Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đến hết năm 2025

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Tô Quốc Trình
29/10/2024 08:35 AM

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định định hướng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ từ ngày 25/10/2024.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đến hết năm 2025

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đến hết năm 2025 (Hình ảnh từ Internet)

Ngày 25/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1271/QĐ-TTg về phê duyệt đề án cơ cấu lại tập đoàn điện lực Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ đến hết năm 2025

Cụ thể, tại Quyết định 1271/QĐ-TTg ngày 25/10/2024 ra định hướng và các giải pháp cơ cấu lại doanh nghiệp giai đoạn đến hết năm 2025 như sau:

* Ngành, nghề kinh doanh

Các ngành, nghề kinh doanh thực hiện theo Nghị định 26/2018/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN, Nghị định 105/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 96/2022/NĐ-CPNghị định 26/2018/NĐ-CP và các văn bản điều chỉnh, bổ sung hoặc thay thế liên quan đến tổ chức và hoạt động của EVN được cấp có thẩm quyền ban hành theo quy định pháp luật.

* Đổi mới quản trị doanh nghiệp

- Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại về quản trị doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực sau:

+ Hoàn thiện thể chế quản lý;

+ Hoạch định và triển khai Chiến lược phát triển EVN theo Quyết định 538/QĐ-TTg ngày 01/4/2024;

+ Nghiên cứu giải pháp, cơ chế mang lại lợi ích, hiệu quả đối với từng giai đoạn phát triển của thị trường điện;

+ Tăng cường công tác quản lý dự án đầu tư, đảm bảo tiến độ và hiệu quả đầu tư;

+ Tăng cường công tác dự báo, quản trị rủi ro; nâng cao năng lực công tác kiểm toán giám sát, thanh tra; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí;

+ Rà soát, xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức thực hiện xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém thua lỗ thuộc EVN theo quy định.

- Áp dụng thông lệ quốc tế trong việc đổi mới quản trị doanh nghiệp

+ Tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để hoàn thiện thể chế quản lý, cơ chế, chính sách theo hướng tăng tính chủ động cho EVN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; phối hợp với các bộ ngành để trình cấp thẩm quyền về sửa đổi/ban hành Điều lệ tổ chức hoạt động phù hợp theo quy định, các văn bản pháp luật có liên quan...

+ Áp dụng quản trị công ty theo chuẩn mực quốc tế tại EVN và các đơn vị thành viên.

* Xây dựng phương án cơ cấu lại tài chính và tăng cường công tác quản trị tài chính

- Xây dựng Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, kế hoạch tài chính đảm bảo sử dụng tối ưu, hiệu quả, linh hoạt các nguồn vốn huy động được với mục tiêu bảo toàn và phát triển vốn, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính và các chỉ tiêu theo yêu cầu của các tổ chức tín dụng cho vay vốn trong và ngoài nước;

- Xây dựng phương án tài chính, phương án cân đối vốn và dòng tiền để phân tích, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các giải pháp đến tình hình tài chính của EVN, khả năng cân đối nguồn vốn cho đầu tư phát triển các dự án điện quan trọng đến hết năm 2025;

- Xây dựng phương án tăng vốn điều lệ phù hợp với từng giai đoạn để đáp ứng yêu cầu về vốn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn đến hết năm 2025;

- Nghiên cứu cơ chế tài chính của EVN trong giai đoạn thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Xây dựng phương án tách bạch về tổ chức và hạch toán chi phí của bộ phận phân phối và bán lẻ điện thuộc các Tổng công ty Điện lực theo lộ trình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh;

- Xây dựng cơ chế giá bán buôn điện giữa Công ty mẹ - EVN với các đơn vị kinh doanh phân phối điện phù hợp với cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện theo cơ chế thị trường;

- Hoàn thiện và nâng cao công tác quản trị tài chính kế toán; quản lý tài sản và nguồn vốn, đảm bảo cân đối dòng tiền:

+ Sửa đổi, bổ sung các loại định mức chi phí để tiết kiệm chi phí sản xuất trong từng khâu sản xuất kinh doanh;

+ Tăng cường quản trị hàng tồn kho, sử dụng tài sản cố định;

+ Giám sát chặt chẽ các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật có tác động tới chi phí giá thành trong sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối điện.

* Phương án cơ cấu lại nhân sự, tổ chức bộ máy quản lý

- Phương án cơ cấu lại tổ chức bộ máy quản lý

+ Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành;

+ Thực hiện đổi mới mô hình tổ chức hướng đến giảm lao động quản lý gián tiếp tại cấp quản lý trung gian, đơn vị cấp dưới để đảm bảo tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực hiệu quả và hạn chế chồng chéo các chức năng nhiệm vụ tại Công ty mẹ;

+ Nghiên cứu tổ chức phòng điều khiển trung tâm (OCC) để điều khiển tập trung nhà máy thủy điện và năng lượng tái tạo.

- Phương án cơ cấu lại nhân sự

+ Thường xuyên rà soát, sửa đổi định biên, định mức lao động tại tất cả các khâu của dây chuyền sản xuất, kinh doanh điện, đảm bảo phù hợp với mô hình, đặc điểm sản xuất kinh doanh, theo hướng tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới đạt trình độ tiên tiến;

+ Thường xuyên đánh giá và có các giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bố trí, sắp xếp, lao động phù hợp với yêu cầu công việc trong tình hình mới; sắp xếp tinh giảm biên chế lao động nhất là đội ngũ quản lý và ở các khâu truyền tải, phân phối điện; lập kế hoạch điều chuyển hợp lý lao động từ các đơn vị dôi dư, vượt định biên để tránh phải tuyển dụng thêm lao động mới; áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích giải quyết lao động dôi dư, lao động lớn tuổi, sức khỏe không đáp ứng yêu cầu công việc;

+ Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tiền lương, kế hoạch tiền lương phù hợp với hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động.

* Định hướng đầu tư đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường; lộ trình cải tiến công nghệ để đổi mới công nghệ từng phần, từng giai đoạn một cách hợp lý, phù hợp với năng lực, định hướng phát triển của doanh nghiệp

- Đẩy mạnh chuyển đổi số và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trong mọi hoạt động để xây dựng và phát triển EVN hiện đại, tiên tiến, hiệu quả đáp ứng mọi yêu cầu của hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, vận hành thị trường điện và hệ thống điện. Đến năm 2025, EVN trở thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số.

- Nghiên cứu, thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng

Tiếp tục nghiên cứu và triển khai thực hiện về chuyển dịch năng lượng với mục tiêu đưa ra lộ trình chuyển đổi năng lượng bao gồm tỷ lệ hợp lý các loại hình nguồn điện, phù hợp với chương trình phát triển điện lực trong Quy hoạch điện VIII; đảm bảo yêu cầu về an ninh năng lượng theo chỉ tiêu quy định trong các Quy hoạch phát triển điện quốc gia từng giai đoạn; thúc đẩy phát triển các loại hình năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm phát thải nhằm hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết thực hiện COP26.

* Kế hoạch phối hợp, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thuộc các khu vực kinh tế khác và các doanh nghiệp thuộc các quốc gia trong khu vực để hình thành chuỗi cung ứng sản xuất

- Mở rộng hợp tác, trao đổi điện năng với các nước trong khu vực ASEAN và các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) hướng tới mục tiêu hình thành liên kết hệ thống điện ASEAN, GMS;

- Duy trì và mở rộng liên kết lưới điện khu vực tiến hành song song với huy động tối ưu các nhà máy điện trong hệ thống.

* Kế hoạch/danh mục sắp xếp, cơ cấu lại Công ty mẹ - EVN và các đơn vị thành viên EVN giai đoạn đến hết năm 2025

- Công ty mẹ - EVN và các đơn vị trực thuộc

+ Công ty mẹ - EVN tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phù hợp Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022;

+ Giữ nguyên các đơn vị trực thuộc (trừ Công ty Nhiệt điện Thái Bình và Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4).

- Doanh nghiệp do EVN tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ

+ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia;

+ Tổng công ty Điện lực miền Bắc;

+ Tổng công ty Điện lực miền Trung;

+ Tổng công ty Điện lực miền Nam;

+ Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội;

+ Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh;

+ Tổng công ty Phát điện 1;

+ Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Thủ Đức.

- Doanh nghiệp do EVN duy trì tỷ lệ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ:

+ Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1;

+ Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2;

+ Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 4;

+ Tổng công ty Phát điện 2 - CTCP;

+ Tổng công ty Phát điện 3 - CTCP.

- Doanh nghiệp do EVN duy trì tỷ lệ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ

+ Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3;

+ Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - CTCP;

+ Công ty cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3.

- Doanh nghiệp/đơn vị sắp xếp khác

+ Công ty Nhiệt điện Thái Bình: Thực hiện sắp xếp theo Đề án riêng về thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương thành lập;

+ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4: Thực hiện sắp xếp theo Đề án riêng về thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương thành lập.

* Lộ trình thực hiện

Tập trung thực hiện cơ cấu lại tổ chức và sở hữu, phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành kế hoạch sắp xếp, cơ cấu lại EVN và các đơn vị thành viên EVN theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

EVN tiếp tục nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối tại các công ty con thuộc lĩnh vực, ngành, nghề kinh doanh chính của EVN (sản xuất điện, truyền tải điện, phân phối và kinh doanh điện, tư vấn xây dựng điện) đến năm 2025 phù hợp với tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước.

Đến hết năm 2025, mô hình tổ chức, bộ máy tinh gọn; hoạt động hiệu quả, cân bằng tài chính; năng suất lao động bình quân hàng năm tăng trên 8%/năm; quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế; có trình độ công nghệ hiện đại, trở thành doanh nghiệp hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số vào năm 2025; hoàn thành nghiên cứu và triển khai chuyển dịch năng lượng; phát triển bền vững và có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Xem thêm Quyết định 1271/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 25/10/2024.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 588

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]