Hướng dẫn tổ chức Hội nghị người lao động mới nhất 2024

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
12/05/2024 07:07 AM

Xin hỏi việc tổ chức Hội nghị người lao động hiện nay được công đoàn hướng dẫn như thế nào? - Đức Nghĩa (Quảng Nam)

Công đoàn hướng dẫn tổ chức Hội nghị người lao động

Công đoàn hướng dẫn tổ chức Hội nghị người lao động (Hình từ internet)

Hướng dẫn tổ chức Hội nghị người lao động mới nhất 2024

Hội nghị người lao động do người sử dụng lao động và công đoàn cơ sở tổ chức hàng năm nhằm tổng kết, đánh giá, công khai kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động công đoàn cơ sở, chia sẻ, trao đổi thông tin và thực hiện các quyền dân chủ của người lao động, người sử dụng lao động trong Công ty.

Hiện nay, việc tổ chức Hội nghị người lao động được công đoàn hướng dẫn tại Hướng dẫn 11/HD-TLĐ năm 2024 Công đoàn tham gia thực hiện dân chủ ở cơ sở do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành, cụ thể như sau:

Thời gian, hình thức, quy mô tổ chức Hội nghị người lao động

(1) Thời gian: Hội nghị người lao động được tổ chức ít nhất 1 năm một lần (đối với doanh nghiệp nhà nước vào quý I).

(2) Hình thức, quy mô tổ chức Hội nghị người lao động: Hội nghị trực tiếp hoặc hội nghị trực tuyến hoặc hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến, hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu (tùy vào quy mô, đặc điểm sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, NSDLĐ và BCH CĐCS thống nhất quyết định hình thức, quy mô tổ chức hội nghị cho phù hợp).

Thành phần tham dự Hội nghị người lao động

(1) Đối với hội nghị toàn thể: Là toàn thể NLĐ trong Công ty.

(2) Đối với hội nghị đại biểu: NSDLĐ thống nhất với BCH CĐCS phân bổ số lượng, cơ cấu phù hợp, đồng đều cho các bộ phận. Căn cứ vào số lượng phân bổ, các Tổ công đoàn phối hợp với chuyên môn chọn cử đại diện NLĐ đơn vị mình tham dự Hội nghị NLĐ cấp doanh nghiệp và cấp trên.

(3) Đại biểu đương nhiên bao gồm: Hội đồng quản trị; Ban Giám đốc; Ban kiểm soát; Kế toán trưởng, Trưởng phòng nhân sự; BCH CĐCS; đại diện cấp ủy đảng, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội (nếu có); ban thanh tra nhân dân (nếu có); đại diện BCH công đoàn cấp trên (nơi chưa có CĐCS).

Nội dung hội nghị người lao động

Hội nghị tập trung báo cáo, thảo luận các nội dung sau:

(1) Tình hình sản xuất kinh doanh của NSDLĐ;

(2) Việc thực hiện HĐLĐ, TƯLĐTT, nội quy, quy chế và cam kết, thỏa thuận khác tại nơi làm việc;

(3) Điều kiện làm việc; môi trường làm việc;

(4) Kiến nghị (yêu cầu) của NLĐ, CĐCS đối với NSDLĐ;

(5) Kiến nghị (yêu cầu) của NSDLĐ với NLĐ và CĐCS;

(6) Nội dung khác mà hai bên quan tâm.

Công tác chuẩn bị hội nghị người lao động

- Trước thời gian dự kiến tổ chức hội nghị NLĐ 15 ngày, Giám đốc Công ty chủ trì triệu tập cuộc họp chuẩn bị hội nghị, tham gia cuộc họp gồm: Giám đốc, Chủ tịch CĐCS, đại diện các bộ phận có liên quan.

- Nội dung cuộc họp chuẩn bị thống nhất kế hoạch, nội dung, thời gian, địa điểm; số lượng, cơ cấu phân bổ đại biểu (nếu hội nghị đại biểu), phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.

- Phân công trách nhiệm

+ NSDLĐ chuẩn bị: Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế công ty, điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động, kết quả giải quyết những đề xuất, kiến nghị của NLĐ, thực hiện nghị quyết hội nghị NLĐ lần trước.

+ BCH CĐCS chuẩn bị: Báo cáo tổng kết phong trào thi đua, hoạt động của CĐCS, tổng hợp kiến nghị, đề xuất của NLĐ, công tác chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, NLĐ.

+ NSDLĐ và Chủ tịch CĐCS thống nhất các nội dung công khai, nội dung lấy ý kiến biểu quyết tại hội nghị, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể của Công ty...

Chương trình hội nghị người lao động

Hội nghị NLĐ Công ty chỉ tổ chức khi có ít nhất 70% tổng số đại biểu triệu tập tham dự. Chương trình hội nghị diễn ra cụ thể như sau:

- Bầu chủ trì hội nghị, cử thư ký hội nghị (biểu quyết giơ tay).

- Thông qua Chương trình Hội nghị.

- Đại diện các bên trình bày các báo cáo tại điểm c khoản 5 Điều 11 ớng dẫn 11/HD-TLĐ năm 2024.

- Đại biểu thảo luận, kiến nghị, đề xuất.

- NSDLĐ giải đáp thắc mắc; bàn giải pháp đảm bảo việc làm, thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cải tiến điều kiện làm việc...

- Phát biểu của lãnh đạo (nếu có).

- Ký kết, sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể (nếu có).

- Bầu thành viên tham gia đối thoại bên đại diện NLĐ (nếu có).

- Bầu Ban Thanh tra nhân dân đối với doanh nghiệp nhà nước (nếu có).

- Tổ chức khen thưởng, phát động thi đua, ký giao ước thi đua (nếu có).

- Thông qua Nghị quyết hội nghị.

Phổ biến, triển khai, giám sát thực hiện Nghị quyết hội nghị

- NSDLĐ phối hợp với BCH CĐCS tổ chức phổ biến nội dung Nghị quyết hội nghị đến toàn thể NLĐ trong Công ty.

- BCH CĐCS có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết hội nghị của NSDLĐ.

- Định kỳ 6 tháng một lần, NSDLĐ phối hợp với CĐCS tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết hội nghị; kết quả thực hiện, kiến nghị, đề xuất của NLĐ.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,992

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn