Giao thông thông minh là gì? Một số quy định chung về hệ thống quản lý giao thông thông minh 2025 (Hình ảnh từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại Điều 40 Luật Đường bộ 2024 thì giao thông thông minh là việc ứng dụng các công nghệ điện tử, thông tin, truyền thông, khoa học quản lý mới, hiện đại nhằm tối ưu hiệu suất quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ; bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, hiệu quả, kịp thời, tiện lợi và thân thiện với môi trường.
Hệ thống quản lý giao thông thông minh được thiết lập để tích hợp, lưu trữ, phân tích dữ liệu phục vụ quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; hỗ trợ hoạt động vận tải, thanh toán điện tử giao thông; cung cấp các dịch vụ giao thông thông minh, được kết nối, chia sẻ dữ liệu với trung tâm chỉ huy giao thông và cơ quan, tổ chức có liên quan,
Cụ thể, căn cứ Điều 64 Nghị định 165/2024/NĐ-CP quy định chung về hệ thống giao thông quản lý thông minh như sau:
* Hệ thống quản lý giao thông thông minh cung cấp các dịch vụ giao thông thông minh sau:
- Quản lý, giám sát, điều hành giao thông đường bộ;
- Thanh toán điện tử giao thông đường bộ;
- Quản lý phương tiện vận tải;
- Cung cấp thông tin giao thông.
* Hệ thống quản lý giao thông thông minh bao gồm các cấu thành sau:
- Hệ thống quản lý, điều hành giao thông đường cao tốc;
- Hệ thống thanh toán điện tử giao thông;
- Hệ thống quản lý, điều hành giao thông đô thị, bao gồm: hệ thống đèn tín hiệu giao thông đường bộ; hệ thống camera trên tuyến giao thông trong đô thị;
- Hệ thống quản lý phương tiện vận tải, bao gồm: hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; công trình kiểm soát tải trọng xe; hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe cơ giới;
- Hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ;
- Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đường bộ;
- Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
* Các hệ thống: hệ thống đèn tín hiệu giao thông đường bộ; hệ thống camera trên tuyến đường bộ, nút giao thông đường bộ; hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe cơ giới; hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ; hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thực hiện theo các quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024.
* Hệ thống thanh toán điện tử giao thông được thực hiện theo các quy định tại Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
* Công trình kiểm soát tải trọng xe được thực hiện theo khoản 4, khoản 5 Điều 39 Luật Đường bộ 2024, cụ thể:
- Công trình kiểm soát tải trọng xe được quy định như sau:
+ Công trình kiểm soát tải trọng xe để xác định tải trọng trục xe, khối lượng toàn bộ của xe tham gia giao thông trên đường bộ, bảo đảm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành;
+ Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định vị trí xây dựng, lắp đặt công trình kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ thuộc phạm vi quản lý;
+ Cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan chức năng có thẩm quyền, tổ chức được giao quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì công trình đường bộ sử dụng công trình kiểm soát tải trọng xe để thực hiện việc thu thập, phân tích, đánh giá tác động của tải trọng trục xe, khối lượng toàn bộ của xe đến an toàn công trình, an toàn giao thông đường bộ; phát hiện vi phạm, xử lý theo quy định của pháp luật;
+ Dữ liệu thu thập từ công trình kiểm soát tải trọng xe phải được kết nối, chia sẻ kịp thời với lực lượng Cảnh sát giao thông để xử lý vi phạm pháp luật.
- Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, trạm thu phí đường bộ, công trình kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ; quy định trình tự, thủ tục đưa bến xe, trạm dừng nghỉ vào khai thác..
* Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đường bộ được thực hiện theo các quy định tại Nghị định 165/2024/NĐ-CP.