Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH ngày 10/01/2025 quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 28/02/2025; các quy định tại Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH áp dụng kể từ ngày 01/01/2025.
Theo đó, đối tượng áp dụng Thông tư 01/2025/TT-BLĐTBXH quy định mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội như sau:
- Đối tượng điều chỉnh tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 Nghị định 115/2015/NĐ-CP bao gồm:
+ Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2016 trở đi, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2025 đến ngày 31/12/2025.
+ Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2025 đến ngày 31/12/2025.
- Đối tượng điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 134/2015/NĐ-CP là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, bảo hiểm xã hội một lần hoặc bị chết mà thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần trong thời gian từ ngày 01/01/2025 đến ngày 31/12/2025.
Đây là nội dung tại Nghị định 9/2025/NĐ-CP ngày 10/01/2025 quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật do Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ ngày 25/02/2025 thay thế Nghị định 02/2017/NĐ-CP .
Cụ thể, mức hỗ trợ đối với cây trồng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật như sau:
- Diện tích lúa:
+ Sau gieo trồng từ 01 đến 10 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha;
+ Sau gieo trồng từ trên 10 ngày đến 45 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 8.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 4.000.000 đồng/ha;
+ Sau gieo trồng trên 45 ngày: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha.
- Diện tích mạ: Thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha.
- Diện tích cây hằng năm khác:
+ Giai đoạn cây con (gieo trồng đến 1/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 3.000.000 đồng/ha;
+ Giai đoạn cây đang phát triển (trên 1/3 đến 2/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha;
+ Giai đoạn cận thu hoạch (trên 2/3 thời gian sinh trưởng): thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 7.500.000 đồng/ha.
- Diện tích cây trồng lâu năm:
+ Vườn cây ở thời kỳ kiến thiết cơ bản: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 12.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 6.000.000 đồng/ha;
+ Vườn cây ở thời kỳ kinh doanh thiệt hại đến năng suất thu hoạch nhưng cây không chết: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 20.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 10.000.000 đồng/ha;
+ Vườn cây ở thời kỳ kinh doanh thiệt hại làm cây chết hoặc được đánh giá là cây không còn khả năng phục hồi trở lại trạng thái bình thường; vườn cây đầu dòng ở giai đoạn được khai thác vật liệu nhân giống: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha;
+ Cây giống trong giai đoạn vườn ươm được nhân giống từ nguồn vật liệu khai thác từ cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng: thiệt hại trên 70% diện tích, hỗ trợ 60.000.000 đồng/ha; thiệt hại từ 30% đến 70% diện tích, hỗ trợ 30.000.000 đồng/ha.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 02/2025/TT-BLĐTBXH ngày 10/01/2025 quy định chế độ báo cáo thống kê ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, có hiệu lực từ ngày 25/02/2025 thay thế Thông tư 15/2019/TT-BLĐTBXH .
Theo đó, các hình thức báo cáo thống kê ngành Lao động - Thương binh và Xã hội như sau:
- Báo cáo qua đường hành chính: Báo cáo phải được lập thành văn bản và tệp dữ liệu điện tử định dạng bảng tính Excel. Báo cáo bằng văn bản phải có chữ ký, đóng dấu xác nhận của Thủ trưởng đơn vị báo cáo.
- Báo cáo điện tử: Dữ liệu, số liệu báo cáo thống kê định kỳ được cập nhật vào Hệ thống thu thập số liệu thống kê ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa chỉ “https://thongke.molisa.gov.vn” trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tiến đến thay thế báo cáo giấy bằng báo cáo thực hiện qua môi trường điện tử.
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 41/2024/TT-BCT ngày 30/12/2024 quy định danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực Công Thương ở địa phương, có hiệu lực từ ngày 21/02/2025.
Theo đó, Danh mục vị trí công tác tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực Công Thương tại Ủy ban nhân dân các cấp phải thực hiện định kỳ chuyển đổi như sau:
- Cấp các loại giấy phép liên quan đến xuất nhập khẩu, dịch vụ thương mại, cụ thể:
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân kinh doanh mua bán LPG/LNG/CNG;
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ LPG vào chai;
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu;
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu;
+ Giấy tiếp nhận thông báo kinh doanh xăng dầu bằng thiết bị bán xăng dầu quy mô nhỏ;
+ Giấy phép bán buôn rượu trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
+ Giấy phép bán lẻ rượu;
+ Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá;
+ Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá;
+ Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam;
+ Giấy phép kinh doanh, Giấy phép lập cơ sở bán lẻ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;
+ Giấy phép hoạt động phân phối điện đến cấp điện áp 35 kV tại địa phương;
+ Giấy phép hoạt động bán lẻ điện đến cấp điện áp 0,4 kV tại địa phương.
- Cấp các loại giấy phép liên quan đến việc bảo đảm tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất, kinh doanh, cụ thể:
+ Giấy phép cho các hoạt động trong phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện;
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất tiền chất thuốc nổ;
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất/kinh doanh/sản xuất và kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp;
+ Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
+ Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho người liên quan đến sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
+ Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn tiền chất thuốc nổ cho người được giao quản lý kho, nơi cất giữ tiền chất thuốc nổ;
+ Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào chai;
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG vào xe bồn;
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện trạm nạp LPG/LNG/CNG vào phương tiện vận tải;
+ Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh;
+ Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp (quy mô dưới 3 triệu lít/năm);
+ Giấy phép hoạt động phát điện đối với nhà máy điện có công suất dưới 3 MW đặt tại địa phương;
+ Thông báo xác nhận công bố sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 phù hợp các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy các sản phẩm, hàng hóa phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.