Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
12/06/2023 10:00 AM

Cho tôi hỏi các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính mới nhất gồm những biện pháp nào? - Tường Vy (Tây Ninh)

Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính mới nhất

Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính mới nhất

Theo Điều 119 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp sau đây theo thủ tục hành chính:

- Tạm giữ người;

- Áp giải người vi phạm;

- Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

- Khám người;

- Khám phương tiện vận tải, đồ vật;

- Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

- Quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất;

- Giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

- Truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bỏ trốn.

2. Nguyên tắc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính

Nguyên tắc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo Điều 120 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:

- Khi áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định tại từ Điều 120 đến 132 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, nếu vi phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

- Chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp cần thiết theo quy định tại Chương II Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

- Người ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình.

- Việc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Quy định về huỷ bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính

Huỷ bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo Điều 121 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:

- Trường hợp việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính không còn phù hợp với mục đích và điều kiện áp dụng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì quyết định áp dụng biện pháp đó phải được huỷ bỏ.

- Người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính quyết định huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết hoặc thay thế bằng một biện pháp ngăn chặn khác.

4. Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính theo Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020) như sau:

- Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính bao gồm:

+ Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật;

+ Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật;

+ Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

+ Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần.

Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.

+ Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính;

+ Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

- Nguyên tắc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính bao gồm:

+ Cá nhân chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các đối tượng quy định tại các Điều 90, 92, 94 và 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;

+ Việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính phải được tiến hành theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020);

+ Việc quyết định thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, nhân thân người vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng;

+ Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@thuvienphapluat.vn.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,672

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn