Các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước phải có giấy phép

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Tô Quốc Trình
12/09/2024 17:30 PM

Nội dung bài viết sau giải đáp quy định về việc bảo vệ đập, hồ chứa nước và các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước phải có giấy phép theo quy định pháp luật.

Các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước phải có giấy phép

Các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước phải có giấy phép (Hình ảnh từ Internet)

1. Quy định về việc bảo vệ đập, hồ chứa nước

- Chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện; tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa thủy lợi có trách nhiệm lập phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước.

- Phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước bao gồm các nội dung chính sau đây:

+ Đặc điểm địa hình, thông số thiết kế, sơ đồ mặt bằng bố trí công trình và chỉ giới cắm mốc phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước;

+ Tình hình quản lý, khai thác và bảo vệ đập, hồ chứa nước;

+ Chế độ báo cáo, kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất;

+ Quy định việc giới hạn hoặc cấm các loại phương tiện giao thông có tải trọng lớn lưu thông trong phạm vi bảo vệ công trình; quy định về phòng cháy chữa cháy; bảo vệ an toàn nơi lưu trữ tài liệu, kho tàng cất giữ vật liệu nổ, chất dễ cháy, chất độc hại;

+ Tổ chức lực lượng và phân công trách nhiệm bảo vệ đập, hồ chứa nước; trang thiết bị hỗ trợ công tác bảo vệ;

+ Tổ chức kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện ra, vào công trình;

+ Phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm, phá hoại công trình và vùng phụ cận của đập, hồ chứa nước;

+ Bảo vệ, xử lý khi đập, hồ chứa nước xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố;

+ Nguồn lực tổ chức thực hiện phương án;

+ Trách nhiệm của chủ sở hữu, chủ quản lý, tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Đập, hồ chứa thủy lợi phải được cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình theo quy định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Trách nhiệm cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy lợi

+ Chủ đầu tư xây dựng đập, hồ chứa thủy lợi có trách nhiệm cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước. Kinh phí cắm mốc được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình;

+ Đối với đập, hồ chứa thủy lợi đang khai thác mà chưa được cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ hoặc phạm vi bảo vệ không còn phù hợp thì tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước có trách nhiệm cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ. Kinh phí cắm mốc được lấy từ nguồn tài chính trong quản lý, khai thác và nguồn hợp pháp khác.

- Thẩm quyền phê duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước do bộ quản lý;

+ Bộ Công Thương phê duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước được xây dựng trên địa bàn 02 tỉnh trở lên;

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt hoặc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước trên địa bàn, trừ đập, hồ chứa nước quy định tại điểm a, điểm b khoản này và khoản 6 Điều 23 Nghị định 114/2018/NĐ-CP.

- Tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước nhỏ quyết định phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước.

- Việc tổ chức thực hiện phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.

(Theo Điều 23 Nghị định 114/2018/NĐ-CP)

2. Các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước phải có giấy phép

Theo Điều 22 Nghị định 114/2018/NĐ-CP quy định các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước phải có giấy phép như sau:

- Trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa nước các hoạt động phải có giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền bao gồm:

+ Xây dựng công trình mới;

+ Lập bến, bãi tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, phương tiện;

+ Khoan, đào khảo sát địa chất; thăm dò, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, khai thác nước dưới đất;

+ Xả nước thải vào hồ chứa nước, trừ xả nước thải với quy mô nhỏ và không chứa chất độc hại, chất phóng xạ;

+ Trồng cây lâu năm;

+ Hoạt động du lịch, thể thao, nghiên cứu khoa học, kinh doanh, dịch vụ;

+ Hoạt động của phương tiện thủy nội địa, phương tiện cơ giới, trừ xe mô tô, xe gắn máy, phương tiện thủy nội địa thô sơ;

+ Nuôi trồng thủy sản;

+ Nổ mìn và các hoạt động gây nổ khác;

+ Xây dựng công trình ngầm.

- Việc thực hiện cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy lợi thực hiện theo quy định tại Chương IV Nghị định 67/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi 2017.

- Việc thực hiện cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện thực hiện theo quy định tại Chương IV Nghị định 67/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi 2017, trừ quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định 114/2018/NĐ-CP. Thẩm quyền cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép và cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép được quy định như sau:

+ Bộ Công Thương cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động phải có giấy phép trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện quan trọng đặc biệt, trừ hoạt động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 22 Nghị định 114/2018/NĐ-CP.

+ Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương;

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn, trừ đập, hồ chứa thủy điện quy định tại điểm a khoản 3 Điều 22 Nghị định 114/2018/NĐ-CP;

+ Sở Công Thương là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 494

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn