Sĩ quan biệt phái là ai? Các trường hợp biệt phái sĩ quan

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Thị Diễm My
24/12/2022 08:31 AM

Sĩ quan biệt phái là ai? Trường hợp nào sĩ quan được biệt phái? – Trọng Quý (Bình Dương)

Sĩ quan biệt phái là ai? Các trường hợp biệt phái sĩ quan

Sĩ quan biệt phái là ai? Các trường hợp biệt phái sĩ quan (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Sĩ quan biệt phái là ai?

Theo Điều 2 Nghị định 165/2003/NĐ-CP, sĩ quan biệt phái là sĩ quan tại ngũ được cấp có thẩm quyền điều động đến công tác có thời hạn tại cơ quan, tổ chức ngoài quân đội, giúp cơ quan, tổ chức ngoài quân đội thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo quy định của pháp luật.

2. Các trường hợp biệt phái sĩ quan

Sĩ quan được biệt phái trong các trường hợp sau:

- Biệt phái làm tham mưu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và quản lý nhà nước về quốc phòng ở một số Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ) theo quy định của Chính phủ về công tác quốc phòng ở các Bộ và địa phương.

- Biệt phái làm tham mưu cho lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo yêu cầu của các cơ quan Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước do cấp có thẩm quyền trao đổi, thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để bố trí nhân sự sĩ quan biệt phái.

- Biệt phái làm tham mưu trong quản lý và giảng dạy môn giáo dục quốc phòng ở Sở Giáo dục và Đào tạo một số tỉnh, thành phố trọng điểm, một số học viện, trường đại học, cao đẳng (sau đây gọi chung là cơ quan, nhà trường) theo quy định của Chính phủ về giáo dục quốc phòng.

- Biệt phái làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến quân sự, quốc phòng trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương (sau đây gọi chung là tổ chức chính trị), do cấp có thẩm quyền trao đổi, thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bố trí sĩ quan biệt phái.

(Điều 3 Nghị định 165/2003/NĐ-CP)

3. Tiêu chuẩn sĩ quan biệt phái

Tiêu chuẩn sĩ quan biệt phái bao gồm:

(1) Có đủ tiêu chuẩn của sĩ quan.

Tiêu chuẩn của sĩ quan bao gồm:

- Tiêu chuẩn chung:

+ Có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có tinh thần cảnh giác cách mạng cao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, hoàn hành tốt mọi nhiệm vụ được giao;

+ Có phẩm chất đạo đức cách mạng; cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy dân chủ, giữ nghiêm kỷ luật quân đội; tôn trọng và đoàn kết với nhân dân, với đồng đội; được quần chúng tín nhiệm;

+ Có trình độ chính trị, khoa học quân sự và khả năng vận dụng sáng tạọ chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước vào nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân; có kiến thức về văn hoá, kinh tế, xã hội, pháp luật và các lĩnh vực khác; có năng lực hoạt động thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; tốt nghiệp chương trình đào tạo theo quy định đối với từng chức vụ;

+ Có lý lịch rõ ràng, tuổi đời và sức khoẻ phù hợp với chức vụ, cấp bậc quân hàm mà sĩ quan đảm nhiệm.

- Tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức vụ của sĩ quan do cấp có thẩm quyền quy định.

(2) Có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo yêu cầu nhiệm vụ biệt phái :

- Sĩ quan biệt phái ở các Bộ và các cơ quan Trung ương phải có trình độ, năng lực làm tham mưu trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và quản lý nhà nước về quốc phòng, đáp ứng yêu cầu chuyên ngành của Bộ, cơ quan nơi sĩ quan đến biệt phái; có khả năng tham mưu với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thủ trưởng Bộ, cơ quan nơi sĩ quan đến biệt phái phối hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng;

- Sĩ quan biệt phái ở các cơ quan giáo dục đào tạo và các nhà trường phải có trình độ năng lực quản lý, giảng dạy môn giáo dục quốc phòng theo quy định của Luật Giáo dục; có khả năng tham gia vào các hoạt động giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động quân sự khác;

+ Sĩ quan biệt phái ở tổ chức chính trị phải có trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ và trình độ quân sự để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

(Điều 4 Nghị định 165/2003/NĐ-CP, Điều 12 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 2009)

4. Thời hạn biệt phái sĩ quan

- Thời hạn làm nhiệm vụ biệt phái của mỗi sĩ quan là 5 năm; khi cần thiết cấp có thẩm quyền điều động sĩ quan biệt phái xem xét, quyết định kéo dài thời hạn biệt phái, thời gian kéo dài không quá 5 năm.

- Khi cần thiết theo yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng hoặc do cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan đến biệt phái đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định điều động sĩ quan biệt phái về trước thời hạn.

(Điều 5 Nghị định 165/2003/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 10,084

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn