Cận thị đã phẫu thuật thì có đi nghĩa vụ quân sự 2025 không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
12/11/2024 09:35 AM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung cận thị đã phẫu thuật thì có đi nghĩa vụ quân sự 2025 không?

Cận thị đã phẫu thuật thì có đi nghĩa vụ quân sự 2025 không

Cận thị đã phẫu thuật thì có đi nghĩa vụ quân sự 2025 không? (Hình từ internet)

Cận thị đã phẫu thuật thì có đi nghĩa vụ quân sự 2025 không?

Theo Hướng dẫn 4705/HD-BQP ngày 31/10/2024 về việc tuyển dụng và gọi công dân nhập ngũ năm 2025, tiêu chuẩn sức khỏe tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2025 thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 105/2023/TT-BQP, riêng tiêu chuẩn về mắt vẫn thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 4 Thông tư 148/2016/TT-BQP.

Tại điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 105/2023/TT-BQP quy định tiêu chuẩn sức khỏe đi nghĩa vụ quân sự như sau:

Đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này;

Không gọi nhập ngũ đối với công dân nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy được quy định tại Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ngày 25 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

Tại điểm c khoản 3 Điều 4 Thông tư 148/2016/TT-BQP quy định tiêu chuẩn về mắt như sau:

c) Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS.

Cụ thể, đối với tiêu chuẩn sức khỏe đi nghĩa vụ quân sự của người bị cận thị nhưng đã phẫu thuật, tại tiểu mục 2 Mục 1 Phần II Phụ lục 1 ban hành kèm Thông tư 105/2023/TT-BQP cho điểm như sau:

Thị lực mắt phải

Tổng thị lực 2 mắt

Điểm

10/10

19/10

2

10/10

18/10

3

9/10

17/10

4

8/10

16/10

5

6,7/10

13/10 - 15/10

6

1, 2, 3, 4, 5/10

6/10 - 12/10

 

Như vậy, người cận thị đã phẫu thuật có tổng thị lực 2 mắt (không kính) ở mức 18/10 hoặc 19/10 thì vẫn đủ tiêu chuẩn đi nghĩa vụ quân sự. Đối với các trường hợp còn lại sẽ không đủ tiêu chuẩn đi nghĩa vụ quân sự.

Bên cạnh tiêu chuẩn về mắt, để được đi nghĩa vụ quân sự thì công dân còn phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khác như tuổi đời, trình độ văn hóa, chính trị, sức khỏe.

Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2025 là khám những gì?

Theo khoản 1, khoản 2 Điều 7 và Điều 8 Thông tư 105/2023/TT-BQP thì khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ gồm 02 vòng là khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự và khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, cụ thể như sau:

* Vòng khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự:

- Trạm y tế cấp xã thực hiện sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm y tế cấp huyện hoặc Bệnh viện đa khoa cấp huyện; giám sát của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

- Nội dung sơ tuyển sức khỏe

+ Khai thác tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình;

+ Phát hiện những trường hợp không đủ sức khỏe về thể lực, dị tật, dị dạng quy định tại Mục I, Mục II Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP; những bệnh thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự quy định tại Mục III Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP.

Những bệnh thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự quy định tại Mục III Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP gồm:

TT

TÊN BỆNH

MÃ BỆNH ICD10

1

Tâm thần

F20 đến F29

2

Động kinh

G40

3

Bệnh Parkinson

G20

4

Mù một mắt

H54.4

5

Điếc

H90

6

Di chứng do lao xương khớp

B90.2

7

Di chứng do phong

B92

8

Các bệnh lý ác tính (U ác, bệnh máu ác tính)

C00 đến C97; D00 đến D09; D45 đến D47

9

Người nhiễm HIV

B20 đến B24; Z21

10

Người khuyết tật mức độ đặc biệt nặng và nặng

 

* Vòng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự:

- Việc khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự được thực hiện tại Trung tâm Y tế cấp huyện hoặc bệnh viện đa khoa cấp huyện.

- Nội dung khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự bao gồm:

- Khám về thể lực; lâm sàng theo các chuyên khoa: Mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, nội khoa, thần kinh, tâm thần, ngoại khoa, da liễu, sản phụ khoa (đối với nữ);

- Khám cận lâm sàng: Công thức máu; nhóm máu (ABO); chức năng gan (AST, ALT); chức năng thận (Ure, Creatinine); đường máu; virus viêm gan B (HBsAg); virus viêm gan C (Anti-HCV); HIV; nước tiểu toàn bộ. (10 thông số); siêu âm ổ bụng tổng quát; điện tim; X-quang tim phổi thẳng; xét nghiệm nước tiểu phát hiện ma túy. Chủ tịch Hội đồng chỉ định thêm các xét nghiệm khác theo yêu cầu chuyên môn để kết luận sức khỏe được chính xác.

Lưu ý: Khi khám thể lực và lâm sàng, nếu công dân không đạt một trong các tiêu chuẩn sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 105/2023/TT-BQP thì ủy viên Hội đồng trực tiếp khám báo cáo Chủ tịch Hội đồng quyết định dừng khám. 

Chỉ tiến hành xét nghiệm máu, nước tiểu; xét nghiệm HIV, ma túy cho công dân đạt tiêu chuẩn sức khỏe sau khám thể lực, lâm sàng, siêu âm, điện tim, chụp X-quang tim phổi thẳng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 518

Bài viết về

Nghĩa vụ quân sự - Nghĩa vụ công an 2025

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]