6 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 15/02/2025 (Hình từ internet)
Dưới đây là 6 chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ ngày 15/02/2025:
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội ban hành Thông tư 15/2024/TT-BLĐTBXH ngày 31/12/2024 bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội ban hành, liên tịch ban hành. Trong đó, bãi bỏ 10 văn bản quy phạm pháp luật về lao động, tiền lương bao gồm:
- Thông tư 08/2013/TT-BLĐTBXH ngày 10/6/2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn Nghị định 46/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tranh chấp lao động.
- Thông tư 30/2013/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 44/2013/NĐ-CP ngày 10/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động.
- Thông tư 19/2014/TT-BLĐTBXH ngày 15/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 27/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình.
- Thông tư 27/2014/TT-BLĐTBXH ngày 06/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc cơ quan quản lý nhà nước về lao động lấy ý kiến tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở địa phương trong việc xây dựng chính sách, pháp luật về lao động và những vấn đề về quan hệ lao động.
- Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.
- Thông tư 29/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều về thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể và giải quyết tranh chấp lao động quy định tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.
- Thông tư 35/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách đối với người lao động khi chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo Quyết định 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/06/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
- Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH ngày 17/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp.
- Thông tư 20/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn cơ chế phối hợp trong việc thực hiện thanh tra chuyên ngành lao động, an toàn, vệ sinh lao động vào ban đêm, ngoài giờ hành chính.
- Quyết định 01/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 16/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy chế hoạt động thanh tra nhà nước về lao động theo phương thức thanh tra viên phụ trách vùng.
Chính phủ ban hành Nghị định 174/2024/NĐ-CP ngày 30/12/2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Trong đó, quy định phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không thiết lập, duy trì hoạt động đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin tai nạn, tổn thất, hướng dẫn, giải đáp cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và các bên có liên quan về các vấn đề liên quan tới bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Tại khoản 3 Điều 75 Nghị định 67/2023/NĐ-CP quy định doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thiết lập, duy trì hoạt động 24 giờ/7 ngày đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin tai nạn, tổn thất, hướng dẫn, giải đáp cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và các bên có liên quan về các vấn đề liên quan tới bảo hiểm bắt buộc. Thực hiện ghi âm các cuộc gọi đến đường dây nóng để bảo đảm quyền lợi của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 14/2024/TT-BLĐTBXH ngày 31/12/2024 quy định tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, các tiêu chí kiểm định chất lượng trường trung cấp, trường cao đẳng (sau đây gọi là trường) bao gồm:
Tiêu chí 1 - Sứ mạng, mục tiêu, tổ chức và quản lý;
Tiêu chí 2 - Hoạt động đào tạo;
Tiêu chí 3 - Nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động;
Tiêu chí 4 - Chương trình đào tạo, giáo trình;
Tiêu chí 5 - Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo;
Tiêu chí 6 - Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế;
Tiêu chí 7 - Người học và hoạt động hỗ trợ người học;
Tiêu chí 8 - Giám sát, đánh giá chất lượng.
Điểm đánh giá cho mỗi tiêu chuẩn đạt yêu cầu là 2 điểm, tiêu chuẩn không đạt yêu cầu là 0 điểm. Tiêu chuẩn đạt yêu cầu được xác định trên cơ sở trường đáp ứng tiêu chuẩn trong 02 năm gồm 01 năm trước năm đánh giá và năm đánh giá đối với trường trung cấp, trong 03 năm gồm 02 năm trước năm đánh giá và năm đánh giá đối với trường cao đẳng. Bảng tổng hợp các tiêu chí, số lượng tiêu chuẩn và điểm chuẩn của từng tiêu chí tại Phụ lục 01.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 17/2024/TT-BTTTT ngày 30/12/2024 quy định thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng 2022 trong ngành Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông được xét tặng cho các tập thể, cá nhân đạt tiêu chuẩn sau đây:
- “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông” về thành tích theo công trạng:
+ Tặng hoặc truy tặng cho cá nhân thuộc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi cơ sở hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi cơ sở.
+ Tặng cho tập thể cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ; các phòng, ban và tương đương trực thuộc cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ, 02 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nội bộ đoàn kết, gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt phong trào thi đua; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với mọi thành viên trong tập thể.
- “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông” về thành tích trong phong trào thi đua thường xuyên hằng năm, theo chuyên đề do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động: được xét tặng khi tổng kết phong trào thi đua thường xuyên hằng năm, theo chuyên đề; Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tặng danh hiệu cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua. Về đối tượng, số lượng Bằng khen, tiêu chuẩn xét tặng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ quy định cụ thể theo từng phong trào thi đua.
- “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông” tặng hoặc truy tặng cho công nhân, người lao động gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lập được nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức doanh nghiệp trong ngành Thông tin và Truyền thông.
- “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông” tặng cho tập thể, cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có thành tích xuất sắc đột xuất: được xét tặng cho tập thể, cá nhân đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi, liên hoan, triển lãm cấp quốc gia, quốc tế trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông; có sáng kiến, phát minh, sáng chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ đem lại hiệu quả cao hoặc tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc có phạm vi ảnh hưởng lớn, có tác dụng nêu gương học tập trong ngành Thông tin và Truyền thông.
- “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông” về thành tích có quá trình đóng góp lâu năm cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Bộ, ngành Thông tin và Truyền thông, được xét tặng cho các tập thể nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống của cơ quan, đơn vị vào các năm tròn và năm lẻ 5.
- “Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông” xét tặng cho tập thể, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài và tập thể, cá nhân người nước ngoài có thành tích đóng góp cho sự phát triển của Bộ, ngành Thông tin và Truyền thông.
- Các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 11/2024/TT-BKHCN ngày 30/12/2024 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ; tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ.
Theo đó, tiêu chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp của viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ bao gồm:
- Có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao, luôn tuân thủ pháp luật, luôn thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp.
- Trung thực, đoàn kết, có tinh thần cầu thị, hợp tác, sáng tạo, sẵn sàng tiếp thu, học hỏi cái mới, tự nâng cao trình độ, có ý thức bảo vệ bí mật nhà nước về khoa học và công nghệ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 12/2024/TT-BNV ngày 08/12/2024 quy định tặng Kỷ niệm chương về ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nội vụ. Trong đó, quy định nguyên tắc xét tặng Kỷ niệm chương như sau:
- Mỗi loại Kỷ niệm chương chỉ xét tặng một lần cho cá nhân. Trường hợp cá nhân đủ tiêu chuẩn có thể được tặng nhiều loại Kỷ niệm chương. Không có hình thức truy tặng Kỷ niệm chương.
- Việc xét tặng Kỷ niệm chương đảm bảo chính xác, công bằng, dân chủ, công khai, minh bạch và kịp thời, đúng đối tượng, tiêu chuẩn được quy định tại Thông tư 12/2024/TT-BNV.
- Thời gian thi hành kỷ luật không được tính vào thời gian công tác để xét tặng Kỷ niệm chương. Đối với trường hợp bị kỷ luật oan sai, đã được phục hồi quyền lợi thì thời gian chịu kỷ luật oan sai được tính vào thời gian công tác để xét tặng Kỷ niệm chương.
- Bộ Nội vụ xét tặng Kỷ niệm chương vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống của các ngành hoặc xét tặng đột xuất đối với các trường hợp đặc biệt.