Hướng dẫn thủ tục mở lớp dạy thêm tại nhà online năm 2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
15/02/2025 08:30 AM

Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn chi tiết thủ tục mở lớp dạy thêm tại nhà online năm 2025.

Hướng dẫn thủ tục mở lớp dạy thêm tại nhà online năm 2025 (Hình từ internet)

1. Năm 2025, mở lớp dạy thêm tại nhà phải đăng ký kinh doanh 

Theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT thì tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:

- Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

- Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).

Như vậy, một trong những yêu cầu để tổ chức hoặc cá nhân mở lớp dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh là phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

2. Hướng dẫn thủ tục mở lớp dạy thêm tại nhà online năm 2025

Việc đăng ký kinh doanh dạy thêm có thể thực hiện đăng ký theo một trong các loại hình kinh doanh sau: Hộ kinh doanh, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. 

Trong đó, đối với giáo viên đăng ký kinh doanh dạy thêm ngoài nhà trường sẽ phù hợp với loại hình hộ kinh doanh. 

Theo đó, dưới đây là các bước thực hiện nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh online năm 2025 như sau: 

Bước 1: Truy cập vào đường link: http://hokinhdoanh.dkkd.gov.vn 

Chọn “Đăng nhập” ở góc phải màn hình

Bước 2: Chọn tài khoản đăng nhập “Tài khoản cấp bởi dịch vụ công quốc gia”

Bước 3: Sau khi đăng nhập thành công

- Chọn “Đăng ký hộ kinh doanh” để đăng ký thành lập mới hộ kinh doanh.

Bước 4: Chọn “Đăng ký thành lập mới hộ kinh doanh/địa điểm kinh doanh” và nhấn “Tiếp tục”

Bước 5: Xác nhận thông tin đăng ký

- Màn hình sẽ hiển thị thông tin người sử dụng đã điền về loại hình đăng ký. 

- Nhấn nút “Bắt đầu” để tiếp tục đăng ký hoặc “Trở về” để quay về màn hình trước => Trạng thái của hồ sơ chuyển thành “Đã lưu”

Bước 6: Chọn loại hình đăng ký hộ kinh doanh.

Bước 7: Nhập các thông tin từ hồ sơ đăng ký thành lập mới vào các khối thông tin tương ứng trong các khối dữ liệu trên màn hình (tương ứng với nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh và các biểu mẫu kèm theo).

Lưu ý:

- Các khối thông tin trong hồ sơ đăng ký điện tử cần được nhập đầy đủ và chính xác theo Giấy đề nghị của hộ kinh doanh.

- Dấu tích trên màn hình chỉ thể hiện thông tin đã được LƯU; KHÔNG thể hiện thông tin đã được nhập đầy đủ, chính xác.

Bước 8: Chỉ định người ký xác thực hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh

- Người nộp hồ sơ thực hiện gán tên người ký xác thực hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh theo quy định. Người ký phải sử dụng chữ ký số công cộng để ký xác thực hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh.

- Người nộp hồ sơ chọn khối thông tin "Người ký";

- Trong trường “Tìm kiếm email”: Nhập email của người chịu trách nhiệm ký hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh và nhấn nút "Tìm kiếm" → Hệ thống tự động điền thông tin về Họ tên của người chịu trách nhiệm ký hồ sơ. Thông tin về họ tên và email của cá nhân chịu trách nhiệm ký hồ sơ không chỉnh sửa được tại khối thông tin Người ký, nếu cần chỉnh sửa các thông tin này, người ký cần đăng nhập tài khoản và sửa đổi thông tin tại mục “Quản lý thông tin cá nhân”.

- Để tìm kiếm được thông tin về cá nhân chịu trách nhiệm ký hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh theo địa chỉ email, địa chỉ email cần phải:

+ Đã được đăng ký tại bước đăng ký tài khoản thông thường;

+ Tài khoản thông thường phải ở trạng thái “đang hoạt động” và đã được kết nối với chữ ký số công cộng (tương ứng với phương thức nộp hồ sơ của bộ hồ sơ đang chuẩn bị).

- Người nộp hồ sơ nhập thông tin về Chức danh của người ký tại trường thông tin “Chức danh”;

- Người nộp hồ sơ nhấn nút "Chọn" để yêu cầu cá nhân chịu trách nhiệm ký xác thực hồ sơ ký xác thực hồ sơ. Thông tin về người ký sẽ được cập nhật vào danh sách: Danh sách người ký/xác thực;

- Hệ thống sẽ tự động gửi email thông báo đến địa chỉ email đã đăng ký của người ký xác thực hồ sơ nếu người ký không phải là người tạo hồ sơ.

Lưu ý:

- Tại bước này, nếu người nộp hồ sơ muốn xóa tên một người khỏi danh sách người ký xác thực hồ sơ, chọn nút "Xóa" tương ứng với cá nhân đó trong danh sách, xác nhận lại việc xóa tên người ký xác thực hồ sơ → Tên người ký này sẽ được xóa khỏi danh sách.

- Tại Bước 7, người nộp hồ sơ chọn phương thức nộp hồ sơ sử dụng chữ ký số công cộng => tất cả các cá nhân ký số lên hồ sơ đều phải ký hồ sơ bằng chữ ký số công cộng (Hệ thống không cho phép cá nhân có Tài khoản đăng ký kinh doanh ký xác thực hồ sơ này).

Bước 9: Kiểm tra thông tin hồ sơ

- Nhấn nút "Kiểm tra thông tin" để kiểm tra xem các thông tin cần nhập đã đầy đủ và đúng theo yêu cầu;

- Hệ thống sẽ hiển thị các cảnh báo lỗi nếu thông tin đã nhập chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác;

- Trong trường hợp có cảnh báo lỗi: tích vào dòng cảnh báo lỗi → Hệ thống sẽ tự động chuyển đến màn hình có trường thông tin bị lỗi;

- Sau khi sửa lỗi, nhấn nút "Đóng báo cáo KT thông tin" để đóng các cảnh báo lỗi;

- Nhấn nút "Kiểm tra thông tin" để kiểm tra lại thông tin hồ sơ:

+ Nếu không còn cảnh báo lỗi, thực hiện tiếp các bước tiếp theo.

+ Nếu còn cảnh báo lỗi, thực hiện lại các bước trên.

- Nhấn nút "Xem trước" để kiểm tra thông tin hộ kinh doanh đã nhập.

Xem thêm: Hồ sơ mở lớp dạy thêm tại nhà cho giáo viên năm 2025

3. Một số lưu ý đối với giáo viên mở lớp dạy thêm tại nhà

Để được dạy thêm ngoài nhà trường giáo viên cần đáp ứng các điều kiện sau đây: 

- Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).

Đồng thời, giáo viên cần lưu ý những trường hợp không được dạy thêm và tổ chức dạy thêm sau đây: 

- Không tổ chức dạy thêm học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

- Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

(Điều 4, Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]