Tải app trên IOS

Thời gian nghỉ thai sản có được tính hưởng BHXH 1 lần không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Mai Thanh Lợi
25/04/2023 13:49 PM

Xin hỏi trường hợp lao động nữ nghỉ thai sản khi sinh con thì thời gian nghỉ thai sản có được tính hưởng BHXH 1 lần không? - Đức Minh (Cao Bằng)

Thời gian nghỉ thai sản khi sinh con là bao lâu?

Theo quy định tại Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

- Đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con; hoặc

- Đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp lao động nữ đáp ứng một trong các điều kiện nêu trên mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định.

Theo quy định tại Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

Thời gian nghỉ thai sản có được tính hưởng BHXH 1 lần không?

Thời gian nghỉ thai sản có được tính hưởng BHXH 1 lần không? (Hình từ internet)

Thời gian nghỉ thai sản có được tính hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần không?

Căn cứ Khoản 2 Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, tại khoản 6 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 cũng có hướng dẫn người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì đơn vị và người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thời gian này vẫn được tính là thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp; phải đóng bảo hiểm y tế do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng.

Như vậy, thời gian 6 tháng nghỉ thai sản của lao động nữ khi sinh con vẫn được tính là thời gian có đóng bảo hiểm xã hội.

Cùng với đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần của người lao động sẽ được tính theo số năm mà người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội.

Từ những căn cứ trên, có thể thấy, thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ cũng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội nên sẽ được tính hưởng BHXH 1 lần cho người lao động theo quy định.

Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian nghỉ thai sản là bao nhiêu?

Khoản 4 Điều 12 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, được ghi theo mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản người lao động được nâng lương thì được ghi theo mức tiền lương mới của người lao động từ thời điểm được nâng lương.

Như vậy, mức lương đóng bảo hiểm xã hội của thời gian nghỉ thai sản chính là mức lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng trước khi nghỉ hưởng chế độ. Nếu trong thời gian này, người lao động được nâng lương thì ghi nhận mức lương mới từ thời điểm được nâng.

Tiền lương này được dùng để tính mức hưởng BHXH 1 lần cho người lao động khi có yêu cầu.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 29,367

Bài viết về

Bảo hiểm xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]