Bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi tinh gọn (Nghị quyết 1403)

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
15/02/2025 09:25 AM

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết 1403/NQ-UBTVQH15, phê duyệt bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi tinh gọn.

Bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi tinh gọn

Bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi tinh gọn (Hình từ internet)

Ngày 07/02/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 1403/NQ-UBTVQH15 về phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi tinh gọn

Theo đó, tại Điều 1 Nghị quyết 1403/NQ-UBTVQH15 đã phê chuẩn đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về bộ máy làm việc mới của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, gồm:

(1) Ủy ban Kiểm sát;

(2) Văn phòng;

(3) Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án an ninh;

(4) Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án trật tự xã hội;

(5) Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án kinh tế, tham nhũng;

(6) Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án ma túy;

(7) Vụ Công tố và Kiểm sát điều tra án tư pháp;

(8) Vụ Công tố và Kiểm sát xét xử hình sự;

(9) Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

(10) Vụ Kiểm sát giam giữ và thi hành án hình sự;

(11) Vụ Kiểm sát án dân sự;

(12) Vụ Kiểm sát án hành chính, kinh doanh thương mại;

(13) Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự;

(14) Vụ Kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp;

(15) Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự;

(16) Vụ Pháp chế;

(17) Vụ Tổ chức cán bộ;

(18) Cục Thống kê tội phạm và chuyển đổi số;

(19) Cục Tài chính;

(20) Thanh tra;

(21) Trường Đại học Kiểm sát (có Phân hiệu Trường Đại học Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh);

(22) Viện Khoa học kiểm sát;

(23) Báo Bảo vệ pháp luật;

(24) Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định cơ cấu tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ công tác của các đơn vị thuộc bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao mới sau tinh gọn tại Nghị quyết 1403/NQ-UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 07/02/2025.

Nghị quyết 951/NQ-UBTVQH13 ngày 28/5/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn Quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hết hiệu lực kể từ ngày 07/02/2025.

Các công tác của Viện kiểm sát nhân dân hiện nay

Cụ thể tại Điều 6 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 quy định về các công tác của Viện kiểm sát nhân dân gồm:

(1) Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố bằng các công tác sau đây:

- Thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;

- Thực hành quyền công tố trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự;

- Thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố tội phạm;

- Thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự;

- Điều tra một số loại tội phạm;

- Thực hành quyền công tố trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.

(2) Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp bằng các công tác sau đây:

- Kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;

- Kiểm sát việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự;

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng trong giai đoạn truy tố;

- Kiểm sát việc xét xử vụ án hình sự;

- Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự;

- Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật;

- Kiểm sát việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;

- Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền;

- Kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp.

(3) Các công tác khác của Viện kiểm sát nhân dân gồm có:

- Thống kê tội phạm; xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế và các công tác khác để xây dựng Viện kiểm sát nhân dân.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]