Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc là ngày mấy? Hướng dẫn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc năm 2024 chi tiết?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
05/11/2024 13:15 PM

Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc là ngày mấy? Hướng dẫn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc năm 2024 chi tiết?

Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc là ngày mấy?

Theo quy định tại Điều 11 Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam 2015 về Ngày truyền thống và Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, theo đó:

Ngày 18 tháng 11 hằng năm là Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Như vậy, ngày 18/11/2024 sẽ là ngày Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 (sẽ rơi vào ngày thứ Hai của tuần).

Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc là ngày mấy? Hướng dẫn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc năm 2024 chi tiết? (Hình từ internet)

Hướng dẫn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc năm 2024 chi tiết?

Dưới đây là hướng dẫn tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc năm 2024 dựa theo Hướng dẫn 02/HD-MTTQ-BTT của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Định ngày 27/9/2024.

(1) Quy mô tổ chức

Tùy theo tình hình thực tế của địa phương, việc tổ chức Ngày hội được thực hiện theo các quy mô như sau:

- Tổ chức Ngày hội ở 01 khu dân cư: do Ban Công tác Mặt trận chủ trì.

- Tổ chức Ngày hội từ 02 khu dân cư trở lên (liên khu dân cư): do Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã chỉ đạo, định hướng Ban Công tác Mặt trận các khu dân cư phối hợp, phân công thực hiện.

- Tổ chức Ngày hội trong phạm vi cấp xã, phường, thị trấn: Do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp chủ trì và phối hợp với Ban công tác Mặt trận khu dân cư tổ chức thực hiện.

(Căn cứ tình hình cụ thể, địa phương có thể lựa chọn hình thức tổ chức Ngày hội cho phù hợp nhưng phải đảm bảo ý nghĩa và mục đích của Ngày hội và có sự tham gia đông đủ của Nhân dân ở địa bàn dân cư).

(2) Nội dung

Chương trình “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư cần phát huy sự sáng tạo của mỗi khu dân cư, tùy theo đặc điểm của từng nơi để tổ chức cho phù hợp; nội dung cơ bản Ngày hội gồm 2 phần chính:

* Phần lễ (tổ chức không quá 90 phút)

- Văn nghệ chào mừng.

- Chào cờ.

- Tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần đại biểu dự Ngày hội.

- Ôn lại lịch sử và truyền thống của MTTQ Việt Nam trong 94 năm qua; vị trí, vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, Ban Công tác Mặt trận khu dân cư trong sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng ở địa phương.

- Báo cáo của Ban Công tác Mặt trận khu dân cư hoặc liên Ban Công tác Mặt trận khu dân cư (nếu tổ chức liên khu dân cư), gồm các nội dung chính:

+ Tiêu đề báo cáo: Báo cáo kết quả Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới (đối với địa bàn nông thôn) hoặc xây dựng đô thị văn minh (đối với địa bàn đô thị);

+ Khái quát lịch sử, truyền thống của cộng đồng dân cư;

+ Tình hình đời sống Nhân dân trong cộng đồng dân cư hiện nay (có so sánh với năm trước;

+ Kết quả thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2024 (có nêu các tập thể, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp xây dựng, tích cực tham gia các hoạt động ở cộng đồng);

+ Đánh giá các hoạt động, chủ đề ở phần hội mà khu dân cư chọn trong tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2024 và phương hướng thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2025 (Báo cáo ngắn gọn, có số liệu minh họa).

- Các đại biểu trao đổi, thảo luận (những vấn đề cấp bách tại địa phương: Đời sống, an ninh trật tự, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…); tìm giải pháp đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Ban Công tác Mặt trận; nhiệm vụ, nội dung cụ thể về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

- Công bố danh sách hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa năm 2024.

- Trao giấy chứng nhận gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa (nếu có).

- Biểu dương, khen thưởng những tập thể, gia đình và cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong xây dựng cộng đồng dân cư và thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2024 trên cơ sở kết quả bình xét các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”.

- Phát động thi đua và ký cam kết giao ước thi đua: Phát động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhiệm kỳ 2024 - 2029 và phát động thi đua chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030; đồng thời lựa chọn chủ đề trọng tâm cho các tổ chức đoàn thể và các hộ gia đình ký cam kết thực hiện thi đua gắn với nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2025; tổ chức ký kết giao ước và đăng ký phấn đấu đạt các danh hiệu thi đua năm 2025.

- Mời lãnh đạo cấp trên phát biểu, tặng quà (nếu có).

- Phát biểu cảm ơn và kết thúc buổi lễ.

* Phần hội và các hoạt động hưởng ứng

- Tổ chức các hoạt động trao Nhà “Đại đoàn kết”, khánh thành các công trình dân sinh, công cộng... trong phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát động.

- Tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian truyền thống của địa phương, dân tộc.

- Để tạo không khí đoàn kết, đầm ấm, khu dân cư có thể tổ chức “Bữa cơm đoàn kết”.

(3) Hình thức tổ chức, trang trí Ngày hội

- Có thể tổ chức Ngày hội ở từng khu dân cư hoặc liên khu dân cư.

- Có băng rôn, khẩu hiệu, cờ, phướn tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong khu dân cư. Nội dung ở các băng rôn, khẩu hiệu nên bám vào chủ đề mà khu dân cư chọn để mỗi người dân trong khu dân cư biết và thực hiện.

Ma két trang trí nơi tổ chức phần Lễ của Ngày hội:

(Biểu trưng của Mặt trận)

NGÀY HỘI

ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC

Khu dân cư (hoặc liên khu dân cư)………… xã (phường, thị trấn)………………

Ngày  ....... tháng......... năm 2024 

(4) Thời gian và địa điểm tổ chức

- Thời gian tổ chức Ngày hội nên diễn ra 01 ngày, tập trung trong khoảng thời gian từ ngày 01/11/2024 đến hết ngày 18/11/2024.

- Tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh.

 Tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định như thế nào?

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức ở trung ương và các đơn vị hành chính, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ đại hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức như sau:

+ Ở trung ương có Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

+ Ở địa phương có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương (sau đây gọi chung là cấp huyện); Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã). Ở mỗi cấp có Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định.

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thành lập Ban công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là khu dân cư). Tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định.

(Điều 6 Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam 2015)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,321

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn