Hướng dẫn công đoàn tham gia tổ chức đối thoại tại nơi làm việc năm 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
22/05/2024 16:30 PM

Năm 2024, công đoàn khi tham gia tổ chức đối thoại tại nơi làm việc cần lưu ý các vấn đề sau đây.

Hướng dẫn công đoàn tham gia tổ chức đối thoại tại nơi làm việc năm 2024

Hướng dẫn công đoàn tham gia tổ chức đối thoại tại nơi làm việc năm 2024 (Hình từ internet)

Hướng dẫn công đoàn tham gia tổ chức đối thoại tại nơi làm việc năm 2024

Nội dung được đề cập tại Hướng dẫn 11/HD-TLĐ năm 2024 Công đoàn tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành.

(1) Số lượng, thành phần tham gia đối thoại tại nơi làm việc bên người lao động

Số lượng, thành phần tham gia đối thoại được xác định theo quy định tại Điều 38 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Để tham gia đối thoại đạt hiệu quả, Công đoàn cần chủ động thực hiện các nội dung sau:

1.1. Đối với doanh nghiệp có 100% người lao động là đoàn viên công đoàn

Công đoàn chọn cử hoặc bầu thành viên tham gia đối thoại, lập danh sách gửi NSDLĐ và công khai tới toàn thể NLĐ.

1.2. Đối với doanh nghiệp có người lao động không là đoàn viên công đoàn

Công đoàn chủ động gặp gỡ, trao đổi, hỗ trợ NLĐ không là đoàn viên công đoàn thành lập nhóm đại diện đối thoại của NLĐ. Số lượng thành viên tham gia đối thoại của mỗi bên được xác định tương ứng theo tỷ lệ số lượng NLĐ là đoàn viên công đoàn, số lượng NLĐ không là đoàn viên công đoàn trên tổng số NLĐ tại thời điểm xác định. Công đoàn lập danh sách thành viên tham gia đối thoại, gửi NSDLĐ và công khai tới toàn thể NLĐ.

Lưu ý: Nên lựa chọn thành viên tham gia đối thoại là những NLĐ am hiểu về pháp luật, chế độ, chính sách lao động, việc làm, tiền lương, tình hình doanh nghiệp, có khả năng thuyết phục và được NLĐ, NSDLĐ tín nhiệm.

(2) Tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc

Tổ chức đối thoại định kỳ thực hiện theo quy định tại Điều 39 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Để cuộc đối thoại có hiệu quả, Công đoàn chủ trì, thống nhất với tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp (nếu có), nhóm đại diện đối thoại của NLĐ (nếu có) thực hiện các nội dung sau:

2.1. Chuẩn bị đối thoại

- Xây dựng kế hoạch tham gia tổ chức đối thoại; dự kiến thời gian, địa điểm, thành phần tham gia đối thoại bên phía NLĐ; cách thức lấy ý kiến NLĐ về nội dung dự kiến đối thoại định kỳ; cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm thực hiện giữa công đoàn, tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp, nhóm đại diện đối thoại của NLĐ; cách thức phổ biến kết quả đối thoại…

- Trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, lựa chọn những nội dung phù hợp với đặc thù, tình hình doanh nghiệp, ưu tiên các nội dung như: tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chất lượng bữa ăn ca, chính sách BHXH, BHTN, BHYT; sáng kiến, giải pháp của NLĐ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường làm việc; trách nhiệm của các bên trong việc tổ chức thực hiện kết quả đối thoại trước đó (nếu có)... để dự kiến nội dung đề nghị đối thoại định kỳ.

- Chủ tịch công đoàn chủ động gặp NSDLĐ, trao đổi để thống nhất về nội dung, địa điểm, thời gian, số lượng, thành phần tham gia đối thoại của mỗi bên và công khai cho tập thể NLĐ biết. Đề xuất người ghi biên bản cuộc đối thoại là đại diện của hai bên, mỗi bên một người.

- Tổ chức lấy ý kiến NLĐ về những nội dung dự kiến đề nghị đối thoại định kỳ (có thể qua các hình thức như phát phiếu lấy ý kiến, nghe NLĐ phản ánh, họp tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên, hòm thư góp ý, khảo sát trực tuyến, khảo sát qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo (do công đoàn lập), mạng thông tin nội bộ của doanh nghiệp…

- Tổng hợp, quyết định lựa chọn nội dung đề nghị đối thoại định kỳ (lưu ý: sắp xếp nội dung theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với từng cuộc, hình thức đối thoại). Không nên đề nghị quá nhiều nội dung. Các vấn đề lựa chọn đối thoại phải bảo đảm tính khả thi, được số đông NLĐ quan tâm.

- Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên tham gia đối thoại như: Chuẩn bị ý kiến, lập luận, tài liệu liên quan…

- Gửi nội dung đề nghị đối thoại bằng văn bản cho NSDLĐ chậm nhất 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu tổ chức đối thoại định kỳ.

- Nếu có ý kiến phản hồi hoặc nội dung đề nghị đối thoại từ phía NSDLĐ, công đoàn chủ trì, cùng tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp, nhóm đại diện đối thoại của NLĐ xem xét, bàn bạc để chuẩn bị các lập luận, phản biện, tài liệu... Có thể thông tin lại với NSDLĐ để tạo sự đồng thuận cao trước khi đối thoại.

- Họp các thành viên tham gia đối thoại trước khi diễn ra cuộc đối thoại định kỳ để rà soát công việc, nội dung phân công, hoàn thiện các tài liệu, số liệu liên quan đến nội dung đối thoại, các ý kiến và ý kiến phản biện, đồng thời dự kiến các tình huống phát sinh và phương án xử lý.

2.2. Tiến hành đối thoại

- Khi tiến hành đối thoại, các thành viên tham gia đối thoại thể hiện tinh thần hợp tác, chia sẻ, vì lợi ích chung để thảo luận đạt được đồng thuận đối với các nội dung đối thoại. Trường hợp phát sinh những nội dung mới thì đề nghị NSDLĐ cho hội ý trao đổi nội bộ hoặc tạm dừng đối thoại để thống nhất ý kiến, sau đó trở lại đối thoại tiếp hoặc chuyển nội dung sang cuộc đối thoại tiếp theo.

- Lập biên bản đối thoại phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền và chữ ký của người đại diện công đoàn, người đại diện tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp (nếu có) và của người đại diện cho nhóm đại diện đối thoại của NLĐ (nếu có). Cuộc đối thoại được phép ghi âm, ghi hình theo thống nhất của hai bên.

- Ngay sau khi kết thúc đối thoại, hai bên hoàn thiện biên bản đối thoại, thống nhất hướng giải quyết các nội dung chưa đạt kết quả trong cuộc đối thoại (nếu có).

2.3. Công bố kết quả đối thoại

Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi đối thoại kết thúc, Công đoàn chủ trì, phối hợp với tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp (nếu có) và nhóm đại diện đối thoại của NLĐ (nếu có) phổ biến kết quả đối thoại tới toàn thể NLĐ; đề nghị NSDLĐ công khai những nội dung chính của cuộc đối thoại.

(3) Tổ chức đối thoại khi có yêu cầu

Việc tổ chức đối thoại khi có yêu cầu của một hoặc các bên được tiến hành theo quy định tại Điều 40 Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Ngoài ra, công đoàn cần chủ trì, phối hợp với tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp (nếu có) và nhóm đại diện đối thoại của NLĐ (nếu có) quan tâm một số nội dung sau:

3.1. Đối thoại theo yêu cầu bên người lao động

3.1.1. Trường hợp người lao động là đoàn viên công đoàn yêu cầu đối thoại

- Tiếp nhận yêu cầu đối thoại: Khi đoàn viên yêu cầu công đoàn đại diện tổ chức đối thoại với NSDLĐ, Công đoàn tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, làm rõ lý do có kiến nghị, đề xuất, bức xúc của đoàn viên. Trường hợp đoàn viên trực tiếp gửi yêu cầu đối thoại đến NSDLĐ, Công đoàn chủ động thu thập thông tin, gặp gỡ đoàn viên để trao đổi, tư vấn, hướng dẫn nội dung, quy trình tiến hành đối thoại theo quy định của pháp luật và đề nghị đoàn viên để công đoàn đại diện thực hiện đối thoại.

- Lấy ý kiến thành viên tham gia đối thoại của công đoàn cơ sở: Công đoàn tổ chức họp thành viên tham gia đối thoại (tại mục 1/III, Phần II Hướng dẫn 11/HD-TLĐ năm 2024), lấy ý kiến biểu quyết của các thành viên để quyết định đề nghị NSDLĐ đối thoại. Đề nghị đối thoại chỉ được thông qua khi được sự đồng ý của ít nhất 30% tổng số thành viên được quyền tham gia đối thoại. Trường hợp đề nghị đối thoại không được thông qua thì Công đoàn thông tin tới đoàn viên và tìm giải pháp phù hợp.

- Gửi nội dung yêu cầu đối thoại cho NSDLĐ: Công đoàn gửi văn bản yêu cầu đối thoại tới NSDLĐ, trong đó đề nghị thời gian, địa điểm, thành phần, nội dung đối thoại của bên NLĐ.

- Thông báo nội dung đối thoại tới NLĐ: Trên cơ sở phản hồi, thống nhất của NSDLĐ, Công đoàn thông báo cho NLĐ, nhóm NLĐ, tập thể NLĐ biết trong thời gian sớm nhất.

- Tổ chức đối thoại: Thực hiện tương tự như tổ chức đối thoại định kỳ (theo điểm 2, khoản III, mục 1, Phần II Hướng dẫn 11/HD-TLĐ năm 2024).

3.1.2. Trường hợp người lao động không là đoàn viên công đoàn yêu cầu đối thoại

Khi NLĐ hoặc nhóm NLĐ không là đoàn viên công đoàn đề nghị công đoàn đại diện thực hiện đối thoại hoặc trực tiếp gửi yêu cầu đối thoại đến NSDLĐ thì Công đoàn kết hợp việc vận động, thuyết phục NLĐ gia nhập Công đoàn với việc thực hiện các bước như nội dung tại 3.1.1 nêu trên.

3.2. Đối thoại theo yêu cầu của người sử dụng lao động

- Nội dung yêu cầu đối thoại phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của NSDLĐ và gửi cho Công đoàn bằng văn bản.

- Nếu yêu cầu đối thoại chỉ liên quan đến NLĐ là đoàn viên công đoàn thì Công đoàn chủ trì phối hợp với NSDLĐ thực hiện đối thoại. Nếu yêu cầu đối thoại chỉ liên quan đến NLĐ không là đoàn viên công đoàn và tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp thì Công đoàn kết hợp việc vận động, thuyết phục NLĐ gia nhập Công đoàn với việc thực hiện hướng dẫn NLĐ tự mình đối thoại hoặc ủy quyền cho Công đoàn đại diện đối thoại. Nếu yêu cầu đối thoại liên quan đến NLĐ là đoàn viên công đoàn và NLĐ không là đoàn viên công đoàn thì Công đoàn phối hợp với tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp mà NLĐ là thành viên (nếu có), NLĐ để thực hiện đối thoại.

- Sau khi tiếp nhận yêu cầu đối thoại, Công đoàn tổ chức họp, bàn bạc, thống nhất nội dung, quy trình, thành viên tham gia; nghiên cứu, phân tích các nội dung đưa ra đối thoại, chuẩn bị kỹ ý kiến, lập luận, phân công người phát biểu; đảm bảo những ý kiến đưa ra trong cuộc đối thoại có sức thuyết phục, hiệu quả, bảo đảm quyền, lợi ích của NLĐ.

(4) Tổ chức đối thoại khi có vụ việc

Đây là trường hợp đối thoại để giải quyết các tình huống thực tế trong quan hệ lao động, đòi hỏi tổ chức Công đoàn cần:

- Nắm chắc bản chất vụ việc;

- Nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật và quy định của doanh nghiệp để xử lý tình huống;

- Vận dụng kỹ năng đối thoại nhuần nhuyễn, bảo vệ tốt nhất quyền lợi NLĐ;

- Không làm cho vụ việc phát triển theo chiều hướng phức tạp hơn, dẫn đến ngừng việc tập thể, đình công trái pháp luật;

- Lắng nghe ý kiến NLĐ trực tiếp liên quan đến vụ việc, phối hợp tốt với NSDLĐ.

Trình tự, thủ tục đối thoại do hai bên thống nhất và vận dụng theo điểm 2, khoản III, mục 1, phần II Hướng dẫn 11/HD-TLĐ năm 2024 để thực hiện.

Lưu ý: Đối với từng vụ việc cụ thể, Công đoàn có thể xem xét mời thêm một số NLĐ không phải là thành viên tham gia đối thoại, am hiểu về lĩnh vực, nội dung liên quan đến vụ việc đó cùng tham gia đối thoại hoặc tham vấn ý kiến của các chuyên gia, công đoàn cấp trên trước khi tiến hành đối thoại.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 675

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn