Những lễ hội dịp Tết Âm lịch 2025 đặc sắc của 03 miền cả nước

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Nguyễn Anh Hào
03/02/2025 16:04 PM

Trong không khí mùa xuân của những ngày đầu năm thì cũng là lúc những lễ hội Tết bắt đầu được tổ chức, dưới đây những lễ hội dịp Tết Âm lịch 2025 đặc sắc trên cả nước.

Những lễ hội dịp Tết Âm lịch 2025 đặc sắc của 03 miền cả nước

Những lễ hội dịp Tết Âm lịch 2025 đặc sắc của 03 miền cả nước (Hình từ internet)

Những lễ hội dịp Tết Âm lịch 2025 đặc sắc của 03 miền cả nước

Lễ hội Tết là dịp quan trọng trong văn hóa người Việt, các lễ hội Tết cổ truyền Việt Nam không chỉ giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống mà còn là dịp để thể hiện lòng kính trọng và biết ơn.

Dưới đây là một số lễ hội dịp Tết Âm lịch 2025 đặc sắc tiêu biểu trên cả nước của cả 03 miền:

* Miền Bắc

- Lễ hội chùa Hương

Là một trong các lễ hội Tết Âm lịch lớn nhất và thiêng liêng nhất. Lễ hội chùa Hương thu hút cả triệu du khách đến tham gia lễ Phật, cầu an và thưởng ngoạn cảnh đẹp của chùa và núi.

+ Thời gian: Từ mùng 6 tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch.

+ Địa điểm: Chùa Hương, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

- Lễ hội Yên Tử

Lễ hội Yên Tử là dịp để người dân và phật tử hành hương đến núi Yên Tử, nơi được coi là thánh địa của Phật giáo Việt Nam. Đây là một trong các lễ hội Tết cổ truyền ở Việt Nam mang đậm yếu tố tâm linh và văn hóa, gắn liền với lịch sử và truyền thống dân tộc.

+ Thời gian: Từ mùng 10 tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch.

+ Địa điểm: Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, Quảng Ninh.

- Lễ hội đền Gióng

Lễ hội đền Gióng là một trong các lễ hội Tết cổ truyền của miền Bắc Việt Nam nhằm tôn vinh vị anh hùng Thánh Gióng, một trong những nhân vật quan trọng trong lịch sử truyền thuyết Việt Nam.

Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

+ Thời gian: Mùng 7 đến mùng 9 tháng tư âm lịch.

+ Địa điểm: xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội

* Miền Trung

- Lễ hội cầu Ngư

Lễ hội này 3 năm tổ chức 1 lần, rất linh đình với nhiều tiết mục như đánh cá, chiêm bái, mô tả sinh hoạt của ngư dân chài lưới bao năm qua. Lễ hội còn tôn vinh nghề biển, nghề cá, một nghề nghiệp vất vả nhưng cao quý.

Lễ hội đã thu hút đông đảo du khách, góp phần phát triển du lịch địa phương.

+ Thời gian: Ngày 10 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch (tùy thuộc vào vùng biển diễn ra)

+ Địa điểm: Các tỉnh ven biển Duyên hải Nam Trung Bộ.

- Lễ hội làng Sình

Lễ hội làng Sình hay còn biết đến nhiều nhất là lễ hội đấu vật làng Sình rất nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên Huế trước đây, nay là thành phố Huế.

Được tổ chức với mong muốn cầu chúc cho dân làng sức khỏe dồi dào, cuộc sống bình yên và mùa màng bội thu, bên cạnh đó còn khuyến khích tinh thần thượng võ và lòng đoàn kết trong cộng đồng.

+ Thời gian: Ngày 10 tháng Giêng âm lịch.

+ Địa điểm: Làng Sình, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Huế.

- Lễ hội Đống Đa

Lễ hội Đống Đa là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước vào dịp Tết Âm lịch, tưởng niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, một trong những chiến thắng lừng lẫy trong lịch sử Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để tri ân công lao của Vua Quang Trung- Nguyễn Huệ.

+ Thời gian: Ngày mùng 4 đến mùng 5 tháng Giêng âm lịch.

+ Địa điểm: Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định.

* Miền Nam

- Lễ hội Núi Bà Đen

Là một trong lễ hội Tết lớn tại miền Nam, thu hút rất đông du khách đến tham dự và du xuân. Mọi người tham gia để thắp hương, cầu bình an và cầu mong công danh, sự nghiệp thịnh vượng.

+ Thời gian: Từ mùng 4 đến hết tháng Giêng âm lịch.

+ Địa điểm: Núi Bà Đen, khu phố Ninh Phú, phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.

- Lễ hội Dinh Cô

Lễ hội tổ chức để tưởng nhớ công đức độ trì cho dân làng làm ăn phát đạt, cuộc sống an lành của bà Lê Thị Hồng Thủy. Ngày lễ này có nhiều hoạt động văn hóa, nhất là nghi lễ “Nghinh Cô” đầy tôn kính và linh thiêng.

+ Thời gian: Ngày 10 đến 12/2 âm lịch.

+ Địa điểm: thị trấn Long Hải, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

- Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu

Lễ hội này là một sự kiện lớn tại Bình Dương, mang đậm tín ngưỡng thờ Thiên Hậu của cộng đồng người Hoa địa phương. Ngày hội được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc, trong đó nghi thức rước kiệu bà quanh thành phố là điểm nhấn chính.

 + Thời gian: Nửa đêm ngày 14 đến 15 tháng Giêng âm lịch.

+ Địa điểm: TP Thủ Dầu Một và tại Phường Phú Chánh của TP Tân Uyên, Bình Dương.

Quy định nguyên tắc tổ chức lễ hội dịp Tết Nguyên đán 2025

Theo Điều 5 Nghị định 110/2018/NĐ-CP thì nguyên tắc tổ chức lễ hội được quy định như sau:

(1) Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước; tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội.

(2) Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.

(3) Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

(4) Giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân.

(5) Phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

(6) Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.

(7) Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]