Điều kiện thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
04/10/2023 09:33 AM

Cho tôi hỏi điều kiện thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới nhất được quy định thế nào? - Thùy Trang (Vĩnh Long)

Điều kiện thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới nhất

Điều kiện thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Điều kiện thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ mới nhất

Theo Điều 4 Nghị định 23/2022/NĐ-CP thì doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ được xem xét thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

(1) Có ngành, lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

(2) Đảm bảo đủ vốn điều lệ quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2022/NĐ-CP:

- Doanh nghiệp khi thành lập phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng.

- Trường hợp kinh doanh những ngành, nghề quy định phải có vốn pháp định thì ngoài điều kiện phải có mức vốn điều lệ không thấp hơn 100 tỷ đồng, vốn điều lệ của doanh nghiệp khi thành lập không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh đó.

- Đối với doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội hoặc hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực, địa bàn cần Nhà nước đầu tư vốn để thành lập doanh nghiệp thì vốn điều lệ có thể thấp hơn 100 tỷ đồng nhưng không thấp hơn mức vốn pháp định quy định đối với ngành, nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định.

(3) Có hồ sơ hợp lệ quy định tại Điều 6 Nghị định 23/2022/NĐ-CP:

- Hồ sơ đề nghị thành lập đối với doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập gồm:

+ Tờ trình đề nghị thành lập doanh nghiệp;

+ Đề án thành lập doanh nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 23/2022/NĐ-CP;

+ Dự thảo Điều lệ của doanh nghiệp quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 23/2022/NĐ-CP.

- Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt chủ trương khi thành lập doanh nghiệp do cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập gồm:

+ Tờ trình đề nghị thành lập doanh nghiệp;

+ Đề án thành lập doanh nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 23/2022/NĐ-CP.

- Đề án thành lập doanh nghiệp bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

+ Căn cứ pháp lý, mục tiêu, sự cần thiết thành lập doanh nghiệp;

+ Tên gọi, mô hình tổ chức quản lý doanh nghiệp và thời gian hoạt động;

+ Địa điểm trụ sở chính của doanh nghiệp, địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh và diện tích đất sử dụng; chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có);

+ Nhiệm vụ do Nhà nước giao; ngành, nghề kinh doanh; danh mục sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung ứng;

+ Đánh giá sự phù hợp của việc thành lập doanh nghiệp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành quốc gia;

+ Tình hình thị trường, nhu cầu và triển vọng thị trường về từng loại sản phẩm, dịch vụ do doanh nghiệp cung ứng; công nghệ dự kiến áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh; kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm sau khi thành lập;

+ Mức vốn điều lệ; dự kiến tổng vốn đầu tư (trường hợp thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gắn với thực hiện dự án đầu tư); nguồn và hình thức huy động số vốn còn lại ngoài nguồn vốn đầu tư ban đầu của Nhà nước; phương án hoàn trả vốn huy động; nhu cầu và biện pháp tạo vốn lưu động đối với doanh nghiệp;

+ Dự kiến hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội;

+ Dự kiến khả năng cung ứng nguồn lao động, nguyên liệu, vật liệu, năng lượng, công nghệ và các điều kiện cần thiết khác để hoạt động sau khi thành lập.

- Dự thảo Điều lệ của doanh nghiệp gồm các nội dung chủ yếu sau:

+ Tên, địa chỉ, trụ sở chính của doanh nghiệp; tên, địa chỉ chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có);

+ Ngành, nghề kinh doanh; mục tiêu hoạt động; nhiệm vụ do Nhà nước giao;

+ Vốn điều lệ, cách thức điều chỉnh vốn điều lệ;

+ Tên, địa chỉ của chủ sở hữu doanh nghiệp;

+ Quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu doanh nghiệp;

+ Cơ cấu tổ chức quản lý;

+ Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; phân chia quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật trong trường hợp có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật;

+ Thể thức thông qua quyết định của doanh nghiệp; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;

+ Cơ chế hoạt động tài chính, nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh của doanh nghiệp; căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và Ban kiểm soát, Kiểm soát viên;

+ Quyền, nghĩa vụ của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc và các chức danh quản lý khác của doanh nghiệp;

+ Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản của doanh nghiệp;

+ Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ;

+ Các quy định khác do cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu doanh nghiệp quyết định nhưng không được trái với quy định của pháp luật.

- Trường hợp việc thành lập doanh nghiệp gắn với việc hình thành dự án đầu tư thì thủ tục đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư.

(4) Việc thành lập doanh nghiệp phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành quốc gia.

2. Thẩm quyền quyết định thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ 

Thẩm quyền quyết định thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo Điều 7 Nghị định 23/2022/NĐ-CP như sau:

- Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập doanh nghiệp là công ty mẹ do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ của Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và doanh nghiệp có tài sản hoạt động sản xuất, kinh doanh được hình thành từ việc thực hiện dự án quan trọng quốc gia đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ngoài đối tượng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,009

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn