Đã có Nghị quyết 67/2025/UBTVQH15 về các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân (Hình từ văn bản)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết 67/2025/UBTVQH15 ngày 06/02/2025 quy định về bậc, điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc và số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân.
![]() |
Nghị quyết 67/2025/UBTVQH15 |
Theo Nghị quyết 67/2025/UBTVQH15 thì các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân gồm có:
- Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1;
- Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2;
- Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3.
Theo đó, nguyên tắc nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân và thẩm quyền quyết định nâng bậc, xếp bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân như sau:
- Nguyên tắc nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân:
+ Việc nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân được thực hiện thông qua việc xét nâng bậc; bảo đảm điều kiện của từng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân; căn cứ vào vị trí việc làm, số lượng, cơ cấu tỷ lệ các bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân tại mỗi cấp Tòa án được giao và các quy định khác tại Nghị quyết 67/2025/UBTVQH1;
+ Bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật;
+ Chỉ thực hiện xét nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân lên bậc cao hơn liền kề với bậc đang giữ;
+ Không thực hiện xét nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân đối với trường hợp đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang trong thời gian bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử hoặc đang trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
- Thẩm quyền quyết định nâng bậc, xếp bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân:
+ Căn cứ số lượng của từng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân được giao; điều kiện của từng bậc, việc nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân và các quy định khác của Nghị quyết này, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo phân cấp quản lý đề nghị xét nâng bậc, xếp bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân;
+ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định nâng bậc, xếp bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân.
Điều khoản chuyển tiếp tại Nghị quyết 67/2025/UBTVQH15 như sau:
- Thẩm phán cao cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014 được chuyển thành Thẩm phán Tòa án nhân dân theo quy định tại Điều 152 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xếp bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân như sau:
+ Thẩm phán cao cấp được xếp vào Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3. Thời gian giữ bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3 tính từ thời điểm bổ nhiệm lần đầu Thẩm phán cao cấp;
+ Thẩm phán trung cấp được xếp vào Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2. Thời gian giữ bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2 tính từ thời điểm bổ nhiệm lần đầu Thẩm phán trung cấp;
+ Thẩm phán sơ cấp được xếp vào Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1. Thời gian giữ bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 1 tính từ thời điểm bổ nhiệm lần đầu Thẩm phán sơ cấp.
- Việc chuyển, xếp bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị quyết 67/2025/UBTVQH15 không thực hiện đồng thời với xét nâng bậc Thẩm phán Tòa án nhân dân.
Nghị quyết 67/2025/UBTVQH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 06/02/2025.
Quy định về số lượng Thẩm phán của Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp tại Nghị quyết 473a/NQ-UBTVQH13; Nghị quyết 1278/NQ-UBTVQH13; Nghị quyết 571/NQ-UBTVQH14; Nghị quyết 572/NQ-UBTVQH14 hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết 67/2025/UBTVQH15 có hiệu lực thi hành.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định số lượng, cơ cấu tỷ lệ Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 2 và Thẩm phán Tòa án nhân dân bậc 3 của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt khi thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt trong tổng biên chế của Tòa án nhân dân do cấp có thẩm quyền quyết định.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết 67/2025/UBTVQH15.