Năm 2025: Dân quân thường trực có được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ không? (Hình từ Internet)
Theo khoản 4 Điều 2 Luật Dân quân tự vệ 2019 thì dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng.
Định mức bảo đảm trợ cấp, tiền ăn đối với dân quân thường trực theo Điều 12 Nghị định 72/2020/NĐ-CP như sau:
- Mức trợ cấp ngày công lao động, trợ cấp ngày công lao động tăng thêm, tiền ăn theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 11 Nghị định 72/2020/NĐ-CP; đối với dân quân thuộc hải đội dân quân thường trực thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 72/2020/NĐ-CP; được bảo đảm nơi ăn, nghỉ.
- Mức trợ cấp một lần cho dân quân thường trực khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, cứ mỗi năm phục vụ trong đơn vị dân quân thường trực được trợ cấp bằng 2.980.000 đồng. Trường hợp có tháng lẻ được tính như sau: Dưới 01 tháng không được trợ cấp; từ 01 tháng đến 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 1.490.000 đồng; từ 07 tháng đến 11 tháng được hưởng trợ cấp bằng 2.980.000 đồng.
- Mức trợ cấp đặc thù đi biển theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định 72/2020/NĐ-CP.
- Mức hưởng các chế độ, chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
- Tiêu chuẩn vật chất hậu cần như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ.
Tại khoản 3 Điều 13 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định dân quân thường trực được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.
Theo đó, tại điểm a khoản 4 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 (sửa đổi tại điểm a khoản 1 Điều 49 Luật Dân quân tự vệ 2019) quy định dân quân thường trực có ít nhất 24 tháng phục vụ thì được công nhận hoàn thành thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình, do Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc trưởng thôn nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Việc công nhận công dân hoàn thành nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định. (Theo khoản 4 Điều 13 Luật Dân quân tự vệ 2019)
Các hành vi bị nghiêm cấm về Dân quân tự vệ theo Điều 14 Luật Dân quân tự vệ 2019 gồm:
- Thành lập, tham gia, tài trợ tổ chức, huấn luyện, điều động, sử dụng Dân quân tự vệ trái pháp luật.
- Trốn tránh, chống đối, cản trở việc tổ chức, huấn luyện, hoạt động và thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
- Giả danh Dân quân tự vệ.
- Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ của Dân quân tự vệ được giao xâm phạm lợi ích của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
- Sản xuất, vận chuyển, mua bán, thu gom, tàng trữ, sử dụng, chiếm giữ trái pháp luật vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, trang phục, sao mũ, phù hiệu, tài sản của Dân quân tự vệ.
- Phân biệt đối xử về giới trong công tác Dân quân tự vệ.