TPHCM khuyến khích cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật hoặc năng lực hạn chế tự nguyện xin từ chức (Hình từ internet)
Ngày 12/02/2025, UBND TPHCM ban hành Quyết định 18/2025/QĐ-UBND quy định về miễn nhiệm, từ chức, điều chuyển, thay thế đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên sau khi bị kỷ luật hoặc uy tín giảm sút; năng lực hạn chế, kết quả công tác không đáp ứng yêu cầu thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Quyết định 18/2025/QĐ-UBND của UBND TPHCM.
Cụ thể, Quyết định 18/2025/QĐ-UBND áp dụng đối với:
- Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, cơ quan báo chí thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TPHCM.
- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên thuộc thẩm quyền quản lý của UBND TPHCM.
Trong đó, tại nguyên tắc thực hiện miễn nhiệm, từ chức, điều chuyển, thay thế đối với cán bộ lãnh đạo, sau khi bị kỷ luật hoặc uy tín giảm sút; năng lực hạn chế, kết quả công tác không đáp ứng yêu cầu thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh theo Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 18/2025/QĐ-UBND, đã nêu nội dung:
- Kiên quyết, kịp thời xem xét cho miễn nhiệm, từ chức, điều chuyển, thay thế đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, cơ quan báo chí, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên khi có đủ căn cứ.
- Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, cơ quan báo chí, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên bị xử lý kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.
Nếu không tự nguyện xin từ chức thì cấp có thẩm quyền xem xét miễn nhiệm, điều chuyển, thay thế theo quy định.
Ngoài ra, đối với trường hợp cán bộ tự nguyện xin điều chuyển, thay thế vị trí công tác do nhận thấy uy tín giảm sút hoặc năng lực, sức khỏe hạn chế; do nhận thấy có trách nhiệm đối với các sai phạm, yếu kém của cơ quan, đơn vị phụ trách, thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đồng thời, không bố trí giữ chức vụ quản lý đối với lĩnh vực mà người bị điều chuyển đã vi phạm (là nguyên nhân của việc điều chuyển, thay thế).
Theo đó, việc xem xét đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị, cơ quan báo chí, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên xin từ chức được căn cứ vào một trong các trường hợp sau:
(1) Do hạn chế về năng lực hoặc uy tín giảm sút để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
(2) Để cơ quan, đơn vị mình quản lý, phụ trách xảy ra sai phạm nghiêm trọng.
(3) Có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định.
(4) Có đơn tự nguyện, chủ động xin thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
(5) Vì lý do chính đáng khác của cá nhân.
(Điều 6 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 18/2025/QĐ-UBND)
Theo Điều 2 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 18/2025/QĐ-UBND: - "Uy tín giảm sút" là khi cán bộ có một trong các trường hợp như sau: + Bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên. + Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đến mức phải xử lý kỷ luật hình thức "cảnh cáo" trở lên. + Kết quả lấy phiếu tín nhiệm: nếu có trên 50% số phiếu tín nhiệm thâp (kể cả trường hợp lấy phiếu tín nhiệm đột xuất khi có chỉ đạo của cấp trên). - "Năng lực hạn chế, kết quả công tác không đáp ứng yêu cầu" thể hiện một trong các trường hợp sau: + Địa phương, cơ quan, đơn vị được phân công trực tiếp phụ trách được xếp loại "không hoàn thành nhiệm vụ" 01 năm và có hạn chế, khuyết điểm đến mức cấp có thẩm quyền phê bình bằng văn bản. + Địa phương, cơ quan, đơn vị trực tiếp phụ trách có 02 năm liên tục xếp loại hoàn thành nhiệm vụ và có hạn chế, khuyết điểm đến mức câp có thẩm quyền phê bình bằng văn bản. + Cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của mình vi phạm tham ô, tham nhũng và có nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật theo quy định (trừ trường hợp tự phát hiện và khắc phục được hậu quả). + Chỉ hoàn thành dưới 50% số chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác được giao trong năm. - "Vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng" là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại lớn, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, làm giảm uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác. - "Vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng" là vi phạm có tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, gây dư luận xấu, rất bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, làm mất uy tín của bản thân và tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi đảng viên sinh hoạt, công tác. |
Xem thêm chi tiết tại Quyết định 18/2025/QĐ-UBND có hiệu lực từ ngày 25/02/2025.