Khi nào có toàn văn Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025? (Hình từ internet)
Sáng ngày 19/02/2025, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã chính thức biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi (tức Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025) với kết quả biểu quyết là 95,82%.
Theo Điều 80 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, đối với luật được xây dựng, ban hành theo trình tự, thủ tục bình thường thì Chủ tịch nước sẽ công bố luật chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày luật được thông qua.
Như vậy, sau 15 ngày kể từ ngày 19/02/2025 sẽ có toàn văn Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025.
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2025 mới nhất gồm 07 chương, 50 điều, cụ thể như sau:
- Chương I: Những quy định chung (Điều 1 - Điều 8)
- Chương II: Tổ chức đơn vị hành chính và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính (Điều 9 - Điều 16)
- Chương III: Phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp (Điều 17 - Điều 21)
- Chương IV: Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương (Điều 22 - Điều 48)
- Chương V: Nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại nơi không tổ chức cấp chính quyền địa phương (Điều 49 - Điều 55)
- Chương VI: Điều khoản thi hành (Điều 56 - Điều 58)
Trường hợp nghị quyết của Quốc hội quy định về tổ chức chính quyền đô thị tại một số đơn vị hành chính không tổ chức cấp chính quyền địa phương thì nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính này thực hiện theo quy định của nghị quyết của Quốc hội. Trường hợp một số nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp huyện theo quy định của Luật này chưa được điều chỉnh tại nghị quyết của Quốc hội quy định về tổ chức chính quyền đô thì áp dụng như sau:
- Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm a, b, d, i khoản 1 Điều 19 của Luật này;
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm g, h, k khoản 1 Điều 19 của Luật này.
Trong trường hợp Luật này có quy định khác với quy định của Luật Thủ đô 2024 về cùng một vấn đề mà cần áp dụng theo quy định của Luật này thì Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sau khi thống nhất với Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc áp dụng và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Quy định chuyển tiếp như sau:
- Trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Luật này được thông qua, các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp phải được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc quy định tại các điều 12, 13, 14, 15 và các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp quy định tại Luật này.
Kể từ ngày Luật này được thông qua, để kịp thời đẩy mạnh phân quyền, phân cấp cho chính quyền địa phương trong một số lĩnh vực ưu tiên, cấp bách, giao Chính phủ ban hành nghị định để phân định lại nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và điều chỉnh các quy định khác có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương để thống nhất áp dụng trong thời gian chưa sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thường lệ gần nhất.
- Trong thời gian cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong các ngành, lĩnh vực phù hợp với quy định tại Luật này thì các quy định hiện hành liên quan đến trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được tiếp tục thực hiện cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.