsible to the solicitors and the law for the performance of bailiff’s duty.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Participate in annual bailiff refresher training according to regulations of Minister of Justice.

6. Don bailiff uniform regulated by Minister of Justice and carry bailiff card when performing duty.

7. Participate in social - professional organizations of bailiff (if any); stay under management of competent authorities, superior bailiff offices, and social - professional organizations of bailiffs.

8. Execute other rights and obligations as per this Decree and relevant law provisions.

Chapter III

BAILIFF OFFICE

Article 17. Bailiff office

1. Bailiff offices are practicing organizations of bailiffs in which bailiffs conduct assigned tasks as per this Decree and relevant law provisions.

A bailiff office established by a bailiff shall be organized as a sole proprietorship. A bailiff office established by at least 2 bailiffs shall be organized as a partnership company.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. legal representatives of bailiff offices are directors of bailiff offices. Directors of bailiff offices must also be bailiff offices.

Bailiff offices may include partner bailiffs, bailiffs under employment contracts, and professional secretaries.

Professional secretaries shall assist bailiffs in legal affairs. Professional secretaries must satisfy eligibility under Clause 1 Article 6 hereof, have intermediate law degree or higher, and not fall under any of the cases under Article 11 hereof.

4. Bailiff offices shall have their own head offices, seals, and accounts and operate on a financial autonomy basis.

Seals of bailiff offices must not bear the national emblem. Bailiff offices can forge and use seals after obtaining license to operate. Application for seal registration, management, and use of bailiff offices shall conform to regulations and law on seals.

Finance of bailiff offices shall conform to financial regulations applicable to respective form of enterprises as per the law.

5. Bailiff offices are not allowed to open branches, representatives, facilities, trade locations outside their head offices; conduct manufacturing, trading, service activities beyond the scope of bailiffs as per this Decree.

Article18. Rights and obligations of bailiff office

1. Bailiff offices have the rights to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Collect, manage, and use expenses for conducting bailiff tasks as per the law;

c) Enter into contracts, agreements with solicitors as per this Decree;

d) Exercise other rights as per this Decree and relevant law provisions.

2. Bailiff offices have the obligations to:

a) Manage bailiffs and professional secretaries in terms of compliance with the law and code of professional ethics of bailiffs;

b) Adhere to regulations and law on employment, tax, finance, report, and statistical data;

c) Publicize working hours, procedures, expenditure on bailiff work, and rules of reception at bailiff office;

d) Collect fees agreed upon with solicitors;

dd) Purchase professional liability insurance for affiliated bailiffs; pay damages (if any) as per the law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



g) Enable affiliated bailiffs to participate in training and refresher training;

h) Comply with request of competent authorities regarding report, inspection, examination, and provision of information on service contracts and professional dossiers of bailiffs;

i) Produce, manage, use, and store documents, professional dossiers as per the law;

k) Provide uniform regulated by Ministry of Justice to affiliated bailiffs;

l) Carry out other obligations according to this Decree and relevant law provisions.

Article 19. Tasks and powers of directors of bailiff offices

1. Organize implementation of rights and powers of bailiff offices in accordance with Article 18 hereof.

2. In civil enforcement, directors of bailiff offices have the tasks and powers to:

a) Request directors of Sub-departments of Civil judgment Enforcement where bailiff offices are located to issue decisions on judgment enforcement in accordance with Article 55 hereof and civil enforcement laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Notify persons who have the power to file an appeal upon discovering violations of the law in legally effective judgments, decisions;

d) Respond to appeal request and propositions of competent People’s Procuracy; request competent authority to take disciplinary actions, impose administrative penalties, or initiate criminal prosecution against offenders as per the law.

3. Other tasks and powers according to this Decree and relevant laws.

Article 20. Communication and report

1. Bailiff offices are responsible for submitting 6-monthly and annual reports on their organization and operation to Departments of Justice where the bailiff offices are based.

On an annual basis, Departments of Justice are responsible for submitting reports on bailiff organization and operation in their provinces and cities to People’s Committees of provinces and cities (hereinafter referred to as “provincial People’s Committees”).

Bailiff offices shall produce irregular reports at request of Departments of Justice and Ministry of Justice; Departments of Justice shall produce irregular reports at request of provincial People’s Committees and Ministry of Justice.

2. Bailiff offices shall produce reports in order to serve inspection, examination, and supervision regarding operation, financial management, and tax as per the law.

3. Minister of Justice shall elaborate documents, forms, and report regulations regarding organization and operation of bailiff.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The establishment of a bailiff office must rely on the following criteria:

a) Socio-economic conditions of the district where the bailiff office is expected to be established;

b) Number of cases accepted by court or civil enforcement authority of the district where the bailiff office is expected to be established;

c) Population density and demands of inhabitants of the district where the bailiff office is expected to be established;

d) No more than 2 bailiff offices in a district-level administrative division; no more than 1 bailiff office in a district.

2. Based on the criteria under Clause 1 of this Article, Departments of Justice shall cooperate with departments, local authorities in submitting Scheme for local bailiff office development to provincial People’s Committees for approval.

3. Based on the approved Scheme for bailiff office development, provincial People’s Committees shall issue notice of establishment of bailiff offices. Based on the aforementioned notice of provincial People’s Committees, bailiffs who wish to establish bailiff offices shall submit application for establishment of bailiff offices to local Departments of Justice in writing or via post service. Application consists of:

a) Application for establishment of bailiff office using form regulated by Minister of Justice;

b) Presentation regarding organization, name, personnel, head office location, facility conditions, and plans for implementation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Within 20 days from the date on which adequate applications are received, Departments of Justice shall request provincial People’s Committees to consider and issue decision permitting the establishment of bailiff offices; provide written response and state reason in case of refusal.

Within 20 days from the date on which request of Departments of Justice is received, provincial People’s Committees shall consider and issue decision permitting the establishment of bailiff offices; provide written response and state reason in case of refusal.

5. Applicants for establishment of bailiff offices shall submit fees for appraising conditions for establishment and operation of bailiff offices in accordance with regulations and law on fees and charges.

Article 22. Registration for operation of bailiff office

1. Within 30 days from the date on which decisions permitting bailiff office establishment are received, bailiff offices must register for operation at Departments of Justice which grant permission for establishment.

Details of registration includes: Name and address of bailiff head office; full name of directors of bailiff offices; list of partnership bailiffs and list of bailiffs under employment contracts (if any) of bailiff offices.

2. Bailiff offices shall submit registration for operation to Departments of Justice in person or via post service. Registration consists of: Application using form regulated by Minister of Justice; certified true copies or copies accompanied by original copies of decisions permitting establishment of bailiff office; documents proving fulfillment of eligibility under Clauses 3 and 4 Article 17 hereof and application for operation of bailiffs in accordance with Clause 1 Article 15 hereof.

3. Within 10 days from the date on which adequate registration is received, Departments of Justice shall issue license to operate to bailiff offices; provide written response and state reason in case of refusal.

4. Bailiff offices can operate with the date on which Departments of Justice issues license to operate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Within 7 working days from the date on which license to operate is issued to bailiff office, Department of Justice must inform Department of Civil judgment Enforcement, provincial People’s Court, provincial People’s Procuracy, tax authority, statistical data authority, police authority, Sub-department of Civil judgment Enforcement, People’s Court, People’s Procuracy, People’s Committee of district, People’s Committee of commune where bailiff office is located, and Ministry of Justice in writing and upload on website of Department of Justice.

Article 24. Revision of bailiff office registration

1. As soon as any of the registration details under Clause 1 Article 22 hereof change, the bailiff office must register the changes at Department of Justice where they registered for operation.

Bailiff office shall submit application to Department of Justice in person or via post service. Application consists of: Application for revision to bailiff registration using form regulated by the Minister of Justice; documents proving the changes and original copies of license to operate.

2. In case directors of partnership bailiff offices are temporarily suspended from practicing, subject to decision on removal, deceased, or unable to act as legal representatives of bailiff offices due to other reasons, bailiff offices must revise registration regarding directors of the bailiff offices at Departments of Justice according to Clause 1 of this Article.

3. Within 07 working days from the date on which adequate registration is received, Departments of Justice shall issue revised license to operate to bailiff offices; provide written response and state reason in case of refusal.

For cases under Clause 2 of this Article, the revised license to operate shall be issued to bailiff offices within 3 working days from the date on which adequate application is received.

4. Within 7 working days from the date on which revised license to operate is issued to bailiff offices, Departments of Justice are responsible for notifying authorities under Article 23 hereof.

Article 25. Changing general partners

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) A general partner bailiff wishes so and other general partner bailiff agrees;

b) A general partner bailiff is removed, having reduced civil capacity, incapacitated, having cognitive and/or behavioral difficulty as per the Civil Code. In this case, assets of the bailiff at the bailiff office shall be returned to the bailiff after deducting liabilities of the bailiff;

c) A general partner bailiff is deceased or declared deceased by the court, heir of the bailiff shall receive the assets of the bailiff from which liabilities of the bailiff have been deducted. The heir can become a general partner bailiff of the bailiff office if he/she is eligible for bailiff profession and agreed by other general partner bailiffs.

2. A bailiff office has the right to accept new bailiffs if other general partner bailiffs also agree.

3. When changing general partner bailiffs as mentioned under Clauses 1 and 2 of this Article, bailiff offices must apply for revised registration in accordance with Article 24 hereof.

In case general partner status is terminated according to Clause 1 of this Article and bailiff office is unable to accept new general partner bailiffs to maintain method of operation, within 6 months from the date on which general partner status is terminated, the bailiff office must convert from a partnership company to a sole proprietorship in accordance with Article 26 hereof.

Article 26. Conversion of bailiff office model

1. Bailiff offices that wish to convert from a sole proprietorship to a partnership and vice versa shall submit application to Departments of Justice where they register for operation in person or via post service. Application consists of:

a) Application for business structure conversion using form regulated by Ministry of Justice;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Certified true copies or copies accompanied by original copies of decision on assignment or reassignment of bailiff;

d) Original copies of decision permitting establishment of bailiff office.

2. Within 15 days from the date on which adequate application is received, Departments of Justice are responsible for appraising and requesting provincial People’s Committees to consider and decide to permit conversion of business structure of bailiff office; provide written response and state reason in case of refusal.

3. Within 15 days from the date on which request of Departments of Justice is received, provincial People’s Committees shall consider and issue decision permitting the establishment of bailiff offices; provide written response and state reason in case of refusal.

4. Within 15 days from the date on which decision permitting business structure conversion is received, bailiff office must register for operation at Departments of Justice that permit the conversion. Bailiff offices shall submit registration for operation to Departments of Justice in person or via post service. Registration consists of: Application using form regulated by Minister of Justice; certified true copies or copies accompanied by original copies of decision permitting business structure conversion and documents proving eligibility for operation of bailiff office in accordance with Point b Clause 1 of this Article.

Within 07 working days from the date on which adequate registration is received, Departments of Justice shall issue revised license to operate to bailiff offices; provide written response and state reason in case of refusal.

5. Within 7 working days from the date on which license to operate is issued to bailiff offices, Departments of Justice are responsible for notifying authorities under Article 23 hereof.

6. Bailiff offices are allowed to convert business structure from the date on which Departments of Justice issue license to operate while inheriting all rights, obligations, and assuming responsibilities for storing all documents of the previous bailiff offices.

Article 27. Acquisition and merger of bailiff offices

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. One or multiple bailiff offices can be acquired by another bailiff office located in the same province by transferring all assets, rights, obligations, and benefits to the acquiring bailiff office while terminating all acquired bailiff offices.

3. Merged or acquired bailiff offices according to Clause 1 and Clause 2 of this Article shall submit application to Departments of Justice where they are located. Application consists of:

a) Application for merger or acquisition of bailiff office using form regulated by Minister of Justice;

b) Merger or acquisition contract which contains: Name and address of merged or acquired bailiff offices; time of merger, acquisition; solutions for disposal of assets and use of employees of bailiff offices; the inheritance of rights, obligations, and benefits of bailiff offices and other relevant details;

c) Audited tax declaration and financial statement in the closest year of bailiff offices up the date of application for merger or acquisition;

d) Inventory records of professional documents and inventory records of available assets of merged, acquired bailiff offices;

dd) List of general partner bailiffs and bailiffs under employment contracts (if any) in bailiff offices;

e) Original copies of Decision permitting establishment and License to operate of bailiff offices.

Within 15 days from the date on which adequate application is received, Departments of Justice shall request provincial People’s Committees to consider and issue decision permitting the merger, acquisition of bailiff offices; provide written response and state reason in case of refusal.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Within 15 days from the date on which decision permitting merger, acquisition of bailiff offices is received, merged bailiff offices must register operation, acquiring bailiff offices must register changes to operation at Departments of Justice which grant permission for merger and acquisition. Bailiff offices shall submit registration for operation to Departments of Justice in person or via post service. Registration consists of: Registration or application for revision using form regulated by Minister of Justice; Decision permitting merger, acquisition; documents proving head office of bailiff offices, certified true copies or copies accompanied by original copies of decision on assignment, reassignment of bailiffs in bailiff offices.

Within 07 working days from the date on which adequate registration is received, Departments of Justice shall issue license to operate to merged or acquiring bailiff offices; provide written response and state reason in case of refusal.

5. Within 7 working days from the date on which license to operate is issued to bailiff offices, Departments of Justice are responsible for notifying authorities under Article 23 hereof.

6. While the merger, acquisition is being processed, bailiff offices continue to operate normally until new bailiff offices are licensed to operate by Departments of Justice.

Article 28. Transfer of bailiff offices

1. Bailiff offices can be transferred to other bailiffs which fulfill requirements under Clause 2 of this Article. Bailiff offices shall only be transferred after operating for at least 2 years from the date on which their license to operate is issued.

Bailiffs who have transferred bailiff offices are not allowed to establish new bailiff offices or join other bailiff offices for 5 years from the date of transfer but are allowed to practice as bailiffs under employment contracts.

2. Bailiffs receiving transfer of bailiff offices must meet the following requirements:

a) The bailiffs must guarantee to work for at least 2 years under the transferred bailiff offices and inherit rights and obligations of the transferred bailiff offices;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The bailiffs are not being temporarily suspended according to Clause 1 Article 12 hereof at the time of receiving the transferred bailiff offices.

3. Bailiff offices that wish to transfer shall submit application to Departments of Justice where they are registered for operation in person or via post service. Application consists of:

a) Application for transfer of bailiff office using form regulated by Minister of Justice;

b) Notarized transfer agreements using form regulated by Minister of Justice;

c) Inventory records of professional documents of transferred bailiff offices;

d) Certified true copies or copies accompanied by original copies of decision on assignment, re-assignment of bailiffs of bailiffs receiving transferred bailiff offices;

dd) Original copies of decision permitting establishment and license to operate of transferred bailiff offices;

e) Audited tax declaration and financial statement in the last 2 years of transferred bailiff offices;

g) Written commitment for details under Points a and b Clause 2 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Within 15 days from the date on which request sent by Departments of Justice is received, provincial People’s Committees shall consider and issue decision permitting the transfer;

4. Within 20 days from the date on which decision permitting the transfer is received, bailiff offices must apply for revised license to operate in accordance with Article 24 hereof.

