5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 14/02/2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
12/02/2025 10:50 AM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung chi tiết về 5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 14/02/2025

5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 14/02/2025

5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 14/02/2025 (Hình từ internet)

5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 14/02/2025

Dưới đây là 5 chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ ngày 14/02/2025:

1. Chính thức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm.

Theo đó, quy định về dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường như sau:

- Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:

+ Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;

+ Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

- Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.

- Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường (sau đây gọi chung là Hiệu trưởng) về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.

2. Chính thức bỏ phương thức thi tuyển vào lớp 6 từ năm 2025

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông.

Theo đó, quy định tuyển sinh trung học cơ sở được thực hiện theo phương thức xét tuyển.

Hiện hành, tại Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT (sửa đổi tại Thông tư 05/2018/TT-BGDĐT) quy định tuyển sinh trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển.

Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, sở giáo dục và đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

Như vậy, theo quy định mới thì từ năm 2025 sẽ bỏ hình thức thi tuyển vào lớp 6 đối với tất cả các trường.

3. Trách nhiệm thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 58/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 hướng dẫn về xử lý tiền giả, tiền nghi giả trong ngành ngân hàng. Trong đó quy định trách nhiệm thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả như sau:

- Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi là Sở Giao dịch), Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi phát hiện tiền giả trong giao dịch tiền mặt với khách hàng phải thu giữ theo quy định tại Điều 5 Thông tư này; khi phát hiện tiền nghi giả phải tạm thu giữ theo quy định tại Điều 6 Thông tư 58/2024/TT-NHNN; không trả lại tiền giả, tiền nghi giả cho khách hàng.

- Người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả phải được bồi dưỡng kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả theo chương trình của Ngân hàng Nhà nước hoặc được bồi dưỡng về nghiệp vụ giám định tiền.

Người làm công tác giám định tiền giả, tiền nghi giả của Ngân hàng Nhà nước phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ giám định tiền.

4. Nguyên tắc thực hiện cung ứng dịch vụ ngân quỹ

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 60/2024/TT-NHNN ngày 31/12/2024 quy định về dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó có quy định về mức phí cung ứng dịch vụ ngân quỹ.

- Tổ chức cung ứng dịch vụ chỉ được thực hiện cung ứng dịch vụ ngân quỹ khi:

+ Giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nội dung được phép hoạt động cung ứng dịch vụ ngân quỹ cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác;

+ Có quy định, quy trình nội bộ đối với từng loại hình dịch vụ ngân quỹ cung ứng đảm bảo an toàn tài sản cho tổ chức cung ứng dịch vụ và tổ chức sử dụng dịch vụ.

- Khi thực hiện cung ứng dịch vụ ngân quỹ, tổ chức cung ứng dịch vụ phải có cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hoạt động cung ứng dịch vụ ngân quỹ, gồm:

+ Trường hợp cung ứng dịch vụ vận chuyển tài sản phải trang bị xe chở tiền theo tiêu chuẩn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nếu sử dụng phương tiện khác (ngoài xe chở tiền) để vận chuyển tiền mặt, tài sản quý, giấy tờ có giá, tổ chức cung ứng dịch vụ phải quy định bằng văn bản và hướng dẫn quy trình vận chuyển, bảo vệ; các biện pháp đảm bảo an toàn tài sản;

+ Trường hợp bảo quản tài sản phải sử dụng kho tiền có tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Ngân hàng Nhà nước;

+ Trang bị các loại phương tiện, máy móc, thiết bị phù hợp với từng loại hình cung ứng dịch vụ ngân quỹ;

+ Có hệ thống thanh toán, kế toán, quản lý vốn tiền mặt khi cung ứng dịch vụ ngân quỹ.

5. Quy trình cơ bản trong công tác nghiệm thu dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 16/2024/TT-BTTTT ngày 30/12/2024 hướng dẫn nội dung công tác triển khai, giám sát, nghiệm thu đối với dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; xác định yêu cầu về chất lượng dịch vụ và nội dung đặc thù của hợp đồng thuê dịch vụ đối với thuê dịch vụ công nghệ thông tin theo yêu cầu riêng.

- Thực hiện kiểm thử hoặc vận hành thử trước khi tổ chức nghiệm thu sản phẩm, hạng mục công việc của dự án.

+ Đối với thiết bị, phần cứng, phần mềm thương mại, phần mềm phổ biến nhà thầu triển khai chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư tổ chức vận hành thử.

Nội dung vận hành thử theo hướng dẫn tại Phụ lục số 1 của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Kết quả vận hành thử được nhà thầu triển khai lập thành báo cáo;

+ Đối với phần mềm nội bộ, tùy theo mức độ yêu cầu chất lượng và các điều kiện thực tế, chủ đầu tư xem xét, quyết định áp dụng hình thức kiểm thử hoặc vận hành thử và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

Nội dung vận hành thử phần mềm nội bộ theo hướng dẫn tại Phụ lục số 2 của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Quá trình vận hành thử phần mềm nội bộ, chủ đầu tư cần kiểm soát chất lượng phần mềm đối với các yêu cầu phi chức năng trên cơ sở báo cáo kết quả kiểm thử trong nội bộ của nhà thầu triển khai. Kết quả vận hành thử phần mềm nội bộ do chủ đầu tư lập thành báo cáo.

Nội dung, kết quả kiểm thử theo hướng dẫn tại Phụ lục số 3 của Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này. Kết quả kiểm thử được chủ đầu tư (nếu tự thực hiện) hoặc đơn vị kiểm thử độc lập (nếu thuê) lập thành báo cáo.

- Thực hiện các công việc nghiệm thu sản phẩm, hạng mục công việc của dự án theo quy định.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]