Đề xuất phạt luật sư ngồi trình bày ý kiến tại phiên tòa

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
14/06/2022 17:45 PM

Theo nội quy phiên tòa, luật sư phải đứng khi trình bày ý kiến. Và mới đây, tại dự thảo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, đã đề xuất phạt luật sư ngồi trình bày ý kiến tại phiên tòa.

Đề xuất phạt luật sư ngồi trình bày ý kiến tại phiên tòa

Đề xuất phạt luật sư ngồi trình bày ý kiến tại phiên tòa (Ảnh minh họa)

1. Phải đứng khi phát biểu là quy định tại nội quy phiên tòa

Theo khoản 9 Điều 234 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về nội quy phiên tòa, trong đó có quy định:

Chỉ những người được Hội đồng xét xử đồng ý mới được hỏi, trả lời hoặc phát biểu. Người hỏi, trả lời hoặc phát biểu phải đứng dậy, trừ trường hợp vì lý do sức khỏe được chủ tọa phiên tòa đồng ý cho ngồi để hỏi, trả lời, phát biểu.

Tại khoản 3 Điều 256 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về nội quy phiên tòa:

Mọi người trong phòng xử án phải đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án và khi tuyên án. Bị cáo phải đứng khi Kiểm sát viên công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố. Người được Tòa án triệu tập đến phiên tòa muốn trình bày ý kiến phải được chủ tọa phiên tòa đồng ý; người trình bày ý kiến phải đứng khi trình bày ý kiến, khi được hỏi.

Như vậy, phải đứng khi trình bày ý kiến tại phiên tòa là một trong những nội dung được quy định trong nội quy phiên tòa.

2. Đề xuất phạt luật sư ngồi trình bày ý kiến tại phiên tòa

Như đã đề cập ở trên, luật sư phải đứng khi trình bày ý kiến là nội dung đã được quy định cụ thể tại nội quy phiên tòa. 

Tuy nhiên, nếu người bào chữa hay luật sư không thực hiện yêu cầu này bị xử lý thế nào thì hiện hành chưa có chế tài xử lý. 

Do đó, mới đây, Tòa án nhân dân tối cao đã dự thảo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Trong đó, tại điểm d khoản 1 Điều 13 Dự thảo Pháp lệnh quy định: 

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm:

d) Không đứng dậy khi Hội đồng xét xử vào phòng xử án hoặc khi Hội đồng xét xử tuyên án hoặc không đứng khi trình bày ý kiến hoặc khi Kiểm sát viên công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố mà không được Chủ tọa phiên tòa cho phép; trình bày ý kiến khi chưa được Chủ tọa phiên tòa đồng ý; những hành vi khác gây mất trật tự tại phiên tòa, không tuân theo sự điều hành của Chủ tọa phiên tòa mặc dù đã được nhắc nhở;”

Như vậy, trong trường hợp luật sư ngồi khi trình bày ý kiến tại phiên tòa có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 01 triệu đồng.

>>> Xem thêm: Ngoài luật sư thì ai có thể làm người bào chữa trong một vụ án hình sự?

Trường hợp nào sẽ bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư? Nếu bị thu hồi Chứng chỉ mà vẫn tiếp tục hành nghề luật sư thì bị xử lý thế nào?

Một luật sư có thể bào chữa cho nhiều bị can và bị cáo trong cùng một vụ án hay không? Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng là khi nào?

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,688

Bài viết về

Luật sư

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn