04 hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật (mới nhất)

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
25/09/2023 13:00 PM

Cho tôi biết các hành vi vi phạm nào của cán bộ, công chức, viên chức sẽ không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật? – Hải Dương (Bến Tre)

04 hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật (mới nhất)

04 hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật (mới nhất) (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là thời hiệu xử lý kỷ luật?

Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức, viên chức, người đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.

Trường hợp có hành vi vi phạm mới trong thời hạn để tính thời hiệu xử lý kỷ luật theo quy định thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm mới.

(Khoản 1 Điều 5 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 72/2023/NĐ-CP)

2. Các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật

Cụ thể, cán bộ, công chức, viên chức có các hành vi vi phạm sau đây sẽ không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật:

(1) Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ;

(2) Có hành vi vi phạm quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ;

(3) Có hành vi xâm hại đến lợi ích quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại;

(4) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp.

(Khoản 4 Điều 5 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 72/2023/NĐ-CP)

3. Cách xác định thời điểm có hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức

Thời điểm có hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được xác định như sau:

- Đối với hành vi vi phạm xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm chấm dứt.

- Đối với hành vi vi phạm chưa chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phát hiện.

- Đối với hành vi vi phạm không xác định được thời điểm chấm dứt thì thời điểm có hành vi vi phạm được tính từ thời điểm có kết luận của cấp có thẩm quyền.

(Khoản 2 Điều 5 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 72/2023/NĐ-CP)

4. Các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức

Theo Điều 4 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, các trường hợp được miễn trách nhiệm kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức bao gồm:

- Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi có hành vi vi phạm.

- Phải chấp hành quyết định của cấp trên theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Cán bộ, công chức.

Điều 9. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ

...

5. Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

- Được cấp có thẩm quyền xác nhận vi phạm trong tình thế cấp thiết, do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự khi thi hành công vụ.

- Cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật nhưng đã qua đời.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,365

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn