CẬP NHẬT: Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
24/05/2024 09:10 AM

Xin cho tôi hỏi danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế mới nhất gồm những gì? - Quang Huy (Phú Thọ)

CẬP NHẬT: Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế

CẬP NHẬT: Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế (Hình từ internet)

Ngày 22/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 440/QĐ-TTg ban hành Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế.

CẬP NHẬT: Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế như sau:

(1) Bí mật nhà nước độ Tối mật gồm: Hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.

(2) Bí mật nhà nước độ Mật gồm:

- Số người mắc, người chết do bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh chưa được Bộ Y tế công khai.

- Tên, nguồn gốc, độc lực, khả năng lây lan, đường lây của các tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới phát hiện, chưa xác định được có liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội chưa được công khai.

Xem thêm Quyết định 440/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/5/2024 và thay thế Quyết định 1295/QĐ-TTg ngày 24/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế.

Quy trình ban hành danh mục bí mật nhà nước

(1) Căn cứ vào phạm vi và phân loại bí mật nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ là chủ thể duy nhất có thẩm quyền ban hành danh mục bí mật nhà nước; các cơ quan, tổ chức (gồm cả tổ chức đảng) chỉ triển khai áp dụng trực tiếp 35 danh mục bí mật nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và không được tự ban hành danh mục bí mật nhà nước.

(2) Người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước bao gồm:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý;

- Chánh Văn phòng Trung ương Đảng lập danh mục bí mật nhà nước của Đảng;

- Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội lập danh mục bí mật nhà nước của tổ chức chính trị - xã hội;

- Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lập danh mục bí mật nhà nước của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội;

- Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước lập danh mục bí mật nhà nước của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước;

- Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý.

(3) Người lập danh mục bí mật nhà nước quy định tại (2) có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Bộ Công an để thẩm định, trừ trường hợp quy định tại (5).

Hồ sơ gửi Bộ Công an bao gồm văn bản trình Thủ tướng Chính phủ; dự thảo quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước; báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bản sao ý kiến tham gia.

Văn bản thẩm định của Bộ Công an phải gửi đến người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

(4) Sau khi có văn bản thẩm định của Bộ Công an, người lập danh mục bí mật nhà nước quy định tại khoản 3 Điều này có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước.

(5) Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

(Điều 9 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 657

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn