Chính sách mới >> Tài chính 07/03/2024 19:00 PM

Tiêu chí lựa chọn ngân hàng phục vụ dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
07/03/2024 19:00 PM

Cho tôi hỏi vốn vay ODA là gì? Việc lựa chọn ngân hàng phục vụ dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi dựa trên các tiêu chí nào? – Ngân Khánh (TPHCM)

Tiêu chí lựa chọn ngân hàng phục vụ dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi

Tiêu chí lựa chọn ngân hàng phục vụ dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi là gì?

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 114/2021/NĐ-CP thì vốn ODA, vốn vay ưu đãi là nguồn vốn của nhà tài trợ nước ngoài cung cấp cho Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hỗ trợ phát triển, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, bao gồm:

+ Vốn ODA không hoàn lại là khoản vốn ODA không phải hoàn trả lại cho nhà tài trợ nước ngoài, được cung cấp theo hình thức dự án độc lập hoặc kết hợp với các dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài;

+ Vốn vay ODA là khoản vay nước ngoài có thành tố ưu đãi đạt ít nhất 35% đối với khoản vay có điều kiện ràng buộc liên quan đến mua sắm hàng hóa và dịch vụ theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài hoặc đạt ít nhất 25% đối với khoản vay không có điều kiện ràng buộc. Phương pháp tính thành tố ưu đãi nêu tại Phụ lục I kèm theo Nghị định 114/2021/NĐ-CP;

+ Vốn vay ưu đãi là khoản vay nước ngoài có điều kiện ưu đãi hơn so với vay thương mại nhưng thành tố ưu đãi chưa đạt tiêu chuẩn của vay ODA được quy định tại điểm b khoản 19 Nghị định 114/2021/NĐ-CP.

Tiêu chí lựa chọn ngân hàng phục vụ dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi

Căn cứ Điều 61 Nghị định 114/2021/NĐ-CP quy định tiêu chí lựa chọn ngân hàng phục vụ chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi như sau:

- Là một ngân hàng được lựa chọn trong các ngân hàng có kinh nghiệm quản lý rút vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi căn cứ trên cơ sở xếp hạng của cơ quan có thẩm quyền, đáp ứng các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ ngân hàng, các quy định về giới hạn tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng.

- Có hệ thống chi nhánh phù hợp với yêu cầu của chương trình, dự án.

- Chấp nhận các trách nhiệm của ngân hàng phục vụ quy định tại các Điều 60, 62, 63, 64, 78, 89 của Nghị định 114/2021/NĐ-CP.

Trách nhiệm của ngân hàng phục vụ dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi

Trách nhiệm của ngân hàng phục vụ được quy định tại Điều 62 Nghị định 114/2021/NĐ-CP như sau:

- Làm thủ tục cho Bộ Tài chính hoặc chủ dự án mở tài khoản vốn ODA, vốn vay ưu đãi cho chương trình, dự án theo điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi đã được cấp có thẩm quyền ký kết và phù hợp với quy định tại Chương VII, VIII của Nghị định 114/2021/NĐ-CP.

- Theo dõi, quản lý tài khoản, thực hiện các giao dịch ngân hàng và thu phí theo quy định, báo cáo thông tin về tài khoản chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi theo quy định tại Chương VII, VIII của Nghị định 114/2021/NĐ-CP.

Nguyên tắc mở và quản lý tài khoản tạm ứng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi

Căn cứ Điều 63 Nghị định 114/2021/NĐ-CP quy định nguyên tắc mở và quản lý tài khoản tạm ứng nguồn vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi như sau:

- Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch hoặc ngân hàng phục vụ làm thủ tục mở tài khoản tạm ứng (tài khoản giao dịch) cho chủ dự án hoặc Bộ Tài chính phù hợp với yêu cầu thanh toán của dự án, đảm bảo luân chuyển vốn tài trợ trực tiếp đến dự án, không bố trí qua tài khoản trung gian. Trường hợp dự án có nhiều khoản tài trợ, phải mở các tài khoản riêng để theo dõi từng nguồn vốn rút về.

- Trường hợp cơ quan chủ quản giao nhiều đơn vị thực thi, chủ dự án mở tài khoản nhánh tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch hoặc chi nhánh ngân hàng phục vụ.

- Đồng tiền của tài khoản là đồng ngoại tệ vay nước ngoài (trừ trường hợp được Bộ Tài chính chấp thuận mở tài khoản bằng đồng Việt Nam).

- Quản lý lãi tài khoản tạm ứng:

+ Lãi phát sinh trên tài khoản tạm ứng phải được hạch toán theo dõi riêng và được sử dụng để thanh toán phí dịch vụ ngân hàng theo quy định. Phí dịch vụ ngân hàng là khoản chi thuộc dự án. Trường hợp số lãi phát sinh không đủ để thanh toán phí dịch vụ ngân hàng, chủ dự án lập dự toán và bố trí vốn đối ứng để chi trả;

+ Khi kết thúc hoạt động chi tiêu trên tài khoản tạm ứng, đối với dự án do ngân sách cấp phát toàn bộ, chủ dự án nộp số dư lãi phát sinh trên tài khoản này vào ngân sách nhà nước. Đối với dự án vay lại toàn bộ, số dư lãi phát sinh là nguồn thu của chủ dự án. Đối với dự án vay lại theo tỷ lệ, số dư lãi phát sinh được phân bổ theo tỷ lệ tương ứng.

Đoàn Đức Tài

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,141

Bài viết về

lĩnh vực Tài chính nhà nước

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn