Chủ Đề Văn Bản

Tra cứu Văn bản, Tiêu Chuẩn VN, Công văn Chủ đề văn bản

Quyền sở hữu công nghiệp: Tổng hợp văn bản hướng dẫn 2024

Quyền sở hữu công nghiệp là một trong các quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân. Sau đây là tổng hợp văn bản hướng dẫn Quyền sở hữu công nghiệp mới nhất.

1. Quyền sở hữu công nghiệp là gì?

Căn cứ Khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Trong đó:

- Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên theo Khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

- Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp theo Khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi Điểm b Khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022).

-Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn là cấu trúc không gian của các phần tử mạch và mối liên kết các phần tử đó trong mạch tích hợp bán dẫn theo Khoản 15 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

- Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau theo Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

- Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanhh (Khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng) theo Khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

- Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể theo Khoản 22 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi Điểm d Khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022).

- Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh theo Khoản 23 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Danh sách văn bản hướng dẫn về quyền sở hữu công nghiệp (Hình từ Internet)

2. Căn cứ xác lập Quyền sở hữu công nghiệp

Theo Khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019) thì quyền sở hữu công nghiệp được xác lập như sau:

- Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

 + Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký.

 + Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

- Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;

- Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;

3. Danh sách văn bản hướng dẫn Quyền sở hữu công nghiệp

1

Luật Sở hữu trí tuệ 2005

Luật Sở hữu trí tuệ 2005 số 50/2005/QH11 có hiệu lực vào 01/07/2006 quy định về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và việc bảo hộ các quyền đó. Quyền sở hữu công nghiệp được quy định tại Phần thứ ba Luật này.

Các quy định nổi bật có thể kể đến tính mới của sáng chế tại Điều 60, tính mới của kiểu dáng công nghiệp tại Điều 65, điều kiện chung đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại Điều 72, khả năng phân biệt của nhãn hiệu tại Điều 74, tiêu chí đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 75.

2

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 số 07/2022/QH15 có hiệu lực vào 01/01/2023. Các quy định nổi bật về Quyền sở hữu công nghiệp được sửa đổi trong Luật này có thể kể đến chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ tại Khoản 30 Điều 1, yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tại Khoản 33 Điều 1, ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ tại Khoản 39 Điều 1.

3

Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019

Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019 số 42/2019/QH14 có hiệu lực vào 01/11/2019. Một số quy định đáng chú ý được sửa đổi về Quyền sở hữu công nghiệp là trình độ sáng tạo của sáng chế tại Khoản 3 Điều 2, hiệu lực của hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp tại Khoản 9 Điều 2.

4

Nghị định 46/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi theo Nghị định 126/2021/NĐ-CP

Nghị định 46/2024/NĐ-CP có hiệu lực vào 01/07/2024. Một số quy định đáng chú ý về Quyền sở hữu công nghiệp là xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt tại Khoản 5 Điều 1, căn cứ để tiến hành xác minh hành vi vi phạm hành chính xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Khoản 17 Điều 1, ủy quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại Khoản 18 Điều 1.

5

Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ

Nghị định 65/2023/NĐ-CP có hiệu lực 23/08/2023 quy định chi tiết và biện pháp thi hành các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về:

+ Việc xác lập, chủ thể, nội dung, giới hạn quyền sở hữu công nghiệp, chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, đại diện sở hữu công nghiệp và các biện pháp thúc đẩy hoạt động sở hữu công nghiệp.

+ Việc xác định hành vi xâm phạm, tính chất và mức độ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, xác định thiệt hại, yêu cầu và giải quyết yêu cầu xử lý xâm phạm, xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, giám định sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Một số quy định đáng chú ý trong Nghị định là căn cứ, thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 10, quyền sở hữu công nghiệp theo điều ước quốc tế tại Điều 11, quyền ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu tại Điều 12, cách tính thời hạn tại Điều 15.

6

Nghị định 126/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử

Nghị định 126/2021/NĐ-CP có hiệu lực vào 01/01/2022. Một số quy định sửa đổi đáng chú ý là bổ sung đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính tại Khoản 2 Điều 1, xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm tại Khoản 4 Điều 1, biện pháp khắc phục hậu quả tại Khoản 5 Điều 1.

7

Nghị định 99/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp

Nghị định 99/2013/NĐ-CP có hiệu lực vào 15/10/2013 quy định về các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thủ tục nộp đơn yêu cầu xử lý vi phạm; thẩm quyền, thủ tục giải quyết đơn yêu cầu xử lý vi phạm; thẩm quyền xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. 

Các quy định nổi bật trong Nghị định là hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả tại Điều 3, xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm tại Điều 4, vi phạm quy định về thủ tục xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 5.

8

Nghị định 105/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

Nghị định 105/2006/NĐ-CP có hiệu lực 21/10/2006 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, gồm việc xác định hành vi, tính chất và mức độ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xác định thiệt hại, yêu cầu và giải quyết yêu cầu xử lý xâm phạm, xử lý xâm phạm bằng biện pháp hành chính, kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ, giám định sở hữu trí tuệ và quy định quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. 

Các quy định đáng chú ý trong Nghị định là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu đối với sáng chế tại Điều 8, yếu tố xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp tại Điều 9, yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Điều 11, yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại tại Điều 13, nguyên tắc xác định thiệt hại tại Điều 16.

9

Nghị định 119/2010/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 105/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

Nghị định 119/2010/NĐ-CP có hiệu lực vào 20/02/2011. Các quy định sửa đổi đáng chú ý trong Nghị định là tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu xử lý xâm phạm tại Khoản 3 Điều 1, chứng cứ chứng minh chủ thể quyền tại Khoản 4 Điều 1, thủ tục xử lý đơn tại Khoản 8 Điều 1.

10

Thông tư 23/2023/TT-BKHCN hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Thông tư 23/2023/TT-BKHCN có hiệu lực vào 30/11/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và biện pháp thi hành các quy định của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ liên quan đến thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp.

Một số quy định đáng chú ý trong Thông tư là ủy quyền đại diện tiến hành các thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 5, phí, lệ phí sở hữu công nghiệp tại Điều 7, thẩm định hình thức đơn tại Điều 9, công bố đơn hợp lệ tại Điều 10.

Đăng nhập

HỖ TRỢ NHANH

Hỗ trợ qua Zalo
Hỗ trợ trực tuyến
(028) 3930 3279
0906 22 99 66
0838 22 99 66

 


DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.206.25
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!