5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 10/02/2025

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
10/02/2025 08:35 AM

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp nội dung chi tiết về 5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 10/02/2025

5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 10/02/2025

5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 10/02/2025 (Hình từ internet)

5 chính sách mới có hiệu lực từ ngày 10/02/2025

Dưới đây là 5 chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ ngày 10/02/2025:

1. Thanh tra việc quản lý dạy thêm học thêm

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 28/2024/TT-BGDĐT ngày 31/12/2024 quy định nội dung thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục.

Theo đó, quy định nội dung thanh tra chuyên ngành đối với cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm:

- Ban hành văn bản, quy định quản lý nội bộ và phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng bộ máy tổ chức; thực hiện các quy định về công khai trong lĩnh vực giáo dục; công tác kiểm tra nội bộ và việc thực hiện các quy định về tổ chức và hoạt động theo Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.

- Thực hiện quy chế chuyên môn, thực hiện nội dung, phương pháp giáo dục; việc quản lý, lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục, thiết bị dạy học và đồ chơi trẻ em.

- Thực hiện quy chế tuyển sinh, quản lý, giáo dục người học và các chế độ, chính sách đối với người học, quản lý cấp phát văn bằng.

- Công tác xã hội hóa giáo dục, quản lý dạy thêm, học thêm.

- Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; chấp hành quy định về kiểm định chất lượng giáo dục.

- Thực hiện quy định về thu, quản lý, sử dụng học phí, các nguồn lực tài chính khác.

- Công khai trong hoạt động của cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, từ ngày 10/02/2025 sẽ thanh tra việc quản lý dạy thêm, học thêm.

2. Tiêu chuẩn chức danh công chứng viên

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 15/2024/TT-BTP ngày 26/12/2024 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên, đấu giá viên, hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp.

Theo đó, quy định tiêu chuẩn chức danh công chứng viên làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp như sau:

* Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của chức danh nghề nghiệp công chứng viên

- Có bằng cử nhân luật.

- Đã được bổ nhiệm công chứng viên.

* Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của chức danh nghề nghiệp công chứng viên

- Nắm vững và có năng lực vận dụng, triển khai các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực công chứng và lĩnh vực có liên quan.

- Có năng lực thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của công chứng viên theo quy định của pháp luật.

- Có năng lực hướng dẫn, giải đáp các vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề công chứng.

- Có khả năng nghiên cứu, tổng hợp, phân tích, đánh giá, thuyết phục, tổ chức triển khai công việc và giải quyết các vấn đề phát sinh, xử lý các tình huống trong lĩnh vực công chứng.

- Có kỹ năng phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ công chứng.

- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và trình độ ngoại ngữ theo vị trí việc làm.

3. Hồ sơ giải quyết khiếu nại, kiến nghị và khởi kiện trong kiểm toán nhà nước

Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định 09/2024/QĐ-KTNN ngày 27/12/2024 về Quy định danh mục hồ sơ kiểm toán; chế độ nộp lưu, bảo quản, khai thác và hủy hồ sơ kiểm toán. Trong đó, quy định hồ sơ giải quyết khiếu nại, kiến nghị và khởi kiện trong hoạt động kiểm toán nhà nước như sau:

- Hồ sơ giải quyết khiếu nại, gồm:

+ Đơn khiếu nại;

+ Tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp;

+ Biên bản kiểm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định (nếu có);

+ Biên bản tổ chức đối thoại (nếu có);

+ Ý kiến tư vấn của Hội đồng (nếu có);

+ Quyết định giải quyết khiếu nại;

+ Các tài liệu khác có liên quan.

- Hồ sơ trả lời kiến nghị kiểm toán, gồm:

+ Văn bản kiến nghị;

+ Tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp;

+ Biên bản kiểm tra, xác minh, kết luận, kết quả giám định (nếu có);

+ Ý kiến tư vấn của Hội đồng (nếu có);

+ Công văn trả lời kiến nghị;

+ Các tài liệu khác có liên quan.

- Hồ sơ, tài liệu liên quan đến khởi kiện trong hoạt động kiểm toán nhà nước (nếu có).

4. Tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên Công an nhân dân

Chính phủ ban hành Nghị định 164/2024/NĐ-CP ngày 25/12/2024 quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra Công an nhân dân. Trong đó, quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên như sau:

- Tiêu chuẩn chung

Đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại Điều 39 Luật Thanh tra, cụ thể như sau:

+ Được xếp loại cán bộ ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liên kề trước năm bổ nhiệm; không trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc xem xét xử lý kỷ luật;

+ Am hiểu pháp luật và công tác nghiệp vụ của ngành Công an; có kiến thức quản lý nhà nước; biết sử dụng tin học, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu công tác hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số đối với các vùng có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống;

+ Có bằng tốt nghiệp đại học Công an trở lên hoặc đại học ngành khác trở lên đã được bồi dưỡng nghiệp vụ Công an.

- Tiêu chuẩn cụ thể

+ Có bằng tốt nghiệp sơ cấp lý luận chính trị, chính trị - hành chính trở lên hoặc có giấy xác nhận trình độ sơ cấp lý luận chính trị trở lên của cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

+ Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra viên.

5. Tiêu chuẩn xét thăng hạng chức danh hỗ trợ pháp lý hạng II

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 16/2024/TT-BTP ngày 26/12/2024 quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với các chức danh nghề nghiệp hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp.

Theo đó, viên chức được dự xét thăng hạng chức danh hỗ trợ pháp lý hạng II khi đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 3 Thông tư 16/2024/TT-BTP và các tiêu chuẩn, điều kiện sau:

- Đang giữ chức danh hỗ trợ pháp lý hạng III.

- Đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm tương ứng với chức danh hỗ trợ pháp lý hạng II quy định tại Thông tư 06/2023/TT-BTP hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tư pháp.

- Đáp ứng yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh hỗ trợ pháp lý hạng II đối với từng chức danh cụ thể quy định tại Thông tư 15/2024/TT-BTP quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp công chứng viên, đấu giá viên, hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp.

- Có thời gian giữ chức danh hỗ trợ pháp lý hạng III hoặc tương đương từ đủ 09 năm cộng dồn (108 tháng) trở lên. Trường hợp có thời gian giữ chức danh tương đương với chức danh hỗ trợ pháp lý hạng III thì thời gian giữ ngạch hỗ trợ pháp lý hạng III tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng), tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]