Application for revision to license to operate consists of: Application using form regulated by Minister of Justice; Decision permitting the transfer of bailiff offices; documents proving fulfillment of tax obligations in transfer of bailiff offices; documents proving head office of the transferred bailiff offices (if head office is also changed), and application for bailiff practice of bailiffs according to Clause 1 Article 15 hereof.

Within 07 working days from the date on which adequate application is received, Departments of Justice shall issue license to operate to bailiff offices; provide written response and state reason in case of refusal.

5. Within 7 working days from the date on which license to operate is issued to bailiff offices, Departments of Justice are responsible for notifying authorities under Article 23 hereof.

6. While transfer procedures are being processed, transferred bailiff offices are allowed to operate normally until license to operate is re-issued.

Article 29. Suspension of bailiff office

1. A bailiff office shall be suspended when:

a) Director of the bailiff office which is established by a bailiff or all general partner bailiffs of the bailiff office are suspended from working as bailiffs; or

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Departments of Justice where bailiff offices are located shall issue decisions on suspension of bailiff office in cases under Clause 1 of this Article.

3. Suspension period shall not last longer than 12 months. During suspension period, the suspended bailiff office must pay unpaid tax, settle other debts, and fulfill obligations under contracts signed with employees; regarding signed service agreements that have not been adequately implemented, the bailiff office must terminate the agreements, unless otherwise agreed upon.

Documents shall remain in storage at suspended the bailiff office.

Article 30. Termination of bailiff office

1. A bailiff office shall be terminated when:

a) The bailiff office terminates voluntarily; or

b) Decision permitting establishment of the bailiff office is revoked according to Article 31 hereof; or

c) The bailiff office is merged or acquired.

2. In case of termination according to Point a Clause 1 of this Article, at least 30 days prior to the expected date of termination, the bailiff office must produce reports to Department of Justice where the bailiff office registers for operation. Prior to the date of termination, the bailiff office is responsible for paying unpaid tax, settling other debts, fulfilling procedures for terminating contracts signed with employees, and completing signed service agreements; if signed service agreements cannot be cannot be completed, the bailiff office must discuss the implementation of said contracts with the solicitors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. In case of termination according to Point b Clause 1 of this Article, within 7 working days from the date on which decision suspending decision permitting establishment, Department of Justice where the bailiff office is located is responsible for revoking license to operate of bailiff office, uploading information on termination of bailiff office on website of the Department of Justice, and notifying authorities under Article 23 hereof in writing.

Within 60 days from the date on which Decision permitting establishment is revoked, the bailiff office is responsible for paying unpaid tax, settling other debts, terminating employment contracts signed with employees; if signed service agreements cannot be cannot be adequately implemented, the bailiff office must terminate contracts. If the bailiff office fails to settle asset obligations by the end of this time limit or the bailiff office is terminated as a result of decision permitting establishment being revoked due to the fact that the director of bailiff office or all general partner bailiffs of the bailiff office are deceased or declared deceased by the court, assets of the bailiff office and general partner bailiffs shall be used to settle remaining debts of the bailiff office as per civil laws.

4. Documents stored by a bailiff office terminated according to Points a and b Clause 1 of this Article shall be dealt with as follows:

a) Documents on civil judgment enforcement shall be transferred to Department of Civil Judgment Enforcement where the bailiff office is located to store in accordance with regulations on storage of civil judgment enforcement documents. Regarding cases where enforcement is not complete, Department of Justice where the bailiff office is located is responsible for notifying and guiding solicitors to adopt procedures for transferring documents to civil judgment enforcement authority;

b) Bailiff’s reports and other relevant documents shall be transferred to Department of Justice where the bailiff is located for storage.

5. In case of termination in accordance with Point c Clause 1 of this Article, rights and obligations of the bailiff office shall be inherited by the merged or acquiring bailiff office.

6. Department of Justice is responsible for monitoring and requesting the bailiff office to carry out works.

Article 31. Revocation of Decision permitting establishment of bailiff office

1. A bailiff office shall have its Decision permitting establishment revoked when:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) The bailiff office has not started operation after 6 months from the date on which license to operate is issued; or

c) The bailiff office fails to operate for at least 12 consecutive months or fails to operate once the maximum suspension period under Clause 3 Article 29 hereof expires;

d) Director of the bailiff office established by 1 bailiff or all general partner bailiff of the bailiff office is removed, deceased, or declared deceased by a court without an eligible bailiff;

dd) The bailiff is met with an administrative penalty in form of revocation of license to operate for at least 6 months as per administrative penalty laws.

2. Departments of Justice are responsible for examining, reviewing, and requesting provincial People’s Committees to issue decision revoking Decision permitting establishment of bailiff office.

Chapter IV

ENTITLEMENT, SCOPE, AND PROCEDURES FOR WORK OF BAILIFF

Section 1. SERVING

Article 32. Entitlement and scope of serving of bailiff

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Documents of the court, People’s Procuracies, and civil judgment enforcement authorities;

b) Documents relating to judicial assistance in civil matters of foreign competent authorities.

2. Directors of bailiff offices may assign professional secretaries to serve, unless otherwise agreed that the serving must be done by the bailiffs.

3. Bailiff offices are responsible to solicitors for inadequate and untimely serving and must pay damages as per the law.

Article 33. Serving documents of the court, People’s Procuracies, and civil judgment enforcement authorities

1. Bailiffs shall serve documents of the courts, People’s Procuracies for civil cases and matters, administrative cases, civil matters in criminal cases and accusations, complaints; serve documents of provincial civil judgment enforcement where bailiff offices are located as per service of process agreements signed by bailiff offices and the courts, People’s Procuracies, and civil judgment enforcement authorities.

If bailiffs serve beyond the province or in islands, archipelagoes outside of districts where bailiff offices are located, bailiffs may reach an agreement with the courts, People’s Procuracies, and civil judgment enforcement authorities via case-by-case contracts.

2. Procedures for serving documents of the courts and People’s Procuracies shall conform to regulations and law on proceeding; procedures for serving documents of civil judgment enforcement authorities shall conform to regulations and law on civil judgment enforcement.

3. Service of legal process agreements shall be implemented in a manner where the courts, People's Procuracies, and civil judgment enforcement authorities transfer documents to be served to bailiff offices.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Quantity and types of documents handed to bailiffs for serving shall be recorded in writing and confirmed by the 2 parties.

4. Service of legal process agreements primarily contain: Type of documents to be served; duration of the contract; serving procedures; rights and obligations of the parties; serving costs.

Once service of legal process agreement is signed, the agreement shall be sent to the State Treasury where the court, People’s Procuracy, civil judgment enforcement authority opens the account in order to allow the State Treasury to supervise the payment of service fee to bailiff office.

5. Each court, People’s Procuracy, and civil judgment enforcement authority may enter into service of legal process agreement with one or many bailiff offices.

Article 34. Service of documents relating to judicial assistance in civil matters of foreign competent authorities

1. Ministry of Justice shall choose one or many bailiff offices to serve documents relating to judicial assistance in civil matters of foreign competent authorities.

2. Bailiff offices shall serve documents relating to judicial assistance in civil matters of competent authorities on a nationwide scale.

3. Minister of Justice shall elaborate the service mentioned under Clause 1 and Clause 2 of this Article and other relevant details.

Article 35. Return of service

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The bailiff must notify the service results or present proof of service to the court, People’s Procuracy, civil judgment enforcement authority, and other solicitors in 2 working days from the date on which the service is affected unless otherwise agreed upon by the parties.

Service results must be recorded in service logbook produced using form regulated by the Minister of Justice.

