Mức xử phạt hành chính đối với vi phạm về việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
10/06/2024 16:00 PM

Dưới đây là bài viết về mức xử phạt hành chính đối với vi phạm về việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp được quy định trong Nghị định 122/2021/NĐ-CP .

Mức xử phạt hành chính đối với vi phạm về việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Mức xử phạt hành chính đối với vi phạm về việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp

Theo quy định tại Điều 57 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì mức xử phạt hành chính đối với vi phạm về việc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp như sau:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Không gửi hoặc gửi không đúng thời hạn Nghị quyết, Quyết định chia công ty đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết;

+ Không đăng ký thay đổi vốn điều lệ, số lượng thành viên, cổ đông tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên, cổ đông giảm xuống (nếu có) đối với doanh nghiệp bị tách hoặc không đăng ký doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp được tách;

+ Không gửi hoặc gửi không đúng thời hạn Nghị quyết, Quyết định tách công ty đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết;

+ Không gửi hoặc gửi không đúng thời hạn Hợp đồng hợp nhất đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết;

+ Không gửi hoặc gửi không đúng thời hạn Hợp đồng sáp nhập đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết;

+ Không gửi hoặc gửi không đúng thời hạn thông báo bằng văn bản đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp bị sáp nhập đặt trụ sở chính để thực hiện chấm dứt tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập kể từ ngày hoàn thành việc sáp nhập doanh nghiệp.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc phải gửi Nghị quyết, Quyết định chia công ty cho tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động trong trường hợp không gửi Nghị quyết, Quyết định, thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều 57 Nghị định 122/2021/NĐ-CP;

+ Buộc doanh nghiệp bị tách đăng ký thay đổi vốn điều lệ, số lượng thành viên, cổ đông tương ứng với phần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên, cổ đông giảm xuống (nếu có) hoặc đăng ký doanh nghiệp được tách đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 57 Nghị định 122/2021/NĐ-CP;

+ Buộc gửi Nghị quyết, Quyết định tách công ty cho các chủ nợ và thông báo cho người lao động trong trường hợp không gửi Nghị quyết, Quyết định, thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 57 Nghị định 122/2021/NĐ-CP;

- Buộc gửi Hợp đồng hợp nhất cho các chủ nợ và thông báo cho người lao động trong trường hợp không gửi Hợp đồng hợp nhất, thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 Điều 57 Nghị định 122/2021/NĐ-CP;

- Buộc gửi Hợp đồng sáp nhập cho các chủ nợ và thông báo cho người lao động trong trường hợp không gửi Hợp đồng sáp nhập, thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 57 Nghị định 122/2021/NĐ-CP;

- Buộc gửi thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt hoạt động đến cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp bị sáp nhập đặt trụ sở chính trong trường hợp không gửi thông báo đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm e khoản 1 Điều 57 Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

Lưu ý: Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì mức phạt tiền nêu trên áp dụng với tổ chức vi phạm, trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm tương tự thì mức phạt bằng ½ mức phạt của tổ chức.

2. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

Theo Điều 79 Nghị định 122/2021/NĐ-CP thì thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư được quy định như sau: 

- Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 73, Điều 74, Điều 75 và Điều 76 Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

- Công chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính trong những lĩnh vực quy định tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP.

- Công chức thuộc cơ quan thanh tra Kế hoạch và Đầu tư được phân công thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành độc lập hoặc theo đoàn thanh tra.

- Công chức thuộc các cơ quan quản lý nhà nước được giao nhiệm vụ kiểm tra trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về: đầu tư (bao gồm: đầu tư công, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)), đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp, quy hoạch.

- Trong một vụ việc có nhiều hành vi vi phạm, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập ngay biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi đã được xác định là vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình.

Trường hợp vụ việc vượt quá thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì chuyển bản gốc biên bản vi phạm hành chính cùng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (nếu có) đến người có thẩm quyền xử phạt để tiến hành xử phạt theo quy định tại khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020).

Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền.

Võ Tấn Đại

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,028

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]