Cá nhân phải đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2023/TT-BKHĐT ngày 18/04/2023.
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021.
Căn cứ Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh:
Tùy vào đặc điểm kinh doanh, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có thể lựa chọn 01 trong các phương pháp sau:
(i) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai:
- Đối tượng áp dụng: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
- Khai thuế: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới ra kinh doanh và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý theo quy định tại Điều 9 Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ.
(Thông tư 88/2021/TT-BTC ngày 11/10/2021 hướng dẫn chế độ kế toán cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh).
Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không phải thực hiện chế độ kế toán.
(ii) Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh:
- Đối tượng áp dụng: Cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định.
- Khai thuế: Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh thực hiện khai thuế khi có phát sinh doanh thu chịu thuế.
- Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh không bắt buộc phải thực hiện chế độ kế toán, nhưng phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và xuất trình kèm theo hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh.
(iii) Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán:
- Đối tượng áp dụng: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh.
- Khai thuế: Hộ khoán khai thuế theo năm, nộp thuế theo thời hạn ghi trên Thông báo nộp tiền của cơ quan thuế. Trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng số thì hộ khoán khai thuế, nộp thuế riêng đối với doanh thu phát sinh trên hóa đơn đó theo từng lần phát sinh.
- Hộ khoán không phải thực hiện chế độ kế toán. Hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho cơ quan thuế các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp khi đề nghị cấp, bán lẻ hóa đơn theo từng lần phát sinh.
(iv) Một số trường hợp đặc thù:
- Cá nhân cho thuê tài sản.
- Cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, đại lý bán hàng đa cấp.
05 quy định về thuế mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cần biết (Hình từ internet)
Tùy theo phương pháp tính thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh lựa chọn:
- Hộ kê khai: đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020.
Các hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai có hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng theo mô hình kinh doanh (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ hàng tiêu dùng; ăn uống; nhà hàng; khách sạn; bán lẻ thuốc tân dược; dịch vụ vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác) sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư 78/2021/TT-BTC ngày 17/09/2021.
- Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh và Hộ khoán: đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020.
Trường hợp người nộp thuế không tuân thủ quy định của pháp luật thuế, có các hành vi vi phạm, tuỳ thuộc vào từng hành vi sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định hiện hành. Cụ thể một số nội dung quy định xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Đối với các hành vi vi phạm về thời hạn đăng ký thuế sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 10 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020.
- Đối với các hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020;
- Đối với các hành vi vi phạm quy định về cung cấp thông tin liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 14 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020;
- Đối với các hành vi vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 15 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020;
- Đối với các hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 16 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020;
- Đối với các hành vi trốn thuế sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020;
- Theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử 2023;
- Theo Khoản 10 Điều 17 Luật Quản lý thuế 2019 quy định: “Người nộp thuế thực hiện hoạt động kinh doanh tại địa bàn có cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin phải thực hiện kê khai, nộp thuế, giao dịch với cơ quan quản lý thuế thông qua phương tiện điện tử theo quy định của pháp luật.”
Quy định về phương thức điện tử trong Luật Quản lý thuế 2019 và Luật Giao dịch điện tử 2023 mang đầy đủ tính pháp lý để cơ quan thuế triển khai các hoạt động quản lý thuế theo phương thức điện tử.