Section 2. PRODUCING BAILIFF'S REPORTS

Article 36. Entitlement to produce bailiff’s report, scope and legitimacy of bailiff's report

1. Bailiffs shall produce report to record actual state of affairs at request of agencies, organizations, and individuals in Vietnam, except for cases under Article 37 hereof.

2. Bailiff's reports do not replace other notary documents, certifying documents, or other administrative documents.

3. Bailiff’s reports serve as evidence reviewed by the court to resolve civil, administrative cases and matters as per the law; as the prelude to conduct transactions between agencies, organizations, and individuals as per the law.

4. If evidential value of bailiff’s reports are reviewed and deemed necessary during assessment, People’s Court and/or People’s Procuracy can summon bailiffs, other agencies, organizations, and individuals to verify the bailiff’s reports. Summoned bailiffs, other agencies, organizations, and individuals must present at the summoning courts, People’s Procuracies.

Article 37. Cases in which bailiff’s reports are not produced

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Violation of regulations on national security and defense, including: Violating national security and defense targets; disclosing classified information, spreading news, materials, items considered classified items; violating regulations on entering, exiting, or moving in restricted areas, protected areas, safety perimeters of national defense and security structures, and military zones; violating regulations on protecting classified information, national defense and security structures and military zones.

3. Violation of private lives, personal secrets, family secrets according to Article 38 of the Civil Code; contradiction to social morals.

4. Verification of details, signing in contracts or transactions which belong to notary or certification field as regulated by the law; verification of adequacy, legitimacy, adherence to social morals of documents translated from Vietnamese to foreign languages and vice versa; verification of signatures, certification of copies from original copies.

5. Acknowledgement of events, affairs in order to transfer use right, ownership of land and/or assets that lack certificate of use right, ownership as per the law.

6. Acknowledgement of events, affairs in order to conduct illegal transactions of solicitors.

7. Acknowledgement of events, affairs of officials, public officials, commissioned officers, non-commissioned officers, employees, public employees in agencies, entities affiliated to the People’s Army, commissioned officers, non-commissioned officers in agencies, entities affiliated to the People’s Public Security in the performance of their duty.

8. Acknowledgement of events, affairs without witnessing said events, affairs personally.

9. Other cases according to regulations and law.

Article 38. Agreement on production of bailiff’s report

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Details of bailiff’s report;

b) Location and time of producing bailiff’s report;

c) Cost for producing bailiff’s report;

d) Other agreements (if any).

2. The agreement on producing bailiff’s report must be made into 2 copies each of which will be held by a party.

Article 39. Procedures for producing bailiff’s report

1. A bailiff must witness, produce bailiff’s report, and be responsible to the solicitor and the law for his/her bailiff’s report. Events and affairs recorded in bailiff’s reports must be objective and truthful. If necessary, a bailiff has the right to invite a witness to attest to the production of bailiff’s report.

The solicitor must adequately provide information and documents relating to the production of bailiff's report (if any) and be responsible for accuracy and legitimacy of provided information and documents.

When producing bailiff’s report, the bailiff must explain legitimacy of the bailiff's report to the solicitor. The solicitor must append signature or fingerprints in bailiff’s report.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Bailiff’s report must be sent to solicitor and stored at bailiff office in accordance with regulations and law on archive similar to notary documents.

4. Within 3 working days from the date on which bailiff’s report is produced, the bailiff office must send the bailiff’s report and documentary evidence (if any) to the Department of Justice where the bailiff office is located. Within 2 working days from the date on which bailiff’s report is received, the Department of Justice must record in the bailiff’s report registry.

Departments of Justice shall develop database on bailiff’s report; register and manage database on bailiff’s report according to guidance of Ministry of Justice.

Article 40. Format and basic details of bailiff’s report

1. Bailiff’s report shall be made in Vietnamese language and contain the following basic details:

a) Name and address of bailiff office; full name of bailiff who produces bailiff’s report;

b) Location and time of producing bailiff’s report;

c) Full name and address of individual soliciting bailiff’s report;

d) Full name of other participants (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) Guarantee of bailiff regarding adequacy and objectivity in production of bailiff’s report;

g) Signatures of bailiff, seal of bailiff office, seal or fingerprints of solicitors, other participants (if any) and persons whose affairs are made into bailiff’s report (if they demand so).

Bailiff’s reports that have 2 or more pages must be numbered individually and bear adjoining seals; number of original copies of each bailiff's report shall be agreed upon by the parties.

2. Bailiff’s reports can be accompanied by documentary evidence; documentary evidence produced by bailiffs must conform to entitlement and scope mentioned under Clause 1 Article 36 hereof.

3. Minister of Justice shall elaborate bailiff’s report form.

Article 41. Technical correction to bailiff’s report

1. In case technical errors occur while recording, typing, or printing bailiff’s report but do not affect accuracy of events, affairs for which the bailiff’s report is produced, the bailiff is responsible for correcting the error. Technical corrections to bailiff’s report shall be made at the bailiff office that produces the bailiff.

2. Bailiff who corrects technical errors is responsible for checking the error, underlining the error, writing the corrections on the side together with his/her signatures, and applying seal of the bailiff office.

3. If bailiff’s report has been sent to solicitor and Department of Justice, bailiff office must send corrected bailiff’s report to the solicitor and Department of Justice.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Copies of bailiff’s reports whose original copies are kept by bailiff office shall be issued:

a) At written request of competent authorities regarding provision of bailiff’s documents to serve supervision, examination, inspection, investigation, prosecution, and judgment enforcement in matters of which bailiff report is produced; or

b) At request of persons requesting bailiff’s report, and persons with rights and obligations related to the produced bailiff's report.

2. Persons requesting copies of bailiff’s report mentioned under Point b Clause 1 of this Article must incur a fee of 5000 VND per page for the first 2 pages and 3000 VND for subsequent pages.

Section 3. VERIFYING CONDITIONS FOR CIVIL JUDGMENT ENFORCEMENT

Article 43. Entitlement and area for verifying conditions for judgment enforcement

1. Bailiffs have the right to verify conditions for judgment enforcement if the case is within competence of provincial civil judgment enforcement authorities where the bailiff office is located.

2. When verifying conditions for judgment enforcement, bailiff has the right to do so beyond the province where the bailiff office is located.

Article 44. Agreements on verification of conditions for judgment enforcement

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. An agreement on verification of conditions for judgment enforcement between solicitor and bailiff office shall be signed as a service contract which covers:

a) Details to be verified, which specify request for verifying assets, income, or conditions for judgment enforcement of judgment debtors;

b) Time for verification;

c) Rights and obligations of the parties;

d) Costs for verification;

dd) Other agreements (if any).

3. When reaching an agreement with bailiff office regarding verification of conditions for judgment enforcement, the litigant must provide judgment, decision of the court, and other relevant documents (if any); persons with rights and obligations related to judgment enforcement must provide documents proving rights, obligations related to the execution of rights and obligations to enforce judgment of the litigants.

Article 45. Procedures for verifying conditions for judgment enforcement

1. Within 3 working days from the date on which service agreement is signed, director of bailiff office must issue decision verifying conditions for judgment enforcement, unless otherwise agreed upon by the parties. Decision on verification must specify the basis, verification details, and be written in the log of verification of judgment enforcement conditions using form regulated by Minister of Justice.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Verification of conditions for judgment enforcement shall be carried out in person or via documents requesting agencies, organizations, and individuals to provide information.

3. In case of verification in person, bailiff shall present letter of introduction of bailiff office, bailiff card, and relevant documents according to Point a Clause 4 of this Article, present decision on verification or decision on judgment enforcement if the bailiff office organizes judgment enforcement, and record the verification process. The record must bear signature of the bailiff, information providers, and confirmation of agencies, organizations, and individuals that provide information. If provision of information cannot be carried out immediately, state the reason in the record. The record shall be made into 2 copies; each party shall keep 1 copy.

If necessary, bailiff has the right to invite specialized authorities or experts to help with verification details.

4. In case of verification in form of documents, the documents requesting information must contain:

a) The basis for requesting information, including: Name of legally effective judgment, decision; Decision on verification, copies of written agreement on verification of conditions for judgment enforcement; Decision on judgment enforcement if the bailiff office organizes judgment enforcement;

b) Information on judgment debtors, including: Name and head office address of organization judgment debtors; full name and residence address of individual judgment debtors, and other necessary information;

c) Requested information within competence of bailiff according to this Decree;

d) Time and deadline for information provision;

dd) Other relevant information.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Other regulations in civil judgment enforcement also apply to verification of conditions for judgment enforcement of bailiff.

Article 46. Withholding of information

1. Agencies, organizations, and individuals have the right to withhold information when:

a) The case is not within the bailiff’s competence to verify;

b) Agencies, organizations, and individuals whose information is requested do not have obligations to enforce judgment under bailiff’s competence to verify;

c) Written request for information does not contain sufficient documents in accordance with Article 45 hereof;

d) Requested information, documents are considered classified information in accordance with relevant law provisions.

2. Agencies, organizations, and individuals that choose to withhold information must respond and state reason in writing.

Article 47. Confidentiality of information verifying conditions for judgment enforcement

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Bailiffs, bailiff offices, solicitors, relevant agencies, organizations, and individuals are responsible for ensuring confidentiality of provided information.

3. Agencies, organizations, and individuals committing violations under Clause 1 and Clause 2 of this Article shall be met with administrative penalties or criminal prosecution, mandated compensation (if any) as per the law depending on nature and severity of the violations.

Article 48. Use of verification results of conditions for judgment enforcement

1. Judgment creditors, persons with relevant rights and obligations have the right to use verification results of conditions for judgment enforcement of bailiffs to demand judgment enforcement or protect legal rights. Civil judgment enforcement authorities and bailiff offices entitled to enforce judgment shall rely on verification results to organize judgment enforcement.

2. If there are grounds indicating that verification results are not objective or accurate, civil judgment enforcement authorities and bailiff office have the right to not use the results as long as they respond and state the reason in writing.

Article 49. Entrusting verification of conditions for judgment enforcement

1. Bailiff office can entrust tasks under service agreement for verification of conditions for judgment enforcement to another bailiff office in part or in whole only if the solicitor agrees.

2. The entrusting between bailiff offices must be recorded in writing and cover: Information on bailiff offices; information on persons requesting verification, verified details as per signed service agreement; entrusting details, implemented details (if any), verified details, entrusting fees, and other agreements (if any).

People’s Procuracies of districts where the entrusting bailiff office and entrusted bailiff office are located must be notified of the entrusting in writing as per the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 50. Cooperation of relevant agencies, organizations, and individuals in verifying conditions for judgment enforcement

1. Legal - civil status, cadastral - construction - urban and environment officials, other commune-level public officials, social insurance authorities, credit institutions, land registration authorities, secured transaction registration authority, notary organizations, and other individuals, organizations, agencies holding information or managing assets, accounts of judgment debtors shall cooperate and assist bailiffs in verifying conditions for judgment enforcement; providing information on conditions for judgment enforcement of judgment debtors and be responsible for provided information.

2. Agencies, organizations, and individuals holding information or managing assets, accounts of judgment debtors shall sign the record when bailiffs verify in person or provide information in writing at request of bailiffs within 5 working days from the date on which they receive the request, or provide written response and state reason in case of rejection.

Documents providing information must cover: Date of information provision; provided information within competence of bailiffs according to this Decree.

3. If organizations, agencies, or individuals provide false information regarding conditions for judgment enforcement of judgment debtors, they must be legally responsible, settle all incurred costs, and pay damages (if any) as per the law.

Section 4. ENFORCEMENT OF JUDGMENTS, DECISIONS AT REQUEST OF LITIGANT

Article 51. Entitlement to organize judgment enforcement of bailiff

1. Bailiffs have the right to organize judgment enforcement at request of litigants for the following judgments, decisions:

a) First-instance judgments, decisions that have entered into effect of People’s Courts of districts, district-level towns and equivalent (hereinafter referred to as “district-level People’s Courts”); first-instance judgments, decisions that have entered into effect of provincial People’s Courts where bailiff offices are located;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Decision on cassation, retrial of the High-level People's Courts for judgments, decisions that have entered into effect of district-level People’s Courts, provincial People’s Courts where bailiff offices are located.

2. Bailiffs shall not organize enforcement of judgments, decisions which are under the authority of directors of civil judgment enforcement authorities in accordance with Clause 2 Article 346 of the Law on Civil Judgment Enforcement.

Article 52. Tasks and powers to organize judgment enforcement of bailiffs

1. When organizing judgment enforcement, bailiffs have the tasks and powers to:

a) Promptly and adequately implement decisions on judgment enforcement promulgated by directors of civil judgment enforcement authorities at request of directors of bailiff offices; adequately adopt regulations on procedures enforcing judgments, ensuring state benefits, legal rights and benefits of litigants and persons with relevant rights, obligations;

b) Invite litigants and persons with relevant rights and obligations to resolve judgment enforcement;

c) Request heads of civil judgment enforcement authority to consider and amend promulgated decision on judgment enforcement at request of directors of bailiff offices;

d) Verify conditions for judgment enforcement of judgment debtors; request relevant agencies, organizations, and individuals to cooperate in providing information and documents in order to verify address and assets of judgment debtors.

2. When organizing judgment enforcement, bailiffs are not allowed to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Use combat gears while performing duty in accordance with Clause 9 Article 20 of the Law on Civil Judgment Enforcement;

c) Impose administrative penalties;

d) Request the Court to determine, classify, and handle common property for judgment enforcement in accordance with Article 74 of the Law on Civil Judgment Enforcement;

dd) Request the court to declare void transactions in accordance with Clause 2 Article 75 of the Law on Civil Judgment Enforcement;

e) Request the court to identify persons with ownership, the right to use assets, documents; determine ownership, the right to use assets to enforce judgments, settle asset disputes; dispose papers, transactions relating to assets; settle disputes regarding asset auction results in accordance with Clause 4 Article 68, Clause 3 Article 69 and Clause 2 Article 102 of the Law on Civil Judgment Enforcement.

Article 53. The right to request judgment enforcement

1. Given the same request and at the same time, a solicitor only has the right to request one bailiff office or one civil judgment enforcement to organize judgment enforcement.

2. If a judgment creditor benefits from multiple clauses in the same judgment or decision enforced by a person with obligations, a judgment creditor only has the right to request a civil judgment enforcement authority or a bailiff office to organize implementation at any given time. If clauses are implemented by multiple people with obligations, the judgment creditor has the right to request civil judgment enforcement authority, bailiff office to implement each clause separately.

If some judgment creditors request a civil judgment enforcement authority to organize implementation of the same judgment or decision and some judgment creditors request a bailiff office to organize implementation of that same judgment or decision, the civil judgment enforcement authority and bailiff office shall cooperate in implementation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 54. Agreement on organizing judgment enforcement

1. Agreement on organizing judgment enforcement between persons requesting judgment enforcement and bailiff offices shall be expressed as service contracts which contain:

a) Date of judgment enforcement request;

b) Clauses requested for implementation together with the judgment, decision;

c) Responsibilities of bailiff offices in implementation of request for judgment enforcement as entrusted;

d) Costs and payment methods;

dd) Other agreements (if any).

The contract shall be made into 2 copies, each of which is kept by a party.

2. After signing the contract, bailiff office must log in the judgment enforcement record prepared using form regulated by Minister of Justice.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Within 5 working days from the date on which the service contract is signed, director of bailiff office shall request director of Sub-department of Civil Judgment Enforcement or director of Department of Civil Judgment Enforcement where the bailiff office is based in writing to issue decision on judgment enforcement based on the service contract and entitlement to enforce judgments under Article 35 of the Law on Civil Judgment Enforcement. The written request must be accompanied by the request for judgment enforcement as entrusted, the enforced judgment, decision according to the Law on Civil Judgment Enforcement, and relevant documents.

2. Within 5 working days from the date on which written request of director of bailiff office is received, director of civil judgment enforcement authority must review and issue decision on judgment enforcement; or provide written response and state reason in case of rejection.

3. Decision on judgment enforcement shall contain:

a) Full name and title of the person issuing the decision;

b) Date of issue, name of agency or organization that issues the decision;

c) Name and address of judgment creditor(s);

d) Name and address of judgment debtor(s);

dd) Name and address of bailiff office that organizes judgment enforcement;

e) Tasks carried out by bailiff in order to organize judgment enforcement;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Decision on judgment enforcement must be logged in the judgment enforcement record which uses form regulated by Ministry of Justice.

4. Tasks carried out by bailiff in order to organize judgment enforcement in accordance with Point e Clause 3 of this Article include:

a) Verifying conditions for judgment enforcement;

b) Organizing judgment enforcement;

c) Reaching an agreement on judgment enforcement;

d) Paying judgment enforcement fee.

5. Within 2 working days from the date on which decision on judgment enforcement of director civil judgment enforcement authority is received, the bailiff office that requested shall send the decision on judgment enforcement to judgment debtors and creditors, district-level People’s Procuracy (if the case is within competence of district-level judgment enforcement authority) or provincial People’s Procuracy (if the case is within competence of provincial judgment enforcement authority) where the bailiff office is based in.

6. Heads of civil judgment enforcement authority are legally responsible to litigants and persons with relevant rights and benefits for their decision to issue or not issue decision on judgment enforcement at request of director of bailiff office.

The bailiff is legally responsible to litigants and persons with relevant rights and benefits for requesting issuance of decision on judgment enforcement and organizing implementation of decision on judgment enforcement of director of civil judgment enforcement authority.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 56. General judgment enforcement procedures of bailiff

1. Bailiff shall adopt judgment enforcement procedures in accordance with this Decree and civil judgment enforcement laws.

2. Handle situations in which a case is transferred from a civil judgment enforcement authority to a bailiff office and vice versa:

a) Regarding cases that were organized for implementation by civil judgment enforcement authorities after which point the litigants request suspension of judgment enforcement in order to allow bailiff offices to organize implementation, the litigants do not have the right to request civil judgment enforcement authorities to continue implementation of clauses that have been suspended by decisions of judgment enforcement authorities;

b) Regarding cases that were organized for implementation by bailiff offices after which point the litigants request suspension of judgment enforcement and terminate contracts signed with bailiff offices, judgment creditors can request civil judgment enforcement authorities and other competent bailiff offices to organize further implementation, except for cases mentioned under Point a of this Clause;

c) New request for judgment enforcement of the litigants must specify previous enforcement results, request for further enforcement, and information and documents related to the request. Legitimate procedures and implementation results of previous judgment shall remain legitimate, usable, be acknowledged, and used as the prelude to further judgment enforcement.

Article 57. Termination of judgment enforcement of bailiff

Bailiffs shall terminate judgment enforcement and notify the termination to Sub-departments of Civil Judgment Enforcement or Departments of Civil Judgment Enforcement which previously issued decision on judgment enforcement when:

1. The enforcement naturally ends according to civil judgment enforcement laws;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Security interests or coercive judgment enforcement is required according to the Law on Civil Judgment Enforcement;

4. Conditions for judgment enforcement occur outside of provinces where bailiff offices of the bailiffs in charge of judgment enforcement are based in;

5. The judgment creditors do not request the court to determine property ownership, land use right of judgment debtors among the common properties in accordance with Clause 1 Article 74 of the Law on Civil Judgment Enforcement in 15 days from the date on which the judgment creditors receive the notice and the judgment debtors have no other properties;

6. The judgment creditors do not request the court to declare property-related transactions null in accordance with Clause 2 Article 75 of the Law on Civil Judgment Enforcement in 15 days from the date on which the judgment creditors receive the notice and the judgment debtors have no other properties;

7. Cases in which the court must be requested to determine persons with ownership, use right of properties, papers; determine ownership, use right of properties to enforce judgment, settle property disputes; request cancellation of property-related documents, transactions; settle disputes regarding property in accordance with Clause 4 Article 68, Clause 3 Article 69, and Clause 2 Article 102 of the Law on Civil Judgment Enforcement occur and the judgment debtors have no other properties.

Article 58. Legal consequences when terminating judgment enforcement

1. Upon termination of judgment enforcement, bailiff offices and persons must finalize service contracts for judgment enforcement. During finalization of contracts and settlement of arising issues, the parties shall request the court to settle any arising disputes as per the law;

Regarding unclaimed money and properties, bailiff offices shall take actions in accordance with the Law on Civil Judgment Enforcement and civil laws regarding unclaimed properties.

Regarding unfinished cases, the litigants have the right to request further judgment enforcement in accordance with Article 53 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Promulgate decisions or request competent authorities to promulgate decision to revoke decisions, notices, and documents regarding enforcement of unfinished judgments;

b) Transfer all judgment enforcement documents to civil judgment enforcement authorities entitled to organize judgment enforcement in accordance with the Law on Civil Judgment Enforcement;

c) Inform the litigants about document transfer in writing and inform persons requesting judgment enforcement in writing that they have the right to request civil judgment enforcement authorities to organize judgment enforcement in accordance with civil judgment enforcement laws.

3. In case of termination under Article 57 hereof, prior to contract finalization, directors of bailiff offices must inform district-level People’s Procuracies (if said cases are within competence of district-level judgment enforcement authorities) or provincial People’s Procuracies (if said cases are within competence of provincial judgment enforcement authorities) where bailiff offices are based in in writing about termination of judgment enforcement and transfer of documents to civil judgment enforcement authorities.

4. Civil judgment enforcement authorities have the responsibilities to:

a) Receive judgment enforcement documents sent by bailiff offices;

b) Receive request for judgment enforcement from litigants, issue decision on judgment enforcement, and assign enforcers to organize enforcement, except for cases under Point a Clause 2 Article 56 hereof;

c) Recognize and use previous judgment enforcement results produced by bailiffs when the case is continued if these results do not violate the law.

Article 59. Payment of judgment enforcement fee

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Civil judgment enforcement authorities and bailiff offices must cooperate in paying judgment enforcement fee in case judgment debtors must carry out multiple obligations enforced by civil judgment enforcement authorities and bailiff offices simultaneously.

Article 60. Responsibilities of agencies in judgment enforcement

1. Civil judgment enforcement authorities have following responsibilities:

a) Sub-departments of Civil Judgment Enforcement Authorities, Departments of Civil Judgment are responsible for promulgating decisions on judgment enforcement at request of bailiff offices; transferring decisions on judgment enforcement to requesting bailiff offices within 2 working days from the date on which the decisions are issued.

Departments of Civil Judgment Enforcement where bailiff offices are located are responsible for assisting judgment enforcement carried out, guiding the cooperation in judgment enforcement between Sub-departments of Civil Judgment Enforcement and bailiff offices and between local bailiff offices;

b) Sub-departments of Civil Judgment Enforcement Authorities, Departments of Civil Judgment Enforcement are responsible for cooperating with bailiff offices in verifying conditions for judgment enforcement and paying judgment enforcement fee as per the law.

2. Social insurance authorities, State Treasury, and credit institutions shall cooperate in providing information and assisting bailiff offices, bailiff offices in verifying conditions for judgment enforcement in accordance with this Decree and civil judgment enforcement laws.

3. Property registration authorities, secured transactions registration authorities have the responsibilities to:

a) Register property ownership, land use right for persons purchasing properties, judgment creditors receiving properties in order to offset against the amount receivable by judgment creditors;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 5. PAYMENT FOR BAILIFFS’ PERFORMANCE

Article 61. Payment for bailiffs’ performance

Payment for bailiff’s performance must be recorded in the contract between the bailiff office and solicitor.

Article 62. Payment for service of documents of the court, People’s Procuracies, and civil judgment enforcement authorities

1. Payment for service of documents of the court, People’s Procuracies, and civil judgment enforcement authorities shall be agreed upon by the court, People’s Procuracies, civil judgment enforcement authorities and bailiff offices via contracts according to Clause 3 Article 33 hereof on the basis of payments specified under Clause 2 of this Article.

2. Payment for service is regulated as follows:

a) At least 65.000 VND/matter and up to 130.000 VND/matter, except for cases specified under Point b of this Clause;

b) In case documents are served outside of provinces or in islands, archipelagoes outside of districts where bailiff offices are located, court, People’s Procuracies, and civil judgment enforcement authorities shall reach an agreement with bailiff offices regarding service costs, including: Additional costs without exceeding working allowance policies in accordance with regulations and law applicable to state authorities and public service providers; wages based on working days of persons serving documents without exceeding minimum wages of employees working at state authorities and public service providers.

Service payment mentioned under this Clause includes public posting in case bailiffs cannot serve the documents directly and must publicly post the documents as per proceeding laws and civil judgment enforcement laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Payment shall be made on a monthly basis. Bailiff offices are responsible for issuing and transferring invoice to courts, People’s Procuracies, and civil judgment enforcement authorities. Within 5 working days from the date on which invoice and legitimate instruments are received, the aforementioned entities are responsible for completing payment procedures and documents by transferring payment to State Treasury in order to control service payment for bailiff offices;

b) Regarding instances of service where the litigants must incur the payment as per the law, courts, People’s Procuracies, and civil judgment enforcement authorities shall collect and transfer the payment to bailiff offices. Regarding instances of service where the state budget incurs the payment as per the law, the courts, People’s Procuracies, and civil judgment enforcement authorities shall transfer to bailiff offices;

c) If payments made by the litigants have not been collected in accordance with Point a of this Clause, civil judgment enforcement authorities shall pay bailiff offices in advance using expenditure estimates assigned by competent authorities in accordance with regulations and law on state budget. Civil judgment enforcement authorities are responsible for expediting service payment made by the litigants in order to return to state budget;

d) When serving documents of civil judgment enforcement authorities, if the case is then entrusted, the civil judgment enforcement authorities that transferred documents to bailiff for service must incur payment for implemented document service. If service payment to be incurred by the litigants has not been collected, the entrusting civil judgment enforcement authorities must request entrusted civil judgment enforcement authorities in writing to collect service payment from the litigants;

dd) State Treasury shall control service payment as per the law.

4. On an annual basis, based on workload of the previous year, payment mentioned under this Article, and expected workload of the planning year, the courts, People’s Procuracies, and civil judgment enforcement authorities shall produce estimates of service payment in order to consolidate together with their budget estimates and submit to superior in accordance with state budget laws and separate into 2 sections:

a) Service payment incurred by the state budget;

b) Advance service payment in case of service payment incurred by the litigants.

Article 63. Payment for service of documents relating to judicial assistance in civil matters of foreign competent authorities

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 64. Costs for producing bailiff’s report and verifying conditions for judgment enforcement

1. Costs for producing bailiff’s report and verifying conditions for judgment enforcement shall be agreed upon for work piece or working hour.

2. Bailiff offices must regulate and publicly post costs for producing bailiff’s reports and verifying conditions for judgment enforcement, specifically the maximum costs, the minimum costs and calculation methods.

On the basis of publicly posted costs, solicitors and bailiff offices may reach additional agreements on costs based on work piece or working hour and other costs, including: Travel costs; service fees for agencies providing information; costs for witnesses, participants, or other costs (if any).

3. In case the bailiff office that organizes judgment enforcement must perform verification, verification costs shall be agreed upon by the bailiff and solicitor in accordance with Clause 2 of this Article or included in civil judgment enforcement costs in accordance with Article 65 hereof.

Article 65. Civil judgment enforcement costs

When organizing judgment enforcement, bailiff offices can charge civil judgment enforcement costs regulated by regulations and law on fees and charges. For complicated cases, bailiff offices and solicitors can reach an agreement on costs for the whole case.

Chapter V

CARRYING OUT STATE MANAGEMENT, HANDLING VIOLATIONS, RESOLVING COMPLAINTS, ACCUSATIONS, DISPUTES, AND CONTROLING OPERATION OF BAILIFFS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The Government shall carry out joint state management regarding bailiff.

2. The Ministry of Justice shall be responsible to the Government and Prime Minister for carrying out state management of bailiff and have the tasks and powers to:

a) promulgate or request competent authorities to promulgate legislative documents on bailiff; and

b) provide professional guidance, inspect, and investigate bailiff; and

c) provide bailiff training and refresher training; and

d) issue code of professional ethics of bailiff; and

dd) assign, reassign, and remove bailiff; and

e) settle disputes and accusations regarding bailiff as per the law; and

g) carry out other tasks and powers according to this Decree and relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Minister of Public Security is responsible for guiding detention centers to collect money and properties payable by judgment debtors when the judgment debtors are serving prison sentences.

2. Minister of Finance is responsible for guiding the State Treasury, social insurance authorities, tax authorities, and affiliated entities to cooperate with bailiffs in verifying conditions for judgment enforcement and organizing judgment enforcement in accordance with this Decree and relevant laws; guiding financial regulations under this Decree.

Article 68. Responsibilities of provincial People’s Committees

1. Provincial People’s Committees carrying out state management regarding bailiff in their provinces and cities have the tasks and powers to:

a) manage operation of bailiff in their provinces and cities; publicize and disseminate bailiff’s operation; and

b) approve the Scheme for development of bailiff office in their provinces and cities; and

c) permit the establishment, conversion, merger, acquisition, ownership transfer, and termination of bailiff office operation; and

d) inspect, investigate, settle disputes and accusations regarding bailiff as per the law; and

dd) carry out other tasks and powers according to this Decree and relevant law provisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) verify information in documents on assignment, removal of bailiffs at request of Ministry of Justice; register operation, issue, re-issue, and revoke bailiff card; promulgate decision on suspension of bailiff operation; and

b) take charge and cooperate with departments and local governments in developing Scheme for development of bailiff office in their provinces and cities and request provincial People’s Committees to approve; and

c) receive, appraise application, and request provincial People's Committees to permit establishment, conversion, merger, acquisition, ownership transfer, and termination of bailiff office; and

d) issue and revoke license to operate bailiff office; issue decision on suspension of bailiff office; and

dd) develop database on bailiff’s report in accordance with Clause 4 Article 39 hereof; and

e) inspect, investigate, settle disputes and accusations regarding bailiff as per the law; and

g) submit reports on organization and operation of bailiff to Ministry of Justice and provincial People's Committees in accordance with this Decree and relevant law provisions; and

h) carry out other tasks in accordance with this Decree and relevant law provisions and at request of Ministry of Justice, provincial People’s Committees.

Article 69. Handling violations

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Bailiff offices that violate this Decree shall be met with administrative penalties and mandated to pay damages (if any) as per the law.

