07 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 20/11/2023

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
13/11/2023 08:12 AM

Xin hỏi có những chính sách mới nào bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2023? - Duy Mạnh (Bình Dương)

07 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 20/11/2023

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT cập nhật 07 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 20/11/2023:

1. Giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2023

Quyết định 25/2023/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2023 bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2023.

Theo đó, giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 đối với người thuê đất thuộc đối tượng được giảm nêu trêntại Điều 2 Quyết định 25/2023/QĐ-TTg; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2023 và tiền chậm nộp (nếu có).

Mức giảm tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (phát sinh thu) của năm 2023 theo quy định của pháp luật. Trường hợp người thuê đất đang được giảm tiền thuê đất theo quy định hoặc/và khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định của pháp luật về tiền thuê đất thì mức giảm 30% tiền thuê đất được tính trên số tiền thuê đất phải nộp (nếu có) sau khi đã được giảm hoặc/và khấu trừ theo quy định của pháp luật (trừ số tiền thuê đất được giảm theo Quyết định 01/2023/QĐ-TTg.

2. Các trường hợp tạm ngừng tập sự hành nghề công chứng

Thông tư 08/2023/TT-BTP hướng dẫn tập sự hành nghề công chứng bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2023.

Theo đó, quy định việc thay đổi công chứng viên hướng dẫn tập sự được thực hiện khi công chứng viên thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ quy định tại Điều 14 Thông tư 08/2023/TT-BTP;

- Chết, mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức hoặc làm chủ hành vi hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tiếp tục hướng dẫn tập sự;

- Bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng, bị miễn nhiệm công chứng viên hoặc không còn hành nghề tại tổ chức hành nghề công chứng nhận tập sự;

- Bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động hành nghề công chứng hoặc bị phát hiện không có đủ điều kiện hướng dẫn tập sự tại thời điểm nhận hướng dẫn tập sự.

3. Danh mục vị trí công tác trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng phải thực hiện định kỳ chuyển đổi

Thông tư 08/2023/TT-BXD quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc, giải quyết công việc trong lĩnh vực xây dựng có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2023.

Theo đó, quy định danh mục vị trí công tác trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Xây dựng phải thực hiện định kỳ chuyển đổi gồm:

(1) Cấp giấy phép trong lĩnh vực xây dựng:

- Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài;

- Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng;

- Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị công nhận tổ chức xã hội - nghề nghiệp đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng;

- Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị công nhận tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hành nghề kiến trúc, cơ sở nghiên cứu, cơ sở đào tạo về kiến trúc đủ điều kiện thực hiện sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc;

- Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động thử nghiệm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;

- Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;

- Kiểm tra hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp xây dựng;

- Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho các tổ chức thực hiện kiểm định đối với các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng;

- Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ kiểm định viên cho các cá nhân thực hiện kiểm định đối với các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng.

(2) Thẩm định dự án xây dựng:

- Thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng điều chỉnh;

- Thẩm định, thẩm định điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.

(3) Quản lý quy hoạch xây dựng:

- Thẩm định nhiệm vụ, nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng;

- Thẩm định đồ án, đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng.

(4) Quản lý, giám sát chất lượng các công trình xây dựng:

- Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng;

- Kiểm tra, đánh giá hồ sơ đề nghị cho ý kiến về kết quả đánh giá an toàn công trình xây dựng; cho ý kiến về các công trình hết thời hạn sử dụng nhưng có nhu cầu sử dụng tiếp.

4. Hạn chót chuyển đổi trường mầm non, phổ thông bán công sang công lập

Thông tư 16/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 41/2020/TT-BGDĐT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong lĩnh vực giáo dục có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2023.

Theo đó, quy định các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thuộc đối tượng phải chuyển đổi theo quy định tại Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT chưa thực hiện việc chuyển đổi thì phải hoàn thành việc chuyển đổi theo quy định tại Thông tư 11/2009/TT-BGDĐT trước ngày 30/6/2025.

Các đối tượng phải chuyển đổi bao gồm:

- Chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công, dân lập sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tư thục; cơ sở giáo dục mầm non bán công sang cơ sở giáo dục mầm non dân lập;

- Chuyển đổi cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bán công sang cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

5. Tiêu chí phân loại ĐVSNCL thuộc ngành, lĩnh vực NN&PTNT

Thông tư 08/2023/TT-BNNPTNT quy định về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, sáp nhập, hợp nhất, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thuộc ngành, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2023.

