Chủ tịch xã là cán bộ hay công chức? Quyền hạn Chủ tịch xã

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
03/04/2023 16:20 PM

Cho tôi hỏi Chủ tịch xã (Chủ tịch UBND cấp xã) là cán bộ hay công chức? Chủ tịch xã có quyền hạn như thế nào?

Chủ tịch xã là cán bộ hay công chức? Quyền hạn Chủ tịch xã

Chủ tịch xã là cán bộ hay công chức? Quyền hạn Chủ tịch xã

Chủ tịch xã là cán bộ hay công chức?

Hiện hành, tại khoản 2, 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức quy định về cán bộ, công chức như sau:

Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Cán bộ cấp xã là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Tại điểm b khoản 2 Điều 61 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định cán bộ cấp xã có các chức vụ sau đây:

- Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ;

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân;

- Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;

- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;

- Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam);

- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

Như vậy, Chủ tịch xã là cán bộ cấp xã.

Quyền hạn của Chủ tịch xã

Chủ tịch xã là cán bộ xã, theo đó thực hiện các quyền hạn được quy định tại Điều 62 Luật Cán bộ, công chức 2008 và quy định chi tiết tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP, Nghị định 204/2004/NĐ-CP, Nghị định 161/2018/NĐ-CPNghị định 134/2015/NĐ-CP như sau:

Quyền hạn của Chủ tịch xã bao gồm như sau:

(1) Khi giữ chức vụ được hưởng lương và chế độ bảo hiểm.

- Xếp lương của Chủ tịch xã được quy định như sau:

+ Chủ tịch xã có trình độ sơ cấp hoặc chưa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ thì hệ số lương được quy định như sau:

Hệ số lương bậc 1: 2,15

Hệ số lương bậc 2: 2,65

+ Chủ tịch xã đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên thực hiện xếp lương như công chức hành chính quy định tại bảng lương số 2 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP

+ Chủ tịch xã là người đang hưởng chế độ hưu trí hoặc trợ cấp mất sức lao động, ngoài lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hiện hưởng, hàng tháng được hưởng một khoản phụ cấp bằng 100% mức lương bậc 1 của chức danh hiện đảm nhiệm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 92/2009/NĐ-CP và không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Sau thời gian đủ 5 năm (60 tháng), nếu hoàn thành nhiệm vụ được giao và không bị kỷ luật trong suốt thời gian này thì được hưởng 100% mức lương bậc 2 của chức danh đảm nhiệm.

- Ngoài mức lương ra, Chủ tịch xã còn được hưởng các loại phụ cấp về chức vụ lãnh đạo, phụ cấp vượt khung, phụ cấp theo loại xã, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh (nếu có).

- Chế độ bảo hiểm của Chủ tịch xã được quy định:

Chủ tịch xã trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, chức danh thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định của pháp luật.

(2) Khi thôi giữ chức vụ, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật được xem xét chuyển thành công chức, trong trường hợp này, được miễn chế độ tập sự và hưởng chế độ, chính sách liên tục.

Phải có đủ 05 năm công tác trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc, nếu có thời gian công tác không liên tục thì được cộng dồn, kể cả thời gian công tác nếu có trước đó ở vị trí công việc là cán bộ, công chức cấp xã) làm công việc có yêu cầu trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển.

(3) Nếu không được chuyển thành công chức mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì thôi hưởng lương và thực hiện đóng bảo hiểm tự nguyện theo quy định của pháp luật.

Trường hợp khi nghỉ việc đã hết tuổi lao động, có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được đóng tiếp theo quy định tại Nghị định 134/2015/NĐ-CP.

(4) Trường hợp là cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển, biệt phái thì cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp hoặc giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật.

Lê Vũ Trang Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 15,582

Bài viết về

Cán bộ, công chức, viên chức

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]