3. Bailiff solicitors who provide false information, documents, fabricated documents, illegal documents, or commit other fraud shall be met with administrative penalties or criminal prosecution and mandated to pay damages (if any) as per the law depending on the nature and severity of the violations.

4. Persons with powers and positions who violate legal rights and benefits of bailiffs, bailiff offices or obstruct the performance of rights, obligations of bailiffs or bailiff offices shall be met with disciplinary actions or criminal prosecution and mandated to pay damages (if any) as per the law.

5. Individuals who work as bailiff in any shape or form despite being ineligible for doing so must cease the violation, be met with administrative penalties or criminal prosecution, and mandated to pay damages (if any) as per the law.

Organizations which work as bailiff in any shape or form despite being ineligible for doing so must cease the violation, be met with administrative penalties, and mandated to pay damages (if any) as per the law.

Article 70. Resolving complains

1. Resolution of complaints regarding assignment, reassignment, and removal of bailiffs; registration for operation and issuance of bailiff cards; suspension from bailiff operation; establishment, registration for operation, conversion, merger, acquisition, ownership transfer, suspension, and termination of bailiff offices shall be implemented in accordance with regulations and law on complaints.

2. Resolution of complaints regarding service of process of the courts and People’s Procuracies shall be implemented in accordance with proceeding laws.

3. Resolution of complaints regarding civil judgment enforcement in accordance with Law on Civil Judgment Enforcement shall be implemented as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



If individuals entitled to issue decision on judgment enforcement are directors of Sub-departments of Civil Judgment Enforcement, directors of Departments of Civil Judgment Enforcement shall resolve complaints initially within 30 days from the date on which they receive the complaints. If persons filing the complaints do not agree with decision on resolution issued by directors of Departments Civil Judgment Enforcement, they have the right to file the complaints to General Director of the General Department of Civil Judgment Enforcement. The General Director of the General Department of Civil Judgment Enforcement shall issue decision on complaint resolution within 45 days from the date on which they receive the complaints. Decision on complaint resolution issued by the General Director of the General Department of Civil Judgment Enforcement comes into effect;

If individuals entitled to issue decision on judgment enforcement are directors of Departments of Civil Judgment Enforcement, the General Director of the General Department of Civil Judgment Enforcement shall resolve complaints initially within 30 days from the date on which they receive the complaints. If the persons filing the complaints do not agree with decision of the General Director of the General Department of Civil Judgment Enforcement, they have the right to file the complaints to Minister of Justice. Minister of Justice shall issue decision on complaint resolution within 45 days from the date on which they receive the complaints. The decision on complaint resolution issued by Minister of Justice will then enter into force;

b) File a complaint about actions of directors of bailiff offices, bailiffs:

Regarding cases under entitlement of directors of Sub-departments of Civil Judgment Enforcement to issue decision on judgment enforcement in accordance with Article 55 hereof, the directors of Sub-departments shall handle initial complaints about actions of directors of bailiffs and bailiffs within 30 days from the date on which they receive the complaints. If persons filing the complaints do not agree with decision on resolution issued by directors of Sub-departments Civil Judgment Enforcement, they have the right to file the complaints to directors of Departments of Civil Judgment Enforcement. Directors of Departments of Civil Judgment Enforcement shall issue decision on complaint resolution within 45 days from the date on which they receive the complaints. Decision on complaint resolution issued by directors of Departments of Civil Judgment Enforcement will then come into effect;

Regarding cases under entitlement of directors of Departments of Civil Judgment Enforcement to issue decision on judgment enforcement in accordance with Article 55 hereof, the directors of Departments shall handle initial complaints about actions of directors of bailiffs and bailiffs within 30 days from the date on which they receive the complaints. If persons filing the complaints do not agree with decision on resolution issued by directors of Departments Civil Judgment Enforcement, they have the right to file the complaints to General Director of the General Department of Civil Judgment Enforcement. The General Director of the General Department of Civil Judgment Enforcement shall issue decision on complaint resolution within 45 days from the date on which they receive the complaints. Decision on complaint resolution issued by the General Director of the General Department of Civil Judgment Enforcement comes into effect;

If the case takes place in remote or rural areas where travel is difficult, the deadline for resolving complaints can be extended up to 60 days;

c) If necessary, Minister of Justice has the right to reconsider decision on complaint resolution that has entered into force.

Article 71. Resolving accusations

Accusations and resolution thereof in bailiff operation shall conform to regulations and law on accusations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Disputes regarding contract execution and non-contractual damages relating to the performance of bailiff shall be resolved by competent authorities in accordance with civil and civil proceeding laws.

2. Regarding disputes over issuance of bailiff’s report, the parties have the rights to file a lawsuit and request the court to resolve.

Article 73. Controlling operation of bailiff

Service of process of the courts, People’s Procuracies, and civil judgment enforcement authorities, verification of conditions for judgment enforcement, and organization of judgment enforcement of bailiffs shall be controlled by the People’s Procuracies in accordance with the Law on People’s Procuracy, proceeding laws, civil judgment enforcement laws, this Decree, and relevant laws.

Chapter VI

ENTRY INTO FORCE AND TRANSITION CLAUSES

Article 74. Entry into force and transition clauses

1. This Decree comes into force from February 24, 2020.

2. Decree No. 61/2009/ND-CP dated July 24, 2009 of the Government and Decree No. 135/2013/ND-CP dated October 18, 2013 of the Government shall expire from the effective date hereof, except for cases under Clause 4 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Regulations on eligibility for bailiff under Decree No. 61/2009/ND-CP dated July 24, 2009 and Decree No. 135/2013/ND-CP dated October 18, 2013 of the Government shall continue to apply for 1 year from the effective date hereof.

5. Bailiffs assigned before the effective date here and wishing to change location of operation, bailiff offices where the bailiffs wish to transfer to shall register operation and issue bailiff cards to the bailiffs in accordance with Article 15 hereof.

6. Persons removed from holding bailiff positions on their own volition before the effective date hereof shall be considered for reassigned in accordance with Clause 1 and Clause 4 Article 14 hereof.

7. Regarding cases that bailiff offices have accepted but not fully resolved before the effective hereof, procedures that been implemented in accordance with the law shall be acknowledged while remaining procedures shall be implemented in accordance with this Decree.

8. Regarding civil cases that bailiff offices have accepted but not fully resolved before the effective date hereof at which point cases under Point a, d, dd, or e Clause 2 Article 52 hereof occurs, judgment enforcement must be terminated in accordance with Article 57 while Article 58 hereof must be conformed with.

Regarding civil cases that civil judgment enforcement authorities have issued decisions suspending judgment enforcement in order to allow bailiff offices to organize enforcement before the effective date hereof after which point the cases must be subject to security interests and/or coercive judgment enforcement in accordance with the Law on Civil Judgment Enforcement, civil judgment enforcement authorities shall receive the cases again in order to issue decisions on judgment enforcement and organize judgment enforcement in accordance with civil judgment enforcement laws.

9. Bailiff’s report registry mentioned under Clause 4 Article 39 hereof shall be in use until bailiff’s report database is developed.

10. Schemes for bailiff implementation of provinces and central-affiliated cities approved before the effective date hereof shall continue to be implemented as long as they conform to this Decree.

Article 75. Responsibilities for implementation

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Minister of Justice, within their tasks and powers, shall cooperate with relevant ministries in guiding implementation of articles and clauses and other necessary details under this Decree in order to fulfill state management requirements regarding bailiff.

3. Provincial People’s Committees shall direct People’s Committees of all levels and relevant authorities to cooperate and enable bailiffs to carry out their tasks./.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Nguyen Xuan Phuc

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


155.420

DMCA.com Protection Status
IP: 3.17.79.79
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!