Theo đó, quy định tiêu chí phân loại ĐVSNCL thuộc ngành, lĩnh vực NN&PTNT gồm:

(1) Phân loại theo chức năng, nhiệm vụ

- Các ĐVSNCL phục vụ chức năng quản lý nhà nước gồm: khuyến nông; nghiên cứu chiến lược, chính sách; thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; thông tin, nghiên cứu khoa học và công nghệ, lý luận, nghiệp vụ; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức, cán bộ quản lý; phát triển nguồn nhân lực, chính sách công và phát triển nông thôn; nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thống kê, dự báo, thư viện và các hoạt động sự nghiệp công phục vụ chức năng quản lý nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực NN&PTNT theo quy định của pháp luật;

- Các ĐVSNCL cung ứng dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực NN&PTNT quy định tại Điều 1 Thông tư 08/2023/TT-BNNPTNT.

- ĐVSNCL phục vụ chức năng quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công là đơn vị thực hiện một hoặc nhiều chức năng, nhiệm vụ quy định như trên.

Việc xác định loại hình ĐVSNCL tại khoản này căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ĐVSNCL được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

(2) Phân loại theo cơ quan có thẩm quyền thành lập

- ĐVSNCL được thành lập theo thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

- ĐVSNCL được thành lập theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT;

- ĐVSNCL được thành lập theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- ĐVSNCL được thành lập theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

- ĐVSNCL được thành lập bởi chủ thể khác theo quy định của pháp luật.

(3) Phân loại theo mức tự chủ tài chính

- ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư;

- ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên;

- ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên;

- ĐVSNCL do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Việc xác định mức tự chủ tài chính của các ĐVSNCL trong ngành, lĩnh vực NN&PTNT quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL và quy định pháp luật có liên quan.

6. Danh mục và bản mô tả vị trí việc làm trong ĐVSNCL thuộc ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Thông tư 10/2023/TT-BTNMT hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2023.

Theo đó, quy định danh mục và bản mô tả vị trí việc làm trong ĐVSNCL thuộc ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường như sau:

(i) Danh mục vị trí việc làm

- Danh mục vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 10/2023/TT-BTNMT;

- Danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 10/2023/TT-BTNMT.

(ii) Bản mô tả vị trí việc làm

- Bản mô tả công việc, khung năng lực của các vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành tài nguyên và môi trường quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 10/2023/TT-BTNMT. Đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng bản mô tả công việc, khung năng lực cụ thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và bản mô tả công việc quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 10/2023/TT-BTNMT, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý phải phù hợp với tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý do cấp có thẩm quyền quy định; khung năng lực của các vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành tài nguyên và môi trường đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tài nguyên và môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định hoặc tiêu chuẩn của ngạch công chức chuyên ngành hành chính do Bộ Nội vụ quy định. Các cấp độ của từng nhóm năng lực trong khung năng lực quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 10/2023/TT-BTNMT.

7. Danh mục vị trí việc làm lãnh  đạo, quản  lý và chức danh  nghề nghiệp chuyên ngành, lĩnh vực tư pháp

Thông tư 06/2023/TT-BTP hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2023.

Theo đó, quy định danh mục vị trí việc làm,  bản mô tả công việc và khung  năng lực của vị trí việc làm lãnh  đạo, quản  lý và chức danh  nghề nghiệp chuyên ngành, lĩnh vực tư pháp gồm:

- Danh mục vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp gồm 16 vị trí việc làm quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư 06/2023/TT-BTP.

- Danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp gồm 15 vị trí việc làm quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư 06/2023/TT-BTP.

- Bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp quy định tại Phụ lục III, IV, V, VI, VII, VIII kèm theo Thông tư 06/2023/TT-BTP.

- Khung cấp độ xác định năng lực đối với vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp quy định tại Phụ lục IX kèm theo Thông tư 06/2023/TT-BTP.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 16,714

Bài viết về

Chính sách mới nổi bật có hiệu lực năm 2023

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn