Tải app trên IOS

Xử lý rủi ro trong hoạt động đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
02/11/2023 16:27 PM

Xin hỏi việc xử lý rủi ro trong hoạt động đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được quy định thế nào? - Xuân Hồng (Gia Lai)

Chế độ xử lý rủi ro trong hoạt động đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:

Phạm vi xử lý rủi ro

Căn cứ Khoản 1 Điều 13 Nghị định 30/2016/NĐ-CP quy định phạm vi xử lý rủi ro trong hoạt động đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như sau:

- Các Khoản đầu tư vào hình thức gửi tiền; mua trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại bị rủi ro do ngân hàng thương mại gặp rủi ro theo quy định của pháp luật;

- Các Khoản đầu tư vào các dự án quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ bị rủi ro do chủ đầu tư gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng gồm thiên tai, hỏa hoạn, địch họa.

Xử lý rủi ro trong hoạt động đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội

Xử lý rủi ro trong hoạt động đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội (Hình từ internet)

Biện pháp xử lý rủi ro

Căn cứ Khoản 2 Điều 13 Nghị định 30/2016/NĐ-CP quy định các biện pháp xử lý rủi ro trong hoạt động đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như sau:

(1) Gia hạn nợ là việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam tạm thời chưa thu một phần hoặc toàn bộ số tiền đầu tư khi đến hạn thu hồi trong thời gian tối đa không quá 03 năm, tùy theo từng trường hợp cụ thể;

(2) Khoanh nợ là việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam tạm thời chưa thu một phần hoặc toàn bộ tiền đầu tư và tiền lãi phát sinh khi đến hạn thu hồi trong thời gian nhất định và không tính lãi đối với số tiền (gốc) chưa thu trong thời gian được khoanh nợ; thời hạn khoanh nợ tối đa không quá 03 năm;

(3) Xóa lãi là việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam không thu một phần hoặc toàn bộ tiền lãi đầu tư của bên có liên quan khi đến hạn thanh toán;

(4) Bán nợ là việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyển giao quyền chủ nợ đối với Khoản đầu tư bị rủi ro cho bên mua nợ và nhận thanh toán từ bên mua nợ, được thực hiện theo quy định của pháp luật về mua, bán nợ. Việc mua bán nợ phải được lập thành hợp đồng, trong đó xác định rõ giá bán nợ, chuyển quyền chủ nợ từ bên bán nợ sang bên mua nợ và các thỏa thuận khác có liên quan. Trường hợp số tiền thu được của bên mua nợ nhỏ hơn số tiền bị rủi ro (nếu có), thì số chênh lệch này được xử lý theo quy định tại điểm (5);

(5) Xóa gốc là việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam không thu một phần hoặc toàn bộ tiền gốc đầu tư của bên có liên quan. Nguồn bù đắp xóa nợ được trích từ quỹ dự phòng rủi ro theo quy định nêu trên.

Nguyên tắc xử lý rủi ro

Căn cứ Khoản 3 Điều 13 Nghị định 30/2016/NĐ-CP quy định việc xử lý rủi ro trong hoạt động đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Khoản đầu tư được thực hiện theo đúng thẩm quyền và phương thức đầu tư quy định tại Nghị định 30/2016/NĐ-CP;

- Có đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh Khoản đầu tư bị rủi ro do nguyên nhân khách quan làm thiệt hại một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư (tiền gốc, lãi);

- Việc xử lý rủi ro được xem xét đối với từng trường hợp cụ thể căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến rủi ro, mức độ rủi ro, đảm bảo đầy đủ hồ sơ pháp lý, đúng trình tự và quy định của pháp luật;

- Một Khoản đầu tư bị rủi ro có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp xử lý rủi ro nêu trên.

Thẩm quyền xử lý rủi ro

Căn cứ Khoản 4 Điều 13 Nghị định 30/2016/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử lý rủi ro trong hoạt động đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như sau:

- Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, quyết định xử lý đối với trường hợp gia hạn nợ nêu tại điểm (1);

- Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, quyết định xử lý đối với trường hợp khoanh nợ nêu tại điểm (2) trên cơ sở đề nghị của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;

- Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định xử lý đối với trường hợp xóa lãi, bán nợ, xóa nợ quy định tại các (3), (4) và (5) nêu trên trên cơ sở đề nghị của Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Xử lý khi xảy ra rủi ro dẫn đến vốn đầu tư không thu hồi đúng hạn hoặc không có khả năng thu hồi

Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 13 Nghị định 30/2016/NĐ-CP thì khi xảy ra rủi ro dẫn đến vốn đầu tư không thu hồi đúng hạn hoặc không có khả năng thu hồi, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện như sau:

- Phải kịp thời báo cáo Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan có liên quan để xác minh, đánh giá mức độ thiệt hại, tổn thất về tài sản và lập hồ sơ đề nghị xử lý;

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế và cơ quan có liên quan thẩm định, đề xuất các biện pháp xử lý để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 666

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]