Theo Điều 6 của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (áp dụng từ 14/02/2025), tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, cùng các điều kiện khác.
Mặt khác hiện nay, pháp luật cũng không có quy định nào về việc ngăn cấm người thân của giáo viên đăng ký hộ kinh doanh các ngành nghề được phép theo quy định, trong đó bao gồm việc kinh doanh dạy thêm.
Do đó, người thân của giáo viên hoàn toàn có thể được đứng tên chủ hộ kinh doanh dạy thêm, đồng thời phải đảm bảo thực hiện các điều kiện theo Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, bao gồm:
- Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;
- Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm (theo Mẫu số 02 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).
![]() |
Mẫu số 02 |
- Người dạy thêm ngoài nhà trường phải bảo đảm có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn phù hợp với môn học tham gia dạy thêm.
Ngoài ra, đối với giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với Hiệu trưởng hoặc Giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm (theo Mẫu số 03 tại Phụ lục kèm theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT).
![]() |
Mẫu số 03 |
Người đứng tên chủ hộ kinh doanh dạy thêm là người thân của giáo viên được không? (Hình từ internet)
Theo quy định hiện nay tại Điều 14 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, đã quy định các cơ quan đăng ký kinh doanh như sau:
- Cơ quan đăng ký kinh doanh được tổ chức ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), bao gồm:
+ Ở cấp tỉnh: Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư (gọi chung là Phòng Đăng ký kinh doanh).
Phòng Đăng ký kinh doanh có thể tổ chức các điểm để tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thuộc Phòng Đăng ký kinh doanh tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn cấp tỉnh;
+ Ở cấp huyện: Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (gọi chung là Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện).
- Cơ quan đăng ký kinh doanh có tài khoản và con dấu riêng.
Theo Điều 7 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT hướng dẫn về thu và quản lí tiền học thêm như sau:
- Kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm.
- Việc thu, quản lí, sử dụng tiền học thêm thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính, ngân sách, tài sản, kế toán, thuế và các quy định khác có liên quan.
Như vậy, mức thu tiền học thêm ngoài nhà trường sẽ do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh, học sinh với cơ sở dạy thêm.
Trách nhiệm của cơ sở dạy thêm được quy định tại Điều 14 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT như sau:
(1) Thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
(2) Quản lí và bảo đảm chất lượng dạy thêm, học thêm và quyền lợi của học sinh học thêm, người dạy thêm; quản lí, sử dụng tiền học thêm theo quy định.
(3) Quản lí, lưu giữ hồ sơ tổ chức dạy thêm, học thêm theo quy định.
(4) Báo cáo, giải trình về việc thực hiện quy định tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT và các quy định của pháp luật có liên quan với các cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
(5) Tiếp nhận và xử lí ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của học sinh và cha mẹ học sinh về việc dạy thêm, học thêm trước và trong quá trình tổ chức thực